Mục tiêu
Về cơ bản, sự hình thành doanh nghiệp KH&CN ở các nước gắn liền với việc ươm tạo công nghệ. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số nước trong khu vực và trên thế giới, sau khi tiến hành ươm tạo công nghệ người ta thường thành lập doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm từ công nghệ đã được hình thành. Tuy nhiên, có trường hợp đơn vị đã ươm tạo ra công nghệ nhưng không đầu tư phát triển sản xuất trên cơ sở công nghệ đó mà xây dựng và chuyển giao dây chuyền công nghệ cho một đơn vị khác để đơn vị đó tiến hành SXKD.
Bước sang nền kinh tế thị trường, trong xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập cũng như các tổ chức KH&CN thuộc các thành phần kinh tế khác, việc hình thành các doanh nghiệp KH&CN chính là hình thành một lực lượng sản xuất mới. Lực lượng sản xuất này thực hiện việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào SXKD, tạo ra ngành nghề mới, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Đây chính là động lực giúp cho sự tăng trưởng vượt bậc của các doanh nghiệp KH&CN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta.
Về bản chất của doanh nghiệp KH&CN ở nước ta
Ngày 19.5.2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, trong đó quy định: Doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp thực hiện SXKD các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Ngoài các hoạt động này, doanh nghiệp KH&CN có thể thực hiện SXKD các loại sản phẩm hàng hoá khác và thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
Làm rõ vấn đề này, sau nhiều lần làm việc với các tổ chức KH&CN, cũng như một số cá nhân, tổ chức đang tiến hành thành lập doanh nghiệp KH&CN, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam cũng được hình thành như ở các nước trên thế giới. Về bản chất, để hình thành một doanh nghiệp KH&CN thì doanh nghiệp đó phải nắm vững bí quyết công nghệ hoặc làm chủ một công nghệ. Công nghệ đó có thể được hình thành, ươm tạo từ một (hoặc một số) kết quả nghiên cứu. Đây chính là chìa khoá để hình thành và giúp cho doanh nghiệp đó tồn tại và phát triển. Khi đã làm chủ công nghệ, doanh nghiệp tự lựa chọn cho mình phương thức SXKD. Doanh nghiệp có thể tiến hành triển khai sản xuất ngay trên dây chuyền công nghệ đã tạo ra, hoặc có thể chuyển giao dây chuyền công nghệ đó cho đơn vị khác để thu được lợi nhuận và đây cũng là một phương án SXKD của doanh nghiệp KH&CN.
ở nước ta, trong thời gian qua, khi thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5.9.2005 của Chính phủ, chúng tôi thấy một số tổ chức KH&CN có nhu cầu chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Đây là một hướng để chuyển đổi của tổ chức KH&CN công lập. Ngoài ra, các nhà khoa học có kết quả KH&CN, có tâm huyết có thể thành lập doanh nghiệp KH&CN trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của mình.
Một mô hình cụ thể
Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thành lập và phát triển doanh nghiệp KH&CN, chúng tôi đã có dịp làm việc với Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, đây là 1 trong 10 doanh nghiệp phát triển hàng đầu của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2001-2007.
Hiện nay, Công ty có nhiều sản phẩm sơn công nghiệp phục vụ cho các dự án lớn của các nhà máy công nghiệp như: Hoá chất, lọc dầu, xi măng, nhiệt điện, thuỷ điện, giấy; sơn cho các tổng kho, hệ thống bồn, bể chứa dầu, khí hoá lỏng; sơn dùng để sơn cầu thép, cầu đường sắt, chỉ giới, biển báo; sơn tĩnh điện đa dạng về màu sắc, chủng loại, chịu mài mòn, va đập, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không gây ô nhiễm môi trường; sơn phục vụ trong lĩnh vực sản xuất đồ điện, đồ gia dụng, dụng cụ thể thao, thiết bị văn phòng, máy công nghiệp; sơn trang trí như: Sơn sân thể thao, sơn nhũ nước, sơn phục vụ cho kiến trúc xây dựng.
Từ khi thành lập (năm 1960) đến nay, Công ty liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 30%. Tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của Công ty, chúng tôi được biết, Công ty phát triển như hiện nay là xuất phát từ việc áp dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN của mình. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu sản xuất sơn công nghiệp của Công ty do Sở KH&CN thành phố Hải Phòng cấp kinh phí đã hoàn thành và được ứng dụng vào SXKD đem lại hiệu quả cao. Kinh phí nghiên cứu của đề tài này rất ít (dưới 100 triệu đồng), thời gian thực hiện trong khoảng hơn 1 năm. Điều cơ bản nhất trong thành công của Công ty là, với việc thực hiện đề tài, Công ty đã làm chủ được công nghệ sản xuất loại sơn công nghiệp có chất lượng cao.
Tuy nhiên, để triển khai sản xuất mặt hàng sơn công nghiệp này vào thực tiễn SXKD, Công ty đã thực hiện theo một cách hết sức khôn ngoan. Sau khi xây dựng phương án sản xuất, Công ty nhận thấy không thể tiến hành sản xuất ngay bằng dây chuyền công nghệ là kết quả của đề tài nghiên cứu, vì nếu sản xuất với tên tuổi Công ty thì chưa chắc đã bán hàng thuận lợi. Công ty đã tiến hành tìm hiểu các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới và mua dây chuyền công nghệ sản xuất sơn của Hãng Chugoku Marine (Nhật Bản) cho một mặt hàng sơn công nghiệp đầu tiên của mình. Sản phẩm này đã dễ dàng chiếm lĩnh thị trường nhờ uy tín và thương hiệu của hãng sơn nước ngoài. Sau đó, Công ty mới bắt tay vào thực hiện phương án SXKD đã xây dựng, với dây chuyền công nghệ mà các thiết bị chủ yếu được sản xuất trong nước (do Công ty đã làm chủ công nghệ sản xuất nhờ kết quả nghiên cứu trước đó). Thậm chí, khi muốn sản xuất một loại sản phẩm mới, Công ty có thể nhanh chóng triển khai được dây chuyền sản xuất phù hợp, với sản phẩm có chất lượng bảo đảm và sức cạnh tranh cao. Trong quá trình phát triển, Công ty cũng nhanh chóng đầu tư, thiết lập các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn, giúp đảm bảo chất lượng cho các mặt hàng sơn. Do vậy, cho đến thời điểm hiện nay, Công ty hoàn toàn chủ động trong việc triển khai sản xuất các mặt hàng và mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Hiện nay, Công ty đang xây dựng một Trung tâm nghiên cứu KH&CN nhằm nghiên cứu những công nghệ mới phục vụ cho việc triển khai một số mặt hàng mới, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Công ty cũng đang xem xét để chuyển giao một số dây chuyền công nghệ sản xuất sơn do Công ty tạo ra cho các đơn vị khác để lấy kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình.
Từ trường hợp cụ thể của Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng cũng như xu hướng chuyển đổi của một số đơn vị thành doanh nghiệp KH&CN ta có thể hiểu, bản chất của doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật KH&CN, và điều quan trọng nhất là hoạt động SXKD của doanh nghiệp đó phải dựa trên cơ sở đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để từ đó nắm vững các bí quyết công nghệ, làm chủ các công nghệ và tiến hành tổ chức sản xuất bằng chính các công nghệ đó, hoặc chuyển giao công nghệ này cho các cơ sở SXKD khác để thu lợi nhuận.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa học)