Bảo hiểm nông nghiệp: Vài nét về một mô hình mới

21/04/2008

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đang là vấn đề nan giải trong quản lý nông nghiệp hiệu quả ở nước ta. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định, trước bối cảnh lạm phát ngày càng gia tăng như hiện nay, cách kiềm chế tốt nhất là ổn định nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, lấy nông nghiệp làm bản lề trong chính sách tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều đó, vai trò của BHNN nặng nề và cấp thiết hơn bao giờ hết.

>>Bài 2: Giải pháp từ 3 phía

Trước khi nêu lên một dự án BHNN sẽ triển khai ở Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta nên nhìn nhận thật kỹ và học hỏi kinh nghiệm từ những nước bạn có nền nông nghiệp tiến bộ nhờ chính sách BHNN đúng đắn và hiệu quả. Trung Quốc, quốc gia thân thiết cả về kinh tế lẫn chính trị với Việt Nam, có tỷ lệ nông dân trên mặt bằng dân số xấp xỉ nước ta và nền nông nghiệp của họ cũng là đối thủ cạnh tranh gần như trực tiếp trên thương trường khu vực. Chính sách BHNN của họ thật sự đáng để chúng ta tìm hiểu và chắt lọc để vận dụng trong bối cảnh các nhà quản lý vẫn đang loay hoay không biết phát triển BHNN thế nào.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã chỉ đạo phải thúc đẩy các tổ chức tài chính nông thôn, hạ thấp giới hạn tham gia thị trường, đồng thời tích cực phát triển BHNN. Năm 2007, BHNN của Trung Quốc đã đạt được những bước đột phá mang tính lịch sử. Số địa phương tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng gia tăng. Ông Wu Dingfu – Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm China Life (Công ty Bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc) cho biết, số liệu thống kê khẳng định doanh thu từ BHNN trong năm 2007 tăng 16,2% so với năm 2006, đạt mức 850 triệu nhân dân tệ (tương đương 109, 3 triệu USD; 1 nhân dân tệ xấp xỉ 2.200 đồng). Ông này cũng cho biết thêm, hiện Công ty vẫn đang nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động bảo hiểm nông thôn nói chung và tăng cường hệ thống dự phòng để phục vụ kinh doanh BHNN.

Điển hình trong phong trào xây dựng chính sách BHNN của Trung Quốc là tỉnh Quảng Đông. Tại tỉnh Quảng Đông, thành phố Vân Phú đã được chính quyền đầu tư hơn 1,5 tỉ nhân dân tệ để bảo hiểm chăn nuôi lợn. Hình thức bảo hiểm này được đông đảo nông dân tham gia bởi tính sáng tạo và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ BHNN. Trước đây, sản lượng thịt lợn chiếm 80% nguồn cung thực phẩm ở Vân Phú. Nhưng trong quá trình chăn nuôi, do tập quán và cách quản lý không đúng kỹ thuật nên đàn lợn thường xảy ra dịch bệnh, dẫn tới thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, thành phố đã phối hợp với ngành công thương, tài chính, thuế vụ, thực phẩm và thú y thực hiện các biện pháp bảo đảm đàn lợn và nâng cao đời sống nông dân. Một biện pháp hiệu quả mà họ đưa ra là thu BHNN không trực tiếp từ người nuôi lợn mà ngành thực phẩm thu mỗi con lợn 10 NDT từ các cơ sở giết mổ. Công ty bảo hiểm thanh toán với ngành thực phẩm căn cứ theo mức thuế phải đóng trong năm. Hộ nuôi lợn không phải đóng phí mà vẫn được chi trả bảo hiểm nếu gặp phải sự cố nên tích cực chăn nuôi. Các lò giết mổ do cạnh tranh lành mạnh nên cũng chấp nhận việc đóng phí bảo hiểm. Hình thức này được nhân rộng tại 16 thị trấn của thành phố Vân Phú. Theo ước tính, số tiền bảo hiểm đã chi trả đền bù cho nông dân nơi đây gần 7, 5 triệu nhân dân tệ. Chính biện pháp BHNN hiệu quả này đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phục hồi và tăng trưởng mạnh theo từng năm. Nhận thấy hướng làm ăn hiệu quả và an toàn nên các công ty bảo hiểm tại đây đã mở rộng BHNN sang nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm gà giống, bảo hiểm trồng chè và cây ăn quả...

Tại Việt Nam, nhiều dự án BHNN đang được các nhà quản lý nghiên cứu. Tuy nhiên, mới chỉ có một hình thức khả quan nhất và dự kiến sẽ được thí điểm vào cuối năm nay là bảo hiểm theo nhiệt độ thời tiết. Đây là loại hình bảo hiểm mới được thực hiện tại một số quốc gia song các nhà chuyên môn đánh giá sẽ thu hút được nhiều nông dân hưởng ứng bởi chi phí thấp.

Điểm khác biệt giữa hình thức bảo hiểm theo chỉ số này với BHNN truyền thống là công ty bảo hiểm không dựa vào thiệt hại thực tế mà dựa vào mức phí thu ban đầu cộng với sự thay đổi khách quan của thời tiết để chi trả đền bù.

Tạm hiểu việc bảo hiểm này dựa trên những chỉ số khách quan có thể gây tổn thất cho nông dân. Ví dụ, ở khu vực miền núi phía Bắc, chỉ số nhiệt độ trung bình là 20 độ C, đây sẽ là mức nhiệt độ chuẩn để các doanh nghiệp bảo hiểm ký hợp đồng với các hộ nông dân. Nếu nhiệt độ hạ thấp hơn mức chuẩn 4 độ C, khiến cho cây hoặc con đã được mua bảo hiểm chết, mức đền bù là 3 triệu đồng /cây, con. Nhưng nếu nhiệt độ xuống thấp hơn nữa, ví dụ giảm 8 độ C so với mức chuẩn, mức đền bù sẽ là 7 triệu đồng /cây, con... Như vậy, tùy thuộc nhiệt độ ở từng nấc khác nhau mà công ty bảo hiểm thực hiện đền bù ở các mức giá tương ứng.

Cái lợi của loại hình BHNN này là chi phí thấp, thủ tục đăng ký và bồi thường đơn giản, nhanh chóng. Đối với các công ty cung cấp dịch vụ thì có thể quản lý được rủi ro trong việc xác định thiệt hại và tình trạng cố ý gian lận của người sử dụng dịch vụ. Mặt khác, lợi nhuận có thể gia tăng, cho dù hai hộ cùng mua bảo hiểm giống nhau và thiệt hại như nhau nhưng mức bồi thường có thể khác nhau ở từng thời điểm.

Tuy nhiên, khi dự án này đưa ra cũng có nhiều công ty bảo hiểm băn khoăn e ngại thiệt hại thực tế và thiệt hại theo chỉ số có thể được báo cáo khác nhau, dẫn tới khi đền bù sẽ thiếu chính xác. Ông Hoàng Xuân Điều, Trưởng phòng Bảo hiểm xe cơ giới kiêm Phó trưởng phòng Bảo hiểm nông nghiệp (Bảo hiểm Bảo Việt) nhận định: “Có những người tuy không tổn thất nặng nề vẫn được bồi thường (ví dụ nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của vật bảo hiểm kém, nhưng chưa chết), trong khi đó hộ có vật bảo hiểm bị chết nhưng nhiệt độ vẫn trong mức nên không được bồi thường, rõ ràng vấn đề khoảng cách giữa các giải pháp vẫn là một khó khăn trong công tác chi trả, mà quan trọng nhất là lợi ích của nông dân có thể bị khước từ”.

Loại bảo hiểm này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và khí hậuL, trong khi đó, thời gian qua, thời tiết ở Việt Nam thường không ổn định và công tác dự báo lại chưa thật sự hiệu quả, chính vì thế tính rủi ro tương đối cao. Doanh nghiệp quay lại vấn đề muôn thuở là chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, chưa có một cơ chế chính thức nào ủng hộ việc này.

BHNN không chỉ cần thiết với người nông dân mà còn là yêu cầu bức thiết với nền kinh tế trọng nông nghiệp như nước ta. Nếu theo hình thức này, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng cần phải có đơn vị thí điểm để họ thấy được hiệu quả, từ đó mới có cơ sở để quyết định tham gia.

Dù dự kiến cuối năm nay (2008), loại hình bảo hiểm này sẽ được triển khai, song chưa ai biết đơn vị nào tiên phong để chiếm thế thượng phong. Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chờ cơ chế, chính sách. Hiện tại, họ cũng đã tập hợp những khúc mắc của mình để gửi lên các cấp quản lý. Trong khi đó, ông Phùng Ngọc Khánh, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, những vấn đề pháp lý và quản lý sẽ được trình cơ quan quản lý cấp cao hơn xem xét giải quyết và cụ thể hóa trong thời gian sớm nhất.

(Theo Kinh tế Nông thôn)


Tin khác