Với một tổ chức thị trường như hiện nay - đông nhưng không có tổ chức, manh mún và rời rạc - thị trường rất dễ tổn thương khi có những biến động, như vừa xảy ra với cơn sốt giá gạo. Đó là nhận định của ông Hoàng Thọ Xuân (ảnh), vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương.
Ông Xuân nói:
- Không chỉ khâu phân phối gạo có vấn đề mà khâu phân phối rất nhiều mặt hàng khác cũng vậy. Mạng lưới yếu kém không có nghĩa là ít, mà nó không được tổ chức, thiết kế để trở thành những hệ thống chuyên nghiệp. Thị trường của chúng ta hết sức manh mún, tản mác, rời rạc, chẳng có liên hệ gì với nhau. Cả tổ chức và hoạt động của nó nằm ngoài sự kiểm soát. Một thị trường mà toàn người dân bán cho nhau, rồi tiểu thương tự mua tự bán thì việc quản lý, điều tiết giá nhanh là điều cực khó. Cái này một phần do lỗi của Nhà nước chưa đưa ra được một kịch bản tốt cho sự hình thành một thị trường hợp lý, lành mạnh.
* Trong một thị trường như vậy rất dễ dàng cho hoạt động đầu cơ?
- Có hai điểm yếu lớn nhất của hệ thống này. Do không có những rường cột lớn nên hệ thống phân phối trên rất dễ bị tổn thương. Yếu tố tâm lý tác động rất nhiều vì chỉ cần nghe tin giá sẽ lên, ai cũng muốn lãi cao nên tâm lý người bán là dừng lại chờ xem. Yếu tố chờ xem có thể khiến tạo nên cơn sốt giả tạo, từ đó dễ đẩy giá lên. Chính điều này tạo nên điểm yếu thứ hai là dễ nảy sinh đầu cơ.
* Như vậy, nếu không chấn chỉnh thì thị trường sẽ còn phải chịu những cơn biến động như đã từng xảy ra với gạo?
|
VN cần phát triển thêm nhiều siêu thị - Ảnh: Minh Đức |
- Hiện có thể nói hệ thống phân phối ximăng tạm được, còn phân bón, thép, phôi thép đều có vấn đề. Anh chỉ làm ra sản phẩm, còn sản phẩm ra ngoài nhà máy anh không nắm được nữa, đó không phải hệ thống phân phối tốt.
Các doanh nghiệp phải có đại lý nhưng cách hiểu đại lý ở VN nhiều nơi còn méo mó. Đại lý thì chỉ ăn hoa hồng, không có quyền quyết giá, không được phép dừng bán hoặc bán theo ý của mình. Đại lý của các mặt hàng phân bón, thép nói thế nhưng thực chất không phải là đại lý. Chính điều này làm thị trường thép, phân bón thời gian qua biến động. Nếu thị trường thế giới biến động tám phần thì khâu phân phối không chuẩn đẩy biến động thêm hai phần nữa, gây thiệt hại không đáng có cho người tiêu dùng.
* Hiện các siêu thị thường không có kho dự trữ khiến các doanh nghiệp bán lẻ không thể phản ứng kịp với tình hình thị trường. Đây là điều phải khắc phục ngay?
- Một số doanh nghiệp nói là có nhà kho, có bến bãi nhưng thực chất không phải. Trước đây nhiều đơn vị có lợi thế rất lớn về đất đai, kho bãi nhưng hơn mười năm qua do chúng ta "thả nổi" cho doanh nghiệp tự lo, tự chủ, tự quyết nên phần lớn diện tích ấy đã bị thế chấp, cho thuê, làm nhà hàng, khách sạn rồi. Đến nay, khi muốn phát triển, doanh nghiệp nào cũng kêu thiếu đất, thiếu vị trí.
* Theo ông, mô hình hệ thống phân phối của VN sắp tới phải phát triển theo hướng nào? - Hiện đã có mô hình khá tốt về hệ thống bán lẻ như Hapro, Satra, Intimex, Fivimex… Đó là hướng đi đúng mà chúng ta sẽ phải theo. Tuy nhiên, phải nói ngay sự phát triển của các doanh nghiệp trên mới là bước đầu, còn rất nhiều điều phải hoàn thiện về công nghệ, qui mô cũng như trình độ quản lý. Nếu nói các doanh nghiệp bán lẻ vừa kể mạnh chưa thì phải khẳng định là chưa. Trong các biến động gần đây như đợt rét đậm kéo dài hay ngay trong trường hợp sốt gạo này, vai trò của các doanh nghiệp trên khá mờ nhạt. |
* Về mặt Nhà nước, việc phát triển hệ thống bán lẻ sẽ được thúc đẩy ra sao, thưa ông?
- Chúng tôi đang hoàn thiện đề án giải pháp phát triển và quản lý các hệ thống phân phối chủ lực đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững thị trường trong nước. Theo đề án này, Bộ Công thương kiến nghị củng cố và phát triển ba hệ thống chủ lực gồm: hệ thống phân phối hàng hóa vật tư chiến lược, thiết yếu với đời sống như xăng dầu, thép, phân bón, thuốc chữa bệnh; hệ thống phân phối tổng hợp các mặt hàng tiêu dùng và hệ thống phân phối các mặt hàng lương thực thực phẩm, mà trọng tâm là hệ thống bán lẻ tại các tỉnh thành. Ba hệ thống này sẽ được tổ chức lại, tạo nhân tố mạnh và tăng cường sự quản lý của Nhà nước.
* Nói tạo rường cột cho thị trường bán lẻ, liệu đây có đồng nghĩa với việc giúp các doanh nghiệp nhà nước đứng ra thâu tóm thị trường?
- Rường cột trong khâu bán lẻ sẽ không phân biệt thành phần. Chính sách phải là chính sách chung để mọi thành phần kinh tế nếu có hướng đầu tư đều được tạo thuận lợi với mức giống nhau. Khi nói đến đầu tư, tháo gỡ khó khăn, ưu đãi thường dành cho sản xuất. Điều này không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Bây giờ khâu năng động, linh hoạt, sung yếu nhất lại là thị trường, là lưu thông. Do VN chưa phát huy tốt vai trò tổ chức kinh doanh nên dẫn đến tình trạng rất đông nhưng rời rạc, cô lập lẫn nhau. Không có tổ chức đủ sức mạnh chi phối, kiểm soát được tình hình thì khi có biến động sẽ rất khó kiểm soát. Nay cần phải đầu tư tốt cho hệ thống phân phối bằng chính sách, hỗ trợ cụ thể.
(Nguồn: Tuổi trẻ)