Tổ chức nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội

24/04/2008

Nghiên cứu khoa học (NCKH) theo nhu cầu xã hội là nhiệm vụ đặt ra đối với tất cả các quốc gia, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển. Đây là vấn đề đang được các nhà quản lý, nhà khoa học nước ta quan tâm với mong muốn gắn kết NCKH với nhu cầu kinh tế - xã hội. Qua đó vừa nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng NCKH và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Bàn về tổ chức NCKH theo nhu cầu xã hội, hay phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tức là nói đến mối quan hệ cung - cầu giữa NCKH trong các trường đại học, viện nghiên cứu với môi trường kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh (SXKD) nói riêng. Trong những năm gần đây, các trường đại học, viện nghiên cứu đã thực hiện được một khối lượng nhiệm vụ nghiên cứu tương đối lớn thông qua các đề tài/dự án các cấp. Nhiều công trình NCKH và phát triển công nghệ có ý nghĩa thực tiễn cao đã được ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động NCKH vẫn còn một số tồn tại cả trên phương diện quản lý vĩ mô (Nhà nước) lẫn vi mô (tại các cơ sở), gây trở ngại cho sự phát triển của mối quan hệ hữu cơ giữa NCKH và SXKD.

Để tạo được mối quan hệ tương hỗ, bền vững và chặt chẽ giữa NCKH với SXKD và để NCKH thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc phân tích một cách thấu đáo các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các tồn tại là rất cần thiết, trên cơ sở đó mới đưa ra được các giải pháp đảm bảo tính khả thi và cho phép giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Thử phân tích một số nguyên nhân

Thứ nhất, ở nước ta hiện nay, các trường đại học, viện nghiên cứu chưa có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Nhìn chung, trình độ công nghệ của nước ta còn thấp so với thế giới. Để đổi mới công nghệ và phát triển sản xuất, đa số các nhà đầu tư thường chạy ra nước ngoài mua công nghệ thay vì tìm đến đặt hàng, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu.

Tính đến nay, chúng ta chưa có nhiều chương trình KH&CN nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng mang tính chiến lược, đón đầu của đất nước, đòi hỏi phải có sự hợp tác liên ngành và tập trung cao độ tiềm lực trí tuệ, phương tiện kỹ thuật và tài chính. ở các quốc gia phát triển, các chương trình KH&CN cấp nhà nước được hình thành trên cơ sở đặt hàng của các bộ/ngành (tên gọi thường gắn liền với mục tiêu chủ đạo cần đạt được của chương trình). Các đề tài nghiên cứu mang tính đón đầu, có hàm lượng khoa học cao và mục tiêu ứng dụng rõ ràng, luôn gắn chặt với môi trường kinh tế - xã hội nói chung và SXKD nói riêng. Ngược lại, ở nước ta, trước đây các chương trình cấp nhà nước đều được cấu thành từ những đề tài có xuất xứ từ các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, do các nhà khoa học đề xuất một cách độc lập. Tên gọi của chương trình không gắn với nhiệm vụ, mục tiêu chủ đạo mà lại gắn với lĩnh vực KH&CN. Do vậy, khó tránh khỏi tính tản mát của các đề tài nghiên cứu thuộc mỗi chương trình; bên cạnh đó, nội dung và mục tiêu nghiên cứu của các đề tài không hướng về một mục tiêu chiến lược chung. Thậm chí, không ít đề tài có hàm lượng khoa học thấp, khó gắn kết với đào tạo trình độ cao (ThS, TS); kết quả nghiên cứu không tìm được địa chỉ ứng dụng trong cuộc sống, dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư cho NCKH và phát triển công nghệ.

Thứ hai, kinh phí cấp cho mỗi đề tài nghiên cứu thường khá eo hẹp, đặc biệt là các đề tài cấp bộ, do vậy khó có thể thực hiện nghiên cứu một cách cơ bản và trọn vẹn. Không ít công trình nghiên cứu vì không đủ kinh phí, phải dừng ở giai đoạn hoàn thiện trước khi có thể triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Thứ ba, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu chưa thực sự năng động và nhạy bén, chưa hình thành được các định hướng, mục tiêu và kế hoạch phát triển NCKH căn cứ vào năng lực của mình và nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các đề tài NCKH các cấp thường được hình thành một cách thụ động, tự phát và tản mát, tính khả thi trong việc ứng dụng vào thực tế không cao.

Thứ tư, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo động lực, thu hút, tập trung trí tuệ của các nhà khoa học trong việc tham gia giải quyết những vấn đề then chốt, mang tính chiến lược của thực tế phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Các nhân tố quyết định mối quan hệ chặt chẽ giữa NCKH và nhu cầu kinh tế - xã hội

Theo chúng tôi, 4 nhóm yếu tố cơ bản có ảnh hưởng quyết định đến sự gắn kết giữa NCKH và nhu cầu kinh tế - xã hội, đó là: Nhu cầu của môi trường kinh tế - xã hội nói chung và SXKD nói riêng đối với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu; Trình độ, sự năng động, nhạy bén và khả năng thích ứng của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, cũng như của bản thân các nhà khoa học đối với đòi hỏi của thực tế; Định hướng chiến lược phát triển KH&CN, các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn phát triển; Mô hình tổ chức NCKH, cơ chế quản lý KH&CN và các chính sách ưu đãi nhằm tạo động lực thúc đẩy.

Nhu cầu của SXKD luôn tồn tại. Điều đó có nghĩa là, “trái bóng” đang nằm dưới chân các trường đại học, viện nghiên cứu và bằng sự năng động, nhạy bén, khả năng thích nghi của mình, các trường đại học, viện nghiên cứu cần “hướng” được các doanh nghiệp về phía mình và tạo dựng được mối quan hệ bền vững với họ. NCKH chỉ có thể “gặp” được SXKD nếu đứng ở vị trí “đón đầu” các doanh nghiệp. ở tầm bao quát vĩ mô, cần đề ra chiến lược phát triển KH&CN với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn phát triển, nhằm định hướng cho các hoạt động KH&CN trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Đồng thời, Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy hợp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động NCKH, phát triển công nghệ và củng cố mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo, NCKH và cơ sở SXKD. Chỉ có sự kết hợp hài hoà giữa các nhóm yếu tố này mới có thể tác động một cách hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ cung - cầu đã được hình thành một cách tự nhiên giữa môi trường đào tạo - nghiên cứu và môi trường SXKD, hay nói một cách khác, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Giải pháp tăng cường gắn kết giữa NCKH và nhu cầu kinh tế - xã hội

Trên cơ sở phân tích thực trạng của mối quan hệ giữa NCKH và nhu cầu kinh tế - xã hội nói chung, SXKD nói riêng, cũng như các nhân tố cơ bản có ảnh hưởng quyết định đến mối quan hệ này ở nước ta, có thể thấy, để sớm khắc phục những tồn tại hiện nay, chúng ta cần phải áp dụng các giải pháp một cách đồng bộ và mạnh mẽ.

Về phía Nhà nước

Cần đổi mới tư duy trong việc xây dựng các chương trình KH&CN cấp nhà nước cũng như cơ chế hình thành các đề tài NCKH. Các chương trình KH&CN cấp nhà nước (được hình thành trên cơ sở yêu cầu của các bộ/ngành) nhằm vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cụ thể, tập trung, mang tính chiến lược của đất nước.

Để định hướng nhiệm vụ và mục tiêu nghiên cứu cho các đề tài cấu thành chương trình và để các đề tài đều bám sát nhu cầu kinh tế - xã hội, cùng hướng về việc thực hiện mục tiêu chủ đạo chung của chương trình, tên gọi của chương trình nên đặt theo nhiệm vụ hay theo mục tiêu cần đạt được thay vì theo lĩnh vực KH&CN (ví dụ, chương trình “Nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu; “Chế tạo vệ tinh truyền thông”; “Chế tạo tàu thuỷ thay vì chương trình “Công nghệ thông tin”; “Tự động hoá; “Cơ khí”). Đặc biệt, cần phân biệt rõ các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn (ưu tiên) với các chương trình KH&CN ưu tiên. Chương trình KH&CN ưu tiên là chương trình phục vụ cho việc thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội ưu tiên (trong một kế hoạch 5 năm chẳng hạn). Do vậy, việc xác định chương trình KH&CN ưu tiên đầu tư nghiên cứu phải căn cứ vào nhiệm vụ hay mục tiêu chủ đạo của chương trình thay vì căn cứ vào lĩnh vực KH&CN ưu tiên như hiện nay. Hơn nữa, chúng ta đều biết, các đề tài nghiên cứu thuộc các chương trình cấp nhà nước đều mang tính liên ngành, chẳng hạn trong một đề tài về bảo quản, chế biến nông sản chúng ta có thể thấy sự tham gia của các lĩnh vực công nghệ sinh học, hoá học, cơ khí, tự động hoá và công nghệ thông tin.

Bên cạnh các chương trình KH&CN với hệ thống các đề tài hình thành theo cơ chế trình bày ở trên, Nhà nước cần thành lập và chỉ đạo một Hội đồng quốc gia nghiên cứu đề xuất các chương trình đặc biệt nhằm giải quyết các vấn đề KH&CN mang tính chiến lược của đất nước. Các chương trình này đòi hỏi phải có sự tập trung ưu tiên về kinh phí, nhân lực và phương tiện kỹ thuật cao. Hệ thống các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể được xác định từ mục tiêu cần đạt của chương trình và được giao trực tiếp cho một nhóm các trường đại học, viện nghiên cứu có đủ năng lực, kèm theo các điều kiện cần thiết về phương tiện kỹ thuật và chế độ ưu đãi cho các nhà khoa học tham gia các nhiệm vụ trong thời gian thực hiện chương trình.

Nhà nước cần có chính sách xây dựng các công viên KH&CN (Science & Technology Park) tại các trường đại học trọng điểm để thúc đẩy việc ươm tạo công nghệ mới; ươm tạo doanh nghiệp; triển khai sản xuất các sản phẩm công nghệ cao; bồi dưỡng, truyền bá áp dụng công nghệ tiên tiến.

Để đảm bảo khả năng duy trì, phát triển ổn định công nghệ sau khi đưa vào SXKD, các kết quả nghiên cứu sáng tạo công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, phải được chuyển giao cho doanh nghiệp theo một quy trình chặt chẽ thông qua các công viên KH&CN. Tại đây, các kết quả nghiên cứu được thử nghiệm, ổn định quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, kiểm định thị trường và song song với quá trình này là công việc chuẩn bị cho ra đời một doanh nghiệp tại vườn ươm doanh nghiệp.

Về phía các cơ sở đào tạo, nghiên cứu

Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt là các trường đại học trọng điểm, có trách nhiệm và vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển KH&CN và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại các quốc gia phát triển; các nghiên cứu đón đầu được thực hiện chủ yếu trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Lực lượng trực tiếp tham gia triển khai các nghiên cứu chính là đội ngũ đang được đào tạo ở trình độ cao (học viên cao học, nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sỹ). Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ cao đặc trưng bởi tính liên ngành, đòi hỏi sự cộng tác của các nhà khoa học thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đây chính là thế mạnh của các trường đại học. Mặt khác, hoạt động chuyển giao bền vững các kết quả nghiên cứu vào thực tế SXKD gắn liền với quá trình đào tạo kiến thức tổng hợp và đa dạng, đây chính là nhiệm vụ và cũng là thế mạnh của các trường đại học.

Do vậy, đối với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, bên cạnh việc đổi mới tư duy, nhận thức, năng lực tổ chức hoạt động KH&CN của các nhà khoa học, cần nâng cao trình độ quản lý hoạt động KH&CN, tăng cường tính năng động, nhạy bén và khả năng thích ứng với đòi hỏi, nhu cầu của thực tế.

Trên cơ sở chiến lược phát triển KH&CN và các định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, các nhu cầu của thực tế SXKD, đồng thời căn cứ vào năng lực và thế mạnh của mình, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu cần xây dựng các chương trình KH&CN ưu tiên, liên ngành. Các đề tài/dự án tham gia vào các chương trình KH&CN cấp nhà nước, cấp bộ phải có xuất xứ từ các chương trình KH&CN của đơn vị.

Xây dựng vườn ươm công nghệ, hình thành và triển khai các đề tài ươm tạo nhằm thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (trong khuôn khổ đề tài KH&CN các cấp) vào sản xuất và đời sống. Với các kết quả ươm tạo của hệ thống vườn ươm này (nhằm nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và ứng dụng thử nghiệm thực tế trong điều kiện sản xuất công nghiệp) thành công sẽ không chỉ gắn kết một cách bền vững môi trường nghiên cứu với môi trường SXKD, mà còn là động lực thúc đẩy hoạt động NCKH theo nhu cầu của xã hội trong các trường đại học. Công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp từ vườn ươm công nghệ sẽ đảm bảo độ tin cậy, hiệu quả và tính bền vững.

Các trường đại học có thể hình thành hệ thống doanh nghiệp KH&CN của mình, theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, là nơi tiếp nhận công nghệ chuyển giao từ các phòng thí nghiệm, đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tế. Mô hình liên kết giữa NCKH và SXKD nêu trên không chỉ tác động một cách trực tiếp đến việc tăng cường liên kết giữa NCKH và nhu cầu xã hội, mà còn là một mô hình hiệu quả trong việc khai thác nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển nhà trường và đảm bảo thu nhập ổn định (từ cổ phần đóng góp, tính bằng giá trị của công nghệ chuyển giao) cho tập thể nhà khoa học có công trình được ứng dụng.

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa học)


Tin khác