Bảo hiểm nông nghiệp: Doanh nghiệp tháo chạy

02/04/2008

AGROINFO - Có lẽ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở Việt Nam sẽ mãi là khái niệm mơ hồ nếu đợt rét kỷ lục vừa qua không làm đàn gia súc chết hàng loạt. Từ đây, người nông dân mới lờ mờ hiểu rằng: để hạn chế thiệt hại thì phải mua bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi của mình.

Nhiều nguyên nhân khiến các công ty bảo hiểm loại bỏ dịch vụ BHNN, trong đó, yếu tố được đặt lên hàng đầu là thiếu chính sách hỗ trợ vĩ mô, tiếp đến là văn hoá bảo hiểm gần như chưa hình thành đối với nền nông nghiệp manh mún của Việt Nam.

Cây trồng, vật nuôi được bảo hiểm

Thống kê của Bộ Nông nghiệp - PTNT và Bộ Tài chính cho thấy, cứ 100 cây trồng, vật nuôi thì chỉ có một trong số đó được mua bảo hiểm. Chúng ta biết rằng, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam lên đến hàng chục triệu con, nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại sẽ là rất lớn, không chỉ tác động trực tiếp tới đời sống người nông dân mà còn ảnh hưởng lớn cho nền kinh tế và an ninh lương thực quốc gia.

Nhìn lại cung cách làm ăn của chúng ta, có thể thấy được rất nhiều khuyết điểm. Các cơ quan quản lý đổ lỗi cho nông dân nuôi - trồng không đúng phương pháp, doanh nghiệp (DN) đổ tại Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý, nông dân nói chưa nghe đến loại hình BHNN bao giờ. Tóm lại, ai cũng có cái lý của mình và khi sự đã rồi thì chỉ còn cách "kêu gọi tinh thần đoàn kết, hỗ trợ từ xã hội". Rõ ràng, chúng ta luôn đi sau sự kiện.

Nói tới thực trạng BHNN ở Việt Nam hiện nay, người ta hình dung ngay tới loại dịch vụ mà khách hàng cần nhưng chưa biết rõ nên mua ở đâu, thủ tục thế nào...; còn DN chưa muốn “sản xuất” bởi đinh ninh thị trường tuy rộng nhưng chẳng ai mua vì không có thói quen và không quản được sự "ăn gian".

Thực tế, loại hình bảo hiểm này đã tồn tại ở Việt Nam từ những năm 1980 do Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cung cấp. Nhưng kể từ khi các hợp tác xã, nông trường "tan rã", loại hình BHNN cũng dần biến mất. Sau đó, cũng có một vài doanh nghiệp “nhảy” vào mảnh đất "màu mỡ" này nhưng đều bị đánh bật bởi sự “chai lỳ” của thị trường và đối tượng mua bảo hiểm. Điển hình nhất là trường hợp của Công ty Groupama (100% vốn của Pháp). Khi bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam, Công ty này chỉ có phương châm kinh doanh duy nhất là BHNN. Nhưng đường lối đúng đắn đó đã không thể thành công bởi vấp phải quá nhiều rào cản khách quan từ việc tiếp cận đối tượng đến xử lý tình huống. Năm 2003, Công ty đặt yêu cầu bảo hiểm cực thấp, ngay khi khách hàng chỉ bảo hiểm một con bò cũng được chấp thuận. Tuy nhiên, sau hàng loạt sự kiện gia súc chết và được chuyên gia kiểm tra xác minh, mọi người mới vỡ lẽ vì nông dân chăn nuôi không đúng cách, chuồng trại không đủ tiêu chuẩn và thức ăn không đảm bảo chất lượng, song Công ty vẫn phải bồi thường cho nông dân theo đúng hợp đồng. Nhận thấy rủi ro và nguy hiểm trong hoạt động kinh doanh, Groupama nâng mật độ đàn được bảo hiểm tối thiểu phải là 3 con. Kể cả như thế thì việc kinh doanh vẫn hoàn toàn thất bại bởi mức phí bảo hiểm thấp, khách hàng ít nhưng rủi ro lại thường xuyên xảy ra, đồng thời bồi thường lại cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với mức phí. Ví dụ, một con lợn nái Groupama chỉ yêu cầu đóng phí 60.000 đồng /năm, nhưng khi bồi thường vì lợn chết có thể lên tới hàng triệu đồng. Để giảm thiểu mức độ rủi ro, Groupama đã phải đăng ký kinh doanh thêm các loại hình bảo hiểm khác và nông nghiệp không còn được coi là mũi nhọn của Công ty này tại Việt Nam.

Cố ý “ăn gian”

DN kinh doanh bảo hiểm muốn thành công, ngoài định hướng chiến lược đúng đắn còn phải quản lý được mức độ rủi ro. Đối với vật nuôi, cây trồng, bên cạnh yếu tố chuồng trại, kỹ thuật... thì vấn đề thời tiết cũng tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây, con. Điều đáng nói là khi cây trồng, vật nuôi đã được bảo hiểm, sự khắc nghiệt này không còn là nỗi lo với nông dân, khiến họ lơ là trong việc bảo quản, chăm sóc tài sản của mình.

Một khía cạnh đạo đức trong kinh doanh là uy tín, nhưng với đối tượng khách hàng nhỏ lẻ là nông dân, điều này gần như nằm ngoài từ điển ngôn ngữ của họ. Bởi đơn giản, khách hàng bảo hiểm nghĩ rằng mình là đối tượng được chăm sóc, chứ không có lập trường trên thực tế mình cũng đang kinh doanh.

Thêm một nguyên nhân để các DN bảo hiểm tính đường tháo chạy là cung cách làm ăn không sòng phẳng của “thượng đế”. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nêu ví dụ: Trước đây, khi Bảo hiểm Bảo Việt cung cấp dịch vụ BHNN cho gia súc, để đảm bảo đúng đối tượng, nhân viên đã cắt tai những con lợn được mua bảo hiểm. Nhưng lại có trường hợp thấy hàng xóm có lợn bị chết bệnh, liền xui họ cắt tai y như lợn nhà mình rồi đem sang đòi được trả bảo hiểm, sau đó ăn chia với nhau.

Hoặc như Công ty Groupama bảo hiểm cho trâu bò, và gia cầm bằng cách đeo khuyên, nhưng gần như ngay sau đó, người ta làm nhái những chiếc vòng bảo hiểm giống đến mức mắt thường không thể phân biệt nổi để đeo vào những con vật không mua bảo hiểm. Vô hình chung, nếu gia đình có 3 con bò, họ chỉ cần mua bảo hiểm cho một con và lợi dụng sự quản lý của công ty bảo hiểm với nền nông nghiệp manh mún để “nhập nhèm đánh lận con đen”, nghiễm nhiên cả đàn bò được đóng bảo hiểm như thường.

Rủi ro này khiến nhân viên bảo hiểm không thể lường trước, chỉ có thể xử lý bằng niềm tin hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp. Mặt khác, với những trường hợp như vậy, không những khó làm minh bạch mà hành lang pháp lý cũng không đề cập rõ ràng để xử lý.

Chưa tuyên truyền sâu rộng

Lãnh đạo của Groupama cho rằng, thị trường Việt Nam rất khó để phát triển loại hình BHNN vì cán cân cung – cầu chưa tương xứng. Ngoài việc nông dân nuôi - trồng manh mún, nhỏ lẻ, khó kiểm soát, còn do luật pháp không có những quy định mua bảo hiểm bắt buộc ở một số loại hình, bởi thế, mức độ huy động thấp.

Phần lớn nông dân Việt Nam hiểu biết về bảo hiểm rất thấp. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức công nghiệp với đàn gia cầm lên đến hàng chục nghìn con, như trường hợp của bà Vương Thị Chánh (Hóc Môn – TP. Hồ Chí Minh), khi được tiếp thị về dịch vụ này, bà băn khoăn: “Mấy đợt cúm gia cầm vừa rồi cũng muốn được bảo hiểm lắm để tránh rủi ro. Nhưng vì chưa bao giờ nghe tới, nay có người giới thiệu nên vẫn bán tín bán nghi, sợ bị lừa”. Chính vì vậy, nhân viên kinh doanh tiếp cận những đối tượng này rất khó khăn, hoặc do khách hàng không đủ khả năng tài chính, hoặc do chưa hiểu hết tính bức thiết phải đóng bảo hiểm để đảm bảo tài sản của mình. Nhiều nông dân sau năm đầu mua bảo hiểm không gặp phải sự cố gì, sang năm tiếp theo vì tiếc tiền nên chấm dứt hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ. Nghiễm nhiên, DN bảo hiểm phải chấp nhận tìm thị trường mới thay vì mở rộng thị trường theo lộ trình.

Rõ ràng, DN cung cấp dịch vụ BHNN tại Việt Nam đang ở trong tình trạng “khát nước trên sông”. Một khi còn chưa khắc phục được điểm yếu nêu trên, chắc chắn chúng ta không thể mong đợi có một tổ chức từ thiện nào đó dang tay hỗ trợ. Tuy nhiên, phía cơ quan Nhà nước và cả người nông dân có thể khắc phục thực trạng này bằng nhiều biện pháp, trước khi cải tiến để nâng tầm sản xuất nông nghiệp Việt Nam lên mức chuyên nghiệp.

Bài 2: Giải pháp từ 3 phía

(Theo Kinh tế Nông thôn)


Tin khác