Cần một cơ chế kinh tế nông thương Việt Nam

05/05/2008

Chưa bao giờ “tôn ti” truyền thống kinh tế - xã hội Việt Nam “Hết gạo chạy rong... nhất nông nhì sĩ” lại phản ánh khá rõ nét cục diện khủng hoảng lương thực - thực phẩm toàn cầu như hiện nay.

Cũng lần đầu tiên, cụm từ “gạo châu củi quế” được giới truyền thông phương Tây dùng rộng rãi, khi chỉ danh gạo là “precious grain”, ngang tầm vàng đen (dầu thô) hay kim cương nâu (than đá). Người đứng đầu Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI, trụ sở tại Manila, Philippines) là Robert Zeigler còn khoác lên hạt gạo châu Á chiếc áo mang sắc màu chính trị - văn hóa - tâm lý xã hội như là “thuộc tính đặc trưng”. Nói khác đi, chạm đến gạo là “đụng đến chính trị”, trong đó những can thiệp ít nhiều mang tính “duy ý chí” của chính phủ không thể xem nhẹ.

Quan trắc biến động giá gạo thị trường quốc tế từ tháng 2-2007 đến cuối quý I-2008, đối chiếu tổng sản lượng gạo thế giới năm nay ước 423 triệu tấn (tăng 1% so với 2007), rõ ràng gạo không khan hiếm, dẫu rằng một số nước như Trung Quốc, Việt Nam giáp mặt vụ đông xuân bất lợi do thời tiết khắc nghiệt tác động. Thế nhưng New Delhi quyết định nâng giá gạo không basmati (non-basmati rice) từ 650 USD/tấn cuối 2007 lên 1.000 USD/tấn đầu quý I trong khi sản lượng gạo Ấn Độ năm 2008 dự kiến là 94 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm 2007 và tăng 20 triệu tấn so với năm 2003. Năm nay Ấn Độ sẽ xuất 5,5 triệu tấn gạo.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp quốc (FAO) dự báo kim ngạch xuất gạo toàn cầu năm nay giảm 3,5-4%; đồng thời gạo dự trữ thế giới cuối 2007 chỉ bằng một nửa tồn kho đầu thiên niên kỷ. Lượng gạo tồn kho cực thấp - khoảng 72 triệu tấn - chỉ đủ cung ứng 17% gạo tiêu dùng mỗi năm của toàn thế giới, so với mức 35% cách đây tám năm.

Trước bối cảnh giao thoa sáng tối của hạt gạo, đến lúc Việt Nam cần nghiêm túc xem xét cơ chế kinh tế nông nghiệp - nông thôn hiện hành, dẫu đã có bước chuyển ngoạn mục từ vị thế không đủ gạo nuôi dân thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới (4.500.000 tấn trong năm 2007). Tuy nhiên, muốn hiện đại hóa và phát triển bền vững, Việt Nam không thể tách rời nông trang - đồng áng với thị trường. Nói cách khác, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế kinh tế nông thương, như nhận định của cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan, Piet Burkman (nay là Chủ tịch Hội đồng Lương thực và Thương mại nông nghiệp): “Các nhà sản xuất nông nghiệp châu Á cần tiếp nhận đầy đủ mọi tín hiệu phát đi từ thị trường nông sản”.

Vài điển hình về cơ chế kinh tế nông thương bên ngoài

Nhìn chung, nông gia phương Tây được bảo vệ quyền lợi không đơn thuần xuất phát từ pháp quyền, mà thông qua cơ chế kinh tế nông thương, qua điều tiết thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể là nhà nông được tiếp cận toàn diện thị trường địa phương, quốc gia và toàn cầu. Mặt khác, được bảo hiểm đầu thời vụ nuôi trồng với phí bảo hiểm ưu đãi nhờ sự bao cấp chính phủ, họ có cơ may hạn chế bớt thiệt hại khó lường do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Trong khi đó, chính quyền các nước châu Á và Nam Mỹ thường can thiệp quá sâu bằng mệnh lệnh hơn là xem xét tác động liên hoàn của cơ chế kinh tế nông thương. Đầu tháng 4, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Peter Mandelson đã phê phán rằng chính sách kìm hãm xuất khẩu, điển hình là gạo, thông qua sự áp đặt thuế xuất khẩu hay ấn định hạn ngạch, hoặc đình chỉ xuất khẩu (dẫu chỉ tạm thời) sẽ làm nản lòng nhà nông.

Nhà kinh tế nông nghiệp Ruifang Zhang (Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs) tỏ ra lo ngại các biện pháp hành chính do một số nước châu Á đề ra mới đây không được cơ chế kinh tế nông thương lý giải thỏa đáng nên có khả năng làm cạn kiệt luồng đầu tư mà khu vực nông thôn cần tiếp nhận trong quá trình chuyển đổi.

Chính phủ và một số doanh nghiệp Ấn Độ từ năm 2007 đã khởi động bước cơ bản phát triển nông nghiệp thời kỳ “hậu cách mạng xanh”, khi mà sản lượng gạo ở hai “chiếc nôi” cách mạng xanh là Punjab và Haryana bị giảm bội thu bình quân từ 40% (1980-2000) xuống còn 5% (2001-2007).

Nông nghiệp Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng 20% GDP nhưng sử dụng đến hai phần ba nhân lực toàn quốc. Muốn thúc đẩy GDP tăng bình quân 9-10%/năm, bắt buộc phải kéo năng suất nông nghiệp từ 2% hiện nay lên tối thiểu 4%. Ủy ban Kế hoạch của Ấn Độ vừa trình duyệt mô hình thâm dụng tư bản và công nghệ, mời gọi doanh nghiệp trong nước và quốc tế hợp tác với các nông trang Ấn Độ và định hình cơ chế kinh tế nông thương. Ngoài thương hiệu gạo basmati chinh phục lòng tin khách hàng thế giới, trọng điểm sắp tới nhằm vào rau quả và gia vị.

Ấn Độ là nước sản xuất rau quả lớn nhất thế giới, đạt bình quân 130 triệu tấn/năm (14% rau và 10% quả thế giới), nhưng chỉ 1% rau quả bày bán ở các cửa hàng quốc tế (trên 30% thối rữa do thiếu bảo quản sau thu hoạch và kho lạnh). Chính phủ và doanh nghiệp Ấn Độ đã ý thức được nhược điểm này, nhấn mạnh tiến hành cách mạng xanh thứ hai sẽ được lồng ghép cơ chế kinh tế nông thương.

Sunil Bharti Mittal, doanh nhân giàu thứ ba Ấn Độ, người chung vốn với Ngân hàng đầu tư Rothschild (Anh) thành lập Liên doanh Field Fresh Foods để nối mạng hai đại siêu thị Tesco (Anh) và Wal-Mart (Mỹ), đã tạo cú hích bằng việc xây dựng các trung tâm phòng chống thối rữa và chuẩn hóa chất lượng rau quả Ấn Độ xuất khẩu. Mặt khác, Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng khắc phục sự thiếu thông tin thị trường và tăng cường dự báo thời tiết làm mùa cho nông dân.

Do không có thông tin hướng dẫn thị trường (riêng nội địa đã có 7.800 thị trường lớn nhỏ), 120 triệu nhà nông đành phải bán nông sản qua năm triệu thương nhân trung gian. Hãng thông tấn Reuters (Anh) và công ty tư vấn Tata Consulstancy (Ấn Độ) tích cực liên kết khai thông dòng chảy thông tin thị trường - thời vụ thông qua dịch vụ cung ứng điện thoại di động cầm tay dành cho nông dân với giá thuê bao ưu đãi 175 rupee/ba tháng (tương đương 4 USD). Mọi biến chuyển giá nông phẩm, rau quả, gia vị ở thị trường trong - ngoài nước cũng như lịch thời vụ xuống giống, gieo trồng, thu hoạch… đều được chuyển kịp thời cho nhà nông qua điện thoại thuê bao. Chẳng hạn, nông dân vừa thu hoạch cà chua xong là nhận được thông tin nơi nào bán được giá nhất, gần địa điểm canh tác nhất.

Qua đó mới thấy nông nghiệp - nông thôn không đơn thuần trông cậy vào mưa thuận, gió hòa mà phụ thuộc ngày càng nhiều vào cơ chế kinh tế nông thương.

Vận hành cơ chế kinh tế nông thương Việt Nam

Cơ chế kinh tế nông thương cần được vận hành trên cơ sở định hướng khách quan và tiêu chí khoa học, sao cho:

• Phản ánh tầm chiến lược trung hạn: Cân đối sản lượng với tăng suất dân số; đầu tư tái tạo và phát triển; giáo dục đào tạo, xây dựng đời sống mới ở nông thôn.

• Đón đầu chuyển đổi công nghệ cùng diễn biến thị trường để kịp thời cung ứng cho nông dân.

• Phát huy và kiện toàn mô hình hợp tác “chính phủ - nông dân - doanh nghiệp”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể đơn phương lên tiêu chí sản lượng lúa gạo mà quên rằng giá phân bón từ 100 USD/tấn (1998) đã tăng vọt lên 350 USD (cuối 2007) và 400 USD (ba tháng đầu năm 2008). Các chi phí nhiên liệu, tưới tiêu, vận chuyển, bốc xếp cũng đều đã tăng mạnh.

Nước tưới cần cho từng thời vụ cũng là vấn đề lớn (cà phê cần tới 21.000m3 nước/tấn hạt, tương tự trà cần 8.000m3; đậu nành cần 1.500m3; lúa gạo cần 200m3...). Nhưng điều quan trọng không phải là thiếu nước, mà là thiếu đầu tư phân bổ nguồn nước hợp lý và cách định giá nước không công bằng. Số liệu của UNESCO cho thấy nông dân Tây Ban Nha chỉ phải trả 2% thực giá mỗi m3 nước. Nông dân trồng lúa mì và gạo ở California tiêu thụ đến 20% tổng lượng nước của bang nhưng vẫn được hưởng giá bao cấp.

Làm nghề nông ngày nay không đơn giản “mong cho chân cứng đá mềm” hay “trời yên bể lặng”, mà phải xem đó là công cuộc kinh doanh thực sự, đòi hỏi vốn đầu tư khổng lồ để đổi mới công nghệ trước và sau thu hoạch, giáo dục đào tạo nâng cấp quản lý, tiếp thị và kế toán sổ sách cho từng nông hộ. Chính quyền các cấp, doanh nghiệp trực tiếp mua bán nông phẩm, ngành du lịch, trường học, người tiêu dùng, kể cả giới truyền thông cần điều chỉnh cách nhìn đối với nông thôn và nông dân. Các trường mẫu giáo ở nước Anh mỗi năm hai lần tổ chức ngày nông trại (farm day), tạo phụ thu cho nhà nông đưa ngựa, lừa, cừu, bò, heo, gà, vịt, thỏ... đến cho trẻ con và phụ huynh vui đùa trọn ngày, thưởng thức bánh kẹo làm từ nông trại, cùng chụp ảnh kỷ niệm với thú.

Ngoài ra, kết hợp nông trang với cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành để chuyển giao công nghệ là hướng đi tốt. Nông dân trồng cà phê Kona và Đại học Hawaii thường xuyên gặp nhau trao đổi thông tin. Qua đó, nhà nông được đào tạo nâng cấp kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, chế biến, đồng thời kết hợp với mạng du lịch ở hải đảo đưa du khách quốc tế đến tham quan cơ sở trồng cà phê. Trên tuyến đường dẫn đến vành đai cà phê Kona (dài 50km, rộng 1,5km) không thiếu tín hiệu giao thông hướng dẫn lộ trình do chính quyền bang Hawaii bỏ tiền thiết lập. Hàng năm, các nhà nông phối hợp cơ quan du lịch - văn hóa bang Hawaii tổ chức lễ hội văn hóa cà phê Kona, kết hợp tổ chức giải golf mở rộng.

Ngoài điển hình cơ chế kinh tế nông thương nêu trên ở Ấn Độ, ngay tại Anh người ta cũng đang nhấn mạnh cách mạng nông nghiệp qua khẩu hiệu: “A Land of Opportunity” (Vùng đất cơ hội). LANTRA là một trong số tổ chức phi lợi nhuận đảm trách các chức năng:

• Quản lý đất nuôi trồng (mùa màng, chăn nuôi, thủy hải sản, hoa kiểng, du lịch điền dã, kể cả việc dành đất cho người bệnh, người về hưu nuôi trồng thư giãn).

• Phổ cập công nghệ liên quan đến đất đai để tăng năng suất cây trồng.

• Điều hành hệ đào tạo cao đẳng liên quan đến đất đai.

• Chăm sóc sức khỏe gia súc - gia cầm, kiểm dịch.

• Công nghiệp phát triển bền vững môi trường nông thôn...

Theo Giám đốc điều hành LANTRA là Peter Martin thì nhà nông giờ đây được thôi thúc bởi tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận nhằm cải thiện đời sống thêm sung túc. Kinh tế nông thương đang nổi lên, đòi hỏi tầm nhìn trung hạn liên quan tới sự gia tăng dân số, sự thay đổi khí hậu tác động tình hình sản xuất lương thực, thực phẩm. Trong khi đó chi phí nhiên liệu - năng lượng không ngừng leo thang, nạn ô nhiễm môi trường… đều có tác động bành trướng thị trường tiêu dùng tại chỗ hơn là xuất khẩu.

Rồi đây, khi nông thôn vắng bóng thanh niên, chỉ còn phụ nữ hay lão niên cáng đáng đồng áng thì tình hình sẽ ra sao? Đã đến lúc cần nhanh chóng hình thành cơ cấu tạm gọi là dịch vụ tư vấn kinh doanh nông thương và chương trình nối mạng kinh tế nông thương để thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn vươn lên một tầm mức mới.


Mai Kim Đỉnh (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Tin khác