Mong ước của người nông dân

31/08/2009

AGROINFO - Trong những lần đi thực địa, cán bộ nghiên cứu của AGROINFO đã tìm hiểu về hoàn cảnh sống và mong muốn của người nông dân thuộc nhiều địa phương trong cả nước....

Ông Nguyễn Đình Được – Đông La- Hoài Đức- Hà Tây: Mong nhà nước giúp người nghèo hơn nữa!

Cả gia đình làm nông nghiệp truyền thống. Ngoài trống lúa, 3 năm gần đây, được Uỷ ban xã hướng dẫn kỹ thuật và khuyến khích trồng cây bưởi Diễn, nên gia đình quyết định trồng tập trung 2 sào bưởi Diễn với hy vọng sẽ bán được giá. Không may, đúng đến năm ngoái – năm thu hoạch đầu tiên, mấy cơn lũ liên tục khiến phần lớn diện tích trồng bưởi của gia đình bác bị úng nước, hỏng hết, coi như thu hoạch trắng tay. Nhà nước thông qua hợp tác xã hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại mỗi gia đình, tổng cộng 2 sào bưởi Diễn của bác được hỗ trợ 500 nghìn đồng, không đủ tiền để mua giống mới. Tuy nhiên, năm nay thời tiết có vẻ thuận lợi hơn, hội nông dân cho biết sẽ có lái buôn về tận xã thu mua, giá bán tại vườn có thể lên tới 20.000 VNĐ/quả nếu đẹp mã và tép ngon.

Ngoài trồng lúa và trồng bưởi, nhà tôi còn tranh thu xen canh cà chua, đậu đũa và một số cây rau màu khác. Cà chua 3 tháng có thể thu hoạch, đến mùa thu hoạch công ty thu mua ở Hà Nam đưa cả đoàn xe về xã thu mua ở các hộ để sản xuất tương cà chua và cà chua đóng hộp. Giá thu mua năm nay cao do cà chua không được mùa, giá bán tại vườn lên tới 10.000 VNĐ/kg trong khi năm ngoái chỉ khoảng 7.000-8.000 VNĐ/kg.

Tôi rất mong muốn xã tổ chức thêm nhiều buổi hướng dẫn bà con cách làm nông nghiệp mới, nếu mời được các nhà khoa học và những nhà nông giỏi về thì càng tốt. Bà con nông dân trong thôn bác sẵn sàng bỏ vài buổi làm vườn để đi nghe các đồng chí truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn tỉ mỉ cách phun thuốc, bón phân và diệt sâu hại.

Về các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người nông dân, tôi thấy các chính sách nhiều nhưng không thấy mình trong đối tượng được hưởng lợi là mấy. Những người nông dân nghèo như tôi luôn hy vọng Nhà nước tổ chức các đợt khảo sát, tìm hiểu hơn về cuộc sống của những người nông dân nghèo và có những chính sách thực tế hơn, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn.

Chú Nông Xuân Phát- Hợp Thành (Lào Cai): Muốn được hỗ trợ xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống

Võ Nga (trái) - cán bộ AGROINFO làm việc với người dân địa phương trong chuyến thực địa ở Lào Cai

Nông Xuân Phát, năm nay 58 tuổi – người dân tộc Tày, từng đi bộ đội trong khoảng thời gian 1972 – 1978.

Gia đình chú chủ yếu trồng lúa, sắn, chăn nuôi trâu bò, thu nhập năm 2008 của chú được 8 triệu (thấp hơn 200.000/người nên vẫn thuộc hộ nghèo – nhà chú có 6 người).

Theo chú, khó khăn trong vụ mùa vừa qua là không đáng kể do sâu bệnh đã có thuốc trừ sâu. Tuy nhiên giá thóc giống lại tăng: năm 2008 là 29.000 đồng/kg năm 2009 lên đến 43.000 đồng/kg, đồng thời giá phân bón năm 2008 tạm ổn thì năm nay lại có xu hướng tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân.

Những chính sách được đưa xuống áp dụng tại địa bàn gồm: chính sách hỗ trợ người nghèo ăn Tết; Chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn để phát triền kinh tế gia đình mua trâu, bò về làm sức kéo. Nhờ có những chính sách trên mà đợt tết vừa rồi gia đình chú đã có một cái tết sung túc và ấm cúng hơn mọi năm (Gia đình chú được 1 triệu tiền ăn Tết).

Theo chú đánh giá thì chính sách hỗ trợ cho vay mua trâu, bò khá hiệu quả tại địa bàn. Thủ tục cho vay không có gì khó khăn, chính quyền địa phương đều tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mua trâu, bò. Nhiều gia đình trong thôn mua trâu bò nay đã sinh sản giúp họ tăng thu nhập, giảm nghèo.

Muốn duy nhất của tôi lúc này mong nhà nước hỗ trợ giúp đỡ gia đình tôi xóa bỏ nhà tạm, có cuộc sống, sinh hoạt tốt hơn”, chú Phát cho biết.

Vũ Thị Vui - Hợp Thành (Lào Cai): “Mong chính quyền địa phương tập huấn cho nông dân trồng trọt".

Cô Vũ Thị Vui có 4 nhân khẩu: 2 vợ chồng và 2 con. Thu nhập của gia đình cô năm 2008 là 13 triệu đồng từ trồng rau đem bán, chồng đi làm thuê, và con gái lớn làm thợ may. Chi tiêu của gia đình chủ yếu là: đóng tiền học phí cho con, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tiền điện, nước, hiếu hỉ, mua phân bón và hạt giống.

Rau cô trồng theo mùa vụ: mùa đông trồng rau cải cúc, bắp cải, xu hào, mùa hè trồng rau đay, rau mồng tơi, rau muống… mùa nào thức nấy đáp ứng nhu cầu của người dân, Rau được bán ở chủ yếu ở chợ Kim Tân, Cốc Lếu (Lào Cai), mỗi tháng thu nhập từ việc bán rau được khoảng 700.000 đồng.

Năm nay, giá hạt giống cao: 10.000 đồng/kg, thời tiết nắng nóng thất thường có ảnh hưởng lớn đến việc trồng rau của gia đình cô: chẳng hạn như: rau mới lên bị chết héo, phải mua hạt giống về trồng lại. Cô mong rau của cô không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà còn được đưa đến các tỉnh lân cận. Chính quyền Lào Cai nên có chương trình hướng dẫn phổ biến cho người dân cách chăm sóc, trồng rau sạch để đem bán cho nhà hàng, khách sạn, siêu thị,,,và xa hơn là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đồng thời, cô mong con em trong vùng sau khi học xong trở về xã sẽ được tạo công ăn việc làm ổn định.

Võ Nga - Hồng Liên (AGROINFO)


Tin khác