Hai năm thực hiện Nghị định 115: Cốt yếu là thay đổi nhận thức

26/03/2008

Nghị định 115 đã được ví như”khoán 10” trong khoa học hay là “bước đột phá” trong công tác tổ chức hoạt động của các đơn vị khoa học công nghệ. Theo phát biểu của thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nghị định này, mục tiêu của nghị định là “trao cho nhà khoa học quyền tự chủ cao nhất thể hiện bằng quyền tự chủ về tổ chức, nhân sự và tài chính”. Nhưng trên thực tế, vẫn còn một số đơn vị "ngại" tự chủ, mà lý do không hẳn là họ không muốn xa bầu sữa bao cấp.

Môi trường pháp lý: hoàn chỉnh

Qua hơn hai năm thực hiện, có gần 50% đơn vị trong tổng số 659 tổ chức khoa học công lập có đề án. Cụ thể, theo Báo cáo tổng kết của Ban chỉ đạo thực liên bộ do ông Trần Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ Khoa học và Công nghệ), có 161 đơn vị có đề án được phê duyệt, 142 đơn vị có lập đề án. Bên cạnh đó, việc rà soát, đánh giá tổ chức nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu chính sách đã xác định 123 tổ chức tiếp tục được hưởng ngân sách thường xuyên để hoạt động. Trong số 123 tổ chức này, theo nhận xét của ông Tùng, một số bộ và địa phương đề nghị rất sát, một số chưa sát. Ông Tùng cũng thẳng thắn nêu tên một số đơn vị còn chậm triển khai như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện khoa học xã hội Việt Nam.

Nguyên nhân của việc chậm trễ, theo đánh giá của ban chỉ đạo liên bộ là lãnh đạo địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt. Sự phối hợp giữa các sở, ban ngành chưa chặt chẽ, trong đó vai trò đầu mối của Sở khoa học và Công nghệ chưa được thể hiện rõ. Một nguyên nhân gây chậm trễ khác là các địa phương không nắm được thông tin, nên phê duyệt không đúng tinh thần của nghị định. Cá biệt, có 6 địa phương đã phê duyệt theo tinh thần của nghị định 43 dành cho các đơn vị thuộc hai khối y tế và đào tạo. Ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Nếu vẫn theo mục tiêu nghiên cứu phát triển khoa học, thì phải áp dụng theo Nghị định 115”.

Việc thực hiện nghị định 115 ở các địa phương, theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên bộ, sẽ đề nghị cho kéo dài thời gian chuẩn bị cho đến hết 2011. Nguyên nhân, theo ông Trần Văn Tùng, là nghị định 132 về tinh giản biên chế, có liên quan mật thiết tới 115, cũng kéo dài tới 2011.

Trong 4 năm trở lại đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng các đơn vị hữu quan xây dựng 4 bộ luật quan trong như Sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, năng lượng nguyên tử... Sắp tới, theo thứ trưởng Nguyễn Quân, sẽ xây dựng luật về Công nghệ cao. Ông Quân cho rằng: “Nền tảng pháp lý cho khoa học công nghệ đã được hoàn thành”.

"Độ trễ quán tính "

Thế nhưng, tòa nhà pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ không thể hình thành nếu chỉ có nền móng mà thiếu vắng các khung sườn. Đó là chưa kể tới việc ban hành không đồng bộ khiến cho ngôi nhà pháp lý đó không bảo đảm cho hoạt động chuyển đổi được thông suốt.

Một số ý kiến nêu ra tại hội nghị cho rằng việc ban hành chính sách không đồng bộ đã gây cản trở cho hoạt động chuyển đổi. Trường hợp của Trung tâm ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp vốn trực thuộc Viện hạt nhân Đà Lạt, sau chuyển về trực thuộc bộ là một ví dụ. Trung tâm này đã nhận được quyết định chuyển đổi theo nghị định 115, nhưng không đăng ký hoạt động kinh doanh được bởi trong quyết định phê duyệt đề án không nói rõ! Theo ông Trần Văn Tùng, có trường hợp sở kế hoạch đầu tư không biết công văn 3831 của Bộ Kế hoạch đầu tư về việc cho phép tổ chức khoa học công nghệ sau khi chuyển đổi sẽ được đăng ký hoạt động kinh doanh sản xuất.

Bên cạnh sự không đồng bộ về văn bản hướng dẫn thi hành nghị định, văn bản ban hành không quy định rõ ràng khiến cho địa phương hay đơn vị chức năng có thể hiểu theo nhiều cách, gây khó cho các tổ chức khoa học công nghệ chuyển đổi. Trung tâm ứng dụng hạt nhân nêu trên đã không được Cục thuế Lâm Đồng cho miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị định 115. Nguyên do là đơn vị này chuyển từ viện về trực thuộc bộ, theo giải thích của cục thuế nghĩa là thành lập mới! Một số cơ quan thuế ở địa phương đòi hỏi phải có văn bản hướng dẫn về ưu đãi thuế mới áp dụng. Ông Trần Văn Dũng, giám đốc trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cho biết, đơn vị ông không được hưởng ưu đãi thuế dù đã chuyển đổi theo nghị định 115 vì lý do trên.

Một số ý kiến nêu, có những vướng mắc khiến cho "tính tự chủ tài chính không có nhiều ý nghĩa là văn bản hướng dẫn không bao quát". Điển hình như Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thủy Phương muốn góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập hai công ty cổ phần về phát triển giống và chế biến thịt đà điểu phải đợi Ban chỉ đạo liên bộ có công văn ủng hộ việc làm này. Sau đó, cơ quan chủ quản mới có văn bản hướng dẫn việc giao tài sản góp vốn.

Nếu như trở ngại chính từ khâu ban hành chính sách, văn bản là yếu tố bên ngoài cản trở quá trình chuyển đổi, thì bản thân các tổ chức khoa học, công nghệ cũng có bị cản trở bởi sức ì của bộ máy. Lý thuyết quản trị cho rằng, bản thân cơ cấu tổ chức nào sau một thời gian cũng có độ trễ quán tính và sức ỳ bộ máy. Điều này thể hiện rõ khi thực hiện thay đổi cơ cấu.

Kinh nghiệm từ các đơn vị chuyển đổi và các cơ quan quản lý ở địa phương cho thấy, ở các tổ chức vẫn còn tâm lý e ngại. Việc một số đơn vị cố gắng được chuyển đổi theo Nghị định 43, chứ không theo 115 là một minh chứng. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều nhấn mạnh đến nhu cầu cần được đầu tư trang, thiết bị.

Ngoài ra, việc chuyển đổi các tổ chức khoa học, công nghệ theo mô hình tự chủ không chỉ là chuyện thay đổi cơ cấu, tổ chức, trao quyền tự chủ, mà cốt yếu là sự thay đổi về nhận thức của các đơn vị này. Điều này không thể nào đạt được nếu không có sự xác định đúng về tầm nhìn, sứ mệnh của tổ chức, để từ đó xây dựng chiến lược phát triển. Ngoại trừ Quatest 3 có kinh nghiệm tự hạch toán từ năm 2002, nên khi thực hiện theo Nghị định 115, đơn vị này khá thuận lợi khi xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp. Các đơn vị khác không ít thì nhiều vẫn tỏ ra lúng túng.

(Theo Tia Sáng)


Tin khác