* Tiến sĩ đánh giá như thế nào về công tác khuyến nông- khuyến ngư trong thời gian qua?
- Trong 14 năm hình thành hệ thống khuyến nông ở Việt Nam, bây giờ có thêm khuyến ngư, đã đạt được một số thành quả nhất định, góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp cả nước. Có thể nói, hầu hết các loại giống mới (cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản)... đang được sản xuất chủ yếu do kênh khuyến nông chuyển giao, cung cấp và tham gia mở rộng sản xuất. Tôi nói kênh khuyến nông vì bao gồm cả khuyến nông của nhà nước khoảng trên 30.000 người trong các trung tâm, trạm cấp tỉnh, huyện và cấp phường xã, rồi đội ngũ do các tổ chức đoàn thể đào tạo...
Khuyến nông hiện nay không chỉ chuyển giao, mà còn tham gia vào chỉ đạo sản xuất; xây dựng, tuyên truyền quảng bá mô hình; khắc phục thiên tai. Dù ít nhiều thì lực lượng khuyến nông là nòng cốt góp phần vào sự phát triển của sản xuất nông nghiệp rất lớn trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng lắm với kết quả đạt được trong công việc.
* Cụ thể là những vấn đề gì, thưa tiến sĩ?
- Thời gian qua, phần lớn công tác khuyến nông tiếp cận với người có điều kiện. Còn người nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa... rất khó tiếp cận với khuyến nông. Nguyên nhân khách quan là do cơ chế tài chính, bởi khuyến nông không cho không, mà Nhà nước và nông dân cùng đóng góp. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, chẳng hạn mức hỗ trợ bình quân ở đồng bằng là 30%, trung du miền núi 50%, vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo 80%... Vì thế, người nghèo ít có cơ hội, vì muốn làm mô hình họ phải đóng góp. Hiện nay, chúng tôi đang sửa chữa, khắc phục hạn chế này, hy vọng trong năm 2008 sẽ có cơ chế chính sách hợp lý cho vùng khuyến nông người nghèo. Còn các vùng khác, chúng tôi đã tạm yên tâm.
* Như vậy, công tác khuyến nông- khuyến ngư trong thời gian tới sẽ chú trọng những vấn đề gì, thưa tiến sĩ?
- Để theo kịp xu hướng thị trường, bản thân hệ thống khuyến nông- khuyến ngư phải đổi mới và mang tính hiện đại. Tôi cho rằng, sắp tới, đối với vùng sản xuất hàng hóa như Tây Nguyên, vùng ĐBSCL, một phần miền núi phía Bắc, một phần Đồng bằng sông Hồng không cần phải xây dựng mô hình điểm, mà tập trung vào việc cung cấp thông tin về thị trường, đào tạo kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Bởi những vùng sản xuất này đã có nhiều mô hình và người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật dễ dàng hơn vùng khác. Đối với vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc... phải đẩy mạnh trình diễn mô hình tại chỗ, cầm tay chỉ việc, đào tạo, mời nông dân hội thảo. Tóm lại, ở hai vùng phải có 2 phương pháp khác nhau. Thông tin tuyên truyền phải được đẩy mạnh, bởi nếu không có phương tiện truyền thông hỗ trợ thì người dân cũng khó lòng nắm bắt hết kỹ thuật sản xuất, nhu cầu thị trường. Đó mới là hình thức khuyến nông hiện đại.
Hiện nay, công tác đào tạo, huấn luyện kiến thức sản xuất nông nghiệp cho nông dân còn nhiều bất cập. Hơn nữa, chưa có sự phân công rõ ràng trách nhiệm đào tạo giữa các bộ, ngành như: Bộ NN&PTNT, Bộ LĐTB&XH, Hội Nông dân... Điều này, gây khó khăn cho nông dân và lãng phí kinh phí của Nhà nước trong sử dụng nguồn tài chính phục vụ công tác đào tạo nông dân.
* Hiện tại đội ngũ làm công tác khuyến nông- khuyến ngư có đáp ứng nhu cầu trong việc xây dựng hệ thống hiện đại sắp tới không, thưa tiến sĩ?
- Công tác khuyến nông gắn liền với công tác cải thiện đời sống nông dân. Tuy nhiên, 14 năm qua, khuyến nông chỉ mới làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Vài năm gần đây, ngoài tăng năng suất còn phải chất lượng, công tác khuyến nông về đầu ra, khuyến nông thị trường cho nông dân đã được cải thiện, nhưng chưa nổi bật. Khuyến nông ở các nước tiên tiến còn khuyến cáo nông dân học thêm ngành nghề ngoài nông nghiệp. Ở ta chỉ mới là khuyến nông thuần túy cho ngành nông nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, khuyến nông không chỉ là ngành nông nghiệp mà còn phát triển ra thêm các ngành nghề, đồng thời khuyến cáo nếp sống văn hóa, mang tính cộng đồng trong nông thôn. Vấn đề này, không phải một mình hệ thống khuyến nông làm được mà cần sự phối hợp với các ngành khác. Tuy nhiên, ở mức tối đa, chúng tôi sẽ cố gắng giúp nông dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng thị trường.
* Việc hợp nhất hai trung tâm khuyến nông và khuyến ngư thành một có ý nghĩa như thế nào trong việc định hướng sản xuất sắp tới?
- Sự sáp nhập này mang tính chất tổng thể hơn và tập trung đầu mối trong công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tác dụng không chỉ tăng về số lượng (lực lượng khuyến nông- khuyến ngư) mà còn tăng về chất lượng. Qua đó, chúng tôi có điều kiện để thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp cây- con và mang tính toàn diện mới đáp ứng nhu cầu sản xuất của người nông dân. Nông dân hiện nay không chỉ đơn giản là trồng trọt, lâm nghiệp, mà còn là diêm nghiệp, ngư nghiệp... Mô hình mang tính tổng thể sẽ thiết thực hơn. Sự sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khuyến nông- khuyến ngư.
Tuy nhiên, bộ máy của trung tâm hiện nay vẫn chưa vận hành thông suốt trong việc lên được kế hoạch. Bởi trung tâm vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, nên chưa thể hướng dẫn được cho các địa phương. Hy vọng trong tháng 3-2008 sẽ có hướng dẫn cụ thể. Khi đó, chúng tôi sẽ phân công cụ thể trong công việc và triển khai kế hoạch xuống các địa phương, đồng thời hợp nhất về tên gọi. Hiện nay, ở một số địa phương tên gọi khuyến nông, khuyến ngư cũng chưa thống nhất, cơ cấu tổ chức cũng khác nhau, chế độ của cán bộ khuyến nông cấp xã, phụ cấp cho cán bộ khuyến nông cấp tỉnh cũng khác nhau. Chúng tôi sẽ khắc phục những vướng mắc này trong năm 2008.
* Thưa tiến sĩ, hiện nay, giá vật tư nông nghiệp tăng, nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Trung tâm dự định triển khai kế hoạch công tác khuyến nông-khuyến ngư ra sao để phù hợp với điều kiện mới?
- Thời gian qua, việc ký hợp đồng khuyến nông- khuyến ngư với các địa phương thường phải đên tháng 3, tháng 4 của năm sau. Nhưng trong năm 2008 này, những hợp đồng đã ký từ tháng 12-2007 và cuối tháng 1-2008 đã xong. Mặc dù, vật giá hiện tại đã tăng so với thời điểm ký hợp đồng, nhưng Bộ NN&PTNT chưa có chủ trương cho tính trượt giá. Do vậy, Trung tâm sẽ hướng dẫn cụ thể và linh hoạt cho các địa phương đã ký hợp đồng với trung tâm điều chỉnh qui mô của mô hình cho phù hợp với thời giá để không bị ảnh hưởng đến kế hoạch và thiệt hại cho nông dân. Ví dụ, một mô hình trình diễn 30 ha cần khoảng 20 triệu đồng, nhưng vì trượt giá, mô hình này đã tăng lên 25 triệu, nên sẽ điều chỉnh giảm diện tích thực hiện xuống còn 25 ha chẳng hạn. Giá cả tăng làm cho toàn ngành kinh tế khó khăn, trong đó có công tác khuyến nông. Trượt giá là vấn đề lớn, nên phạm vi khuyến nông không được phép thay đổi một số cơ chế tài chính, mà chỉ đề xuất để thay đổi cho phù hợp thực tế.
* Cảm ơn tiến sĩ!
(Theo Cần Thơ)