Sức mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

24/04/2008

Hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có bước chuyển lớn; đưa “hạt gạo, con tôm” đến với thị trường thế giới, đem về nhiều ngoại tệ.

Đời sống của nhân dân ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung không ngừng cải thiện. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển, hòa nhập với các vùng miền trong nước và thế giới; nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL vẫn còn lắm khó khăn. Sản xuất bấp bênh, luẩn quẩn cái vòng được mùa mất giá, được giá mất mùa, hàng trăm ngàn hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa thiếu vốn sản xuất, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn; đời sống tinh thần của nhiều bà con nông dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer chậm được cải thiện.

Sắp tới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ mở Hội nghị lần thứ 7 để bàn về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước những thách thức, để phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL lên một tầm cao mới, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiệu quả to lớn

Ở nông thôn ĐBSCL, cây lúa đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Chủ trương của trung ương và các địa phương là thu hẹp diện tích trồng lúa nhưng vẫn đảm bảo sản lượng lương thực như cũ, thậm chí tăng lên, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Do vậy, cần có nhiều biện pháp đồng bộ: cải tạo giống mới, trong đó có lúa thơm, lúa chất lượng cao, ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước ngày càng khó tính và cạnh tranh xuất khẩu với Mỹ, Thái Lan – những nước có nguồn xuất khẩu gạo mạnh. Nhiều địa phương đã ký hợp đồng với các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, cung cấp giống lúa và nhiều loại giống cây trồng khác phù hợp từng vùng thổ nhưỡng, đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt.

Các loại lúa thơm truyền thống cũ như: Tài nguyên, Trắng tép, Nàng thơm Chợ Đào… và các loại lúa thơm mới của Mỹ, Thái Lan, Đài Loan cũng được các nhà khoa học viện, trường và địa phương lai tạo thành công, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cùng với các cộng sự của ông nhiều năm lăn lộn trên ruộng đồng, lai tạo thành công các giống lúa thơm có giá trị như khao – đát – Ma – li (KDM), giống ST (từ ST1 đến ST18) và nhiều giống mới khác. Xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng có hàng trăm nông dân làm được lúa giống. Cái hay của nông dân Trường Khánh là canh tác lúa rất giỏi.

Mỗi năm ở đây chỉ làm 2 vụ lúa nhưng năng suất đạt tới trên 20 tấn/ha. Ngoài ra, họ có thể trồng thêm một vụ màu dưới chân ruộng (không chuyên canh) như dưa hấu, dưa leo cũng cho thu nhập khá. Bác Tám Tấn, anh Nguyễn Hiền Phước và hàng chục nông dân sản xuất giỏi ở ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh là điển hình.

Nếu ĐBSCL được ví là cái “nôi” lúa cá của cả nước thì An Giang là cái “rốn” của vùng này. Năm nào An Giang cũng đạt sản lượng lúa cao nhất cả nước với bình quân trên 2 triệu tấn.

Các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp cũng đạt được sản lượng trên nhưng năng suất của An Giang là “số một” với bình quân 12 tấn/ha/năm. Mấy năm gần đây, khi thực hiện chuyển dịch, diện tích trồng lúa giảm khoảng 300.000ha nhưng tổng sản lượng lúa ở ĐBSCL vẫn ổn định trên 18 triệu tấn/năm; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Những năm qua, khoảng 300.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi thủy sản. Đó là chưa kể hàng chục ngàn hécta đất hoang, đất bãi bồi ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, các vùng ven sông, ven biển được cải tạo lên vuông để nuôi các loại thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm sú, cá tra, cá ba sa…

Phong trào nuôi tôm sú ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng khởi sắc từ năm 2002 tới nay. Có rất nhiều mô hình nuôi tôm sú: quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm – lúa, bán công nghiệp và công nghiệp. Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất khu vực (khoảng trên 100.000ha) với mô hình nuôi chủ yếu là quảng canh và quảng canh cải tiến; người nuôi lãi cao vì ít bỏ vốn và công chăm sóc.

Ở 6 xã vùng căn cứ kháng chiến cũ của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có phong trào nuôi tôm - lúa từ hàng chục năm nay với khoảng vài ngàn hécta. Mùa khô người nuôi thả tôm, mùa mưa rửa mặn trồng lúa khá hiệu quả. Nhưng vài năm nay, người nuôi bỏ lúa, đào mương nuôi tôm công nghiệp, trong số 65.000ha nuôi thủy sản của tỉnh Sóc Trăng, có tới 27.000ha nuôi tôm công nghiệp bằng nhiều mô hình; trong đó nuôi tôm theo công nghệ vi sinh mang lại hiệu quả cao nhất.

Lưu Thống Nhứt và các cộng sự của ông có 100ha đất ở “cánh đồng Năn”, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Năm 2001, ông Nhứt bắt đầu nuôi tôm công nghiệp, năng suất hai ba năm đầu chỉ khoảng 7 – 8 tấn/ha. Năm 2004, được sự giúp đỡ của một số nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về vi sinh, ông Lưu Thống Nhứt đã nuôi tôm theo công nghệ vi sinh và thành công với năng suất 15 - 18 tấn/ha; cá biệt có ao đạt 25 tấn/ha.

Ở các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh… có những mô hình nuôi tôm khác, như các ao nuôi tôm thưa (7 – 10 con/m2) của ông Võ Hồng Ngoãn, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu là một điển hình. Nuôi thưa làm cho tôm lớn nhanh, tránh được nhiều dịch bệnh như đốm trắng, đỏ thân. Mỗi năm ông Ngoãn nuôi 3ha tôm, thu lợi nhuận 2 - 3 tỷ đồng.

Từ năm 2005 đến nay, ở các vùng đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ (huyện Thốt Nốt)… phong trào nuôi cá tra, cá ba sa “cực thịnh”. Ước tính, đến tháng 04/2008, người dân nuôi trên 5.000ha. Nghề nuôi cá tra cá ba sa có lúc thăng, trầm nhưng đa phần người nuôi có lãi và làm giàu nhanh. Tổng sản lượng thu hoạch năm 2006 khoảng 1 triệu tấn; năm 2007 là 1,2 triệu tấn. Các nhà máy chế biến các loại cá tra, ba sa đua nhau mọc lên.

Đó cũng là nhờ thị trường xuất khẩu cá tra, cá ba sa ngày càng mở rộng. Ở các vùng cù lao, các bãi bồi thuộc TP Long Xuyên, huyện Châu Phú, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang; cù lao Tân Lộc, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ… là “đại bản doanh” của các “đại gia” và đông đảo cư dân nuôi cá tra, cá ba sa. Các xã Tân Lộc, Thới Thuận, huyện Thốt Nốt mỗi nơi có trên 300ha.

Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng), TP Long Xuyên cũng đạt xấp xỉ 250ha, năng suất khoảng 250 tấn/ha; nhưng có nhiều người nuôi đạt sản lượng 300 tấn/ha. Ông Lê Văn Liệp, ở Cù lao Ông Hổ nuôi 5 ha cá tra; mỗi năm ông bán không dưới 1.200 tấn cá thương phẩm, thu về 10 tỷ đồng. Những đại gia trúng cá cất biệt thự, sắm xe hơi, ca nô cao tốc đắt tiền không kể hết.

ĐBSCL không chỉ có thế mạnh về cây lúa, con cá, con tôm; vườn trái cây đa dạng với nhiều chủng loại với khoảng 274.000ha; sản lượng hàng năm từ 2,3 đến 2,7 triệu tấn. Một cuộc “cách mạng giống” mấy năm qua cho thấy cây trái ở ĐBSCL ngon hơn, năng suất cao hơn. Những loại trái cây chủ lực như: sầu riêng Chín Hóa và cơm vàng hạt lép, măng cụt Tân Quy, xoài cát Hòa Lộc… được nhân giống trồng khắp mọi nơi. Có nhiều vùng trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Cái Bè, Tiền Giang; Chợ Lách, Bến Tre; Bình Minh, Vĩnh Long; Phú Hữu, Hậu Giang; Tân Quy, Trà Vinh; Lai Vung, Đồng Tháp…

Rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày ở ĐBSCL cũng rất đa dạng, phong phú. Diện tích chuyên canh khá lớn (khoảng trên 100.000ha). Rau màu được đưa xuống chân ruộng sau mỗi kỳ thu hoạch lúa cũng không phải nhỏ. Huyện Chợ Mới, An Giang là “xứ sở” của rau màu với trên 23.000ha. Huyện Bình Minh, Vĩnh Long cũng xấp xỉ 10.000ha. Huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng là “cái nôi” của củ hành tím và củ cải trắng (làm xá bấu) khoảng 8.000ha.

Nhiều năm nay, củ hành tím và củ cải muối Vĩnh Châu đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore, Hồng Công, Đài Loan… mang lại nguồn lợi lớn. Bình quân mỗi hécta đất trồng màu của huyện Chợ Mới, An Giang đạt 68 triệu đồng/năm, trong đó có hơn 10.000ha đạt 100 triệu đồng/năm…

Kinh tế nông nghiệp ĐBSCL phát triển đa dạng với nhiều mô hình làm ăn khác nhau. Ngoài những loại hình kinh tế chủ lực trên, mô hình làm muối, nuôi Artemia, tôm càng xen ruộng lúa, nuôi nghêu, rùa, lươn, rắn, ba ba, cá chình và nhiều loại khác… Có hàng ngàn mô hình đạt hiệu quả từ 50 triệu đồng đến vài tỷ đồng/ha.

Nhân tố thắng lợi

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua đã đem lại sức bật mới mạnh mẽ phát triển nông nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Có nhiều nguyên nhân đem lại hiệu quả to lớn cho nông nghiệp ĐBSCL; trong đó những bài học chính cần làm rõ.

Đó là hệ thống thủy lợi từ kênh cấp 1, 2, 3 đến nội đồng; cống, đập, to, nhỏ khá hoàn chỉnh. Không phủ nhận hệ thống này được thừa hưởng từ thời bao cấp nhưng hơn 20 năm qua, trên cái nền ấy, thủy lợi ĐBSCL được cải tạo hoàn chỉnh rất nhiều. Năm 1992, sau khi tái lập tỉnh Sóc Trăng (tách ra từ Hậu Giang cũ), tỉnh này đã làm một cuộc “cách mạng” về thủy lợi: đào mới và tu sửa 500km đê biển, đê sông và hệ thống cống dưới đê rất hoàn chỉnh.

Người dân vùng này coi đó là công trình thế kỷ, cải tạo hàng ngàn hécta đất hoang hóa ở cánh đồng Năn, hai bờ kênh Mỹ Thanh (thuộc 2 huyện Long Phú, Vĩnh Châu); ngăn mặn, dẫn ngọt cho nuôi thủy sản và chuyên canh lúa, màu, cây ăn trái. Ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, nam Măng Thít… cũng đã đào được nhiều kênh dẫn ngọt, thoát lũ, cải tạo hàng trăm ngàn hécta đất hoang hóa để trồng trọt…

Những sai lầm một thời về kinh tế tập thể kiểu cũ trong nông nghiệp đã được khắc phục, nông dân phấn khởi, chăm chỉ làm ăn, từ đó có những sáng tạo trong lao động sản xuất. Hàng chục ngàn nông hộ đã tự nhân được giống lúa, màu, tôm, cá, cây ăn trái; cải tiến và sản xuất thành công nhiều loại máy suốt lúa, máy tách hạt, máy cày, bừa…

Nhiều địa phương thực hiện tốt cơ giới hóa nông nghiệp. Tỉnh An Giang thực hiện chính sách hỗ trợ vốn tín dụng để nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất. Tỉnh này hiện có 5.000 máy kéo các loại, 528 máy gặt và 4.884 máy suốt lúa, đảm bảo 100% cơ giới hóa, giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch và chi phí đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu lao động giản đơn như gặt, đập…

Chỉ tính riêng 45.000ha lúa đông-xuân 2007 – 2008 của An Giang vừa thu hoạch đã làm lợi cho nông dân hơn 70 tỷ đồng… Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư các địa phương và các vụ, viện, trường của trung ương đã hỗ trợ cho nông nghiệp ĐBSCL rất nhiều để đạt được những thành tựu to lớn.

(Theo SGGP)


Tin khác