Cả nông dân và doanh nghiệp đều sẵn sàng vi phạm

23/04/2008

Đây là một quyết định đem lại nhiều kỳ vọng cho nông dân lẫn giới kinh doanh nông sản, cả các nhà khoa học và quản lý. Cụm từ “liên kết 4 nhà” bắt đầu xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và cả trong các xóm ấp. Ngày 24/6/2002, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 80 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với người sản xuất.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Hợp đồng ký cũng như không!

TCty Lương thực Miền Nam, đơn vị chiếm tới 50-60% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước có ngay một kế hoạch “hoành tráng”: Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của 107.000 ha lúa ở tỉnh An Giang.

Kế hoạch kéo dài từ 2003 đến 2005. Theo đó, vụ Đông Xuân 2003-2004 bao tiêu 46.000 ha, vụ Hè Thu 2004 bao tiêu 36.000 ha, năm 2005 mở rộng thêm 25.000 ha. Kết quả, theo báo cáo của TCty: Năm 2005 đã ký hợp đồng với nông dân tiêu thụ 54.727 tấn lúa trên diện tích 10.606 ha.

Sở NN-PTNT An Giang: “Một số doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng là nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước, của tỉnh mang tính “gò ép”, chưa xuất phát từ quan hệ lợi ích kinh tế, nên việc gắn kết với người sản xuất còn rời rạc, thiếu chặt chẽ”.

Con số này quá nhỏ so với kế hoạch. Nhưng con số thực hiện còn nhỏ hơn: Sản lượng mua được chỉ vỏn vẻn 17.510 tấn.

Năm 2006, Chính phủ có chủ trương xây dựng dự án “1 triệu tấn gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu” tại ĐBSCL. TCty Lương thực Miền Nam lại hăng hái với việc phân bổ diện tích cụ thể cho 7 tỉnh, thành phố là Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.

Dự án triển khai từ vụ Đông Xuân 2006-2007 với 5 giống lúa được lựa chọn, đồng thời công bố tiêu chuẩn hạt gạo thu mua và hứa hẹn giá cao hơn thị trường 70-80 đồng/kg.

Vụ Đông Xuân 2006-2007, TCty cũng chỉ hợp đồng bao tiêu được 345.000 tấn gạo chất lượng cao mà theo đánh giá của lãnh đạo TCty là “khá thấp so với yêu cầu”.

TP Cần Thơ năm 2005 ký hợp đồng bao tiêu 130.000 tấn lúa nhưng chủ yếu ở Nông trường Sông Hậu và Cờ Đỏ. Tỉnh Tiền Giang năm 2006 ký hợp đồng bao tiêu được 18.000 tấn lúa, chỉ chiếm 1,5% tổng sản lượng lúa của tỉnh này.

Gần đây, Quyết định 80 ngày càng ít được nhắc đến. Có điều đặc biệt, nhiều hợp đồng bao tiêu lúa giữa nông dân với doanh nghiệp được ký kết trong hơn 5 năm qua không thực hiện nhưng chưa có trường hợp nào kiện nhau ra tòa.

Nguyên do, hợp đồng bao tiêu lúa chỉ hình thức như một bản ghi nhớ, chưa có ràng buộc chặt chẽ.

Cả nông dân và doanh nghiệp đều sẵn sàng vi phạm cam kết và không ngừng trách móc lẫn nhau. Các doanh nghiệp trách nông dân ký hợp đồng nhưng thấy đâu có lợi là bán, còn nông dân trách doanh nghiệp “hút hàng thì đến, dội chợ thì trốn”.

Chỉ việc cân lúa thôi cũng không gặp được nhau, nông dân quen bán lúa tươi tại ruộng, doanh nghiệp lại quen mua lúa đã phơi khô với những quy định về độ ẩm, tạp chất, hạt lép.

Tuy nhiên, mọi vướng mắc đều có thể vượt qua nếu không có vướng mắc cốt tử: Sản xuất manh mún.

Mỗi nông hộ chỉ có trên dưới 1 ha ruộng, lúa hàng hóa không nhiều nên họ không nhất thiết phải quan tâm tới các cam kết dù đã ký hợp đồng. Thậm chí, trồng cây gì nuôi con gì họ cũng sẵn sàng thay đổi bất kể đã ký hợp đồng ứng giống, vốn của ai.

Không thể vượt qua sự manh mún?

Nhưng cho dù nông dân có nghiêm túc thực hiện cam kết thì doanh nghiệp cũng không thể vượt qua sự manh mún của sản xuất nông nghiệp.

Năm 2006, ở An Giang có một điển hình được nhắc đến: Vụ Đông Xuân 2005-2006 có 440 hộ nông dân là xã viên HTX nông nghiệp tham gia sản xuất lúa jasmine, một giống lúa đang được thị trường ưa chuộng và họ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.

Tổng diện tích là 515 ha. Song các hộ này lại rải rác trong 5 HTX ở trên 2 huyện Châu Phú và Phú Tân.

Có thể hình dung lượng lúa hàng hóa thu mua được không tương xứng với công sức ký kết, theo dõi và thực hiện các hợp đồng. Nên “điển hình” ký hợp đồng mà không phải “điển hình” cho sự tăng trưởng.

Còn tính cả ĐBSCL, vụ Đông Xuân gieo cấy khoảng 1,5 triệu ha, bình quân mỗi hộ nông dân có dưới 1 ha ruộng. Lượng hợp đồng cần ký với hộ nông dân là con số khổng lồ.

Và đây mới tính vụ Đông Xuân. Các doanh nghiệp cần bao nhiêu nhân viên để ký được chừng ấy hợp đồng với các hộ nông dân khắp vùng nông thôn bao la? Và bao nhiêu nhân viên để theo dõi, đôn đốc thực hiện?

(Nguồn: Tiền phong)


Tin khác