Vừa qua, đoàn doanh nghiệp Việt Nam với sự tham gia của nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty đã sang Campuchia tiếp xúc với các bộ, ngành để tìm cơ hội đầu tư và ký kết các hợp đồng kinh tế trong đó có việc đề xuất thành lập liên doanh xuất khẩu gạo nhằm kích giá gạo xuất khẩu, cũng như hạn chế tình trạng gạo Campuchia xuất lậu sang Việt Nam.
Doanh nghiệp hai nước đã có sự đàm phán góp vốn thành lập liên doanh xuất khẩu gạo. Nếu như việc đàm phán thành lập liên doanh thành công thì gạo Cam Pu Chia sẽ được xuất sang Việt Nam và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường lúa gạo trong nước. Chúng tôi đã có trao đổi nhanh với bà Nguyễn Hiếu Tâm- chuyên gia phân tích ngành hàng của AGROINFO về vấn đề này.
Việt Nam và Campuchia vừa có sự hợp tác về xuất khẩu gạo, bà có thể cho biết một số thông tin về thị trường lúa gạo CPC không?
Trong thập kỉ vừa qua, Campuchia đã có những biến chuyển rõ rệt. Mặc dù nền kinh tế Campuchia chủ yếu được thúc đẩy nhờ ngành sản xuất công nghiệp (đặc biệt là ngành dệt may), lực lượng lao động sản xuất và thương mại gạo của nước này chiếm tới 50% tổng dân số. Lúa là loại cây chiếm đến 90% tổng diện tích canh tác của nước này. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Campuchia sẽ trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
|
Năng suất và sản lượng gạo của Cam Pu Chia. (Nguồn USDA) |
Hiện nay, Campuchia đang có những nỗ lực và đầu tư nhằm tăng năng suất sản xuất gạo của nước này. Campuchia hiện đang đứng thứ 13 trên thế giới về sản xuất khẩu gạo với sản lượng 4,5 triệu tấn trong năm 2008/2009. Tuy nhiên, năng suất trung bình đạt 2,75 tấn/ha là khá thấp so với mức bình quân của thế giới, 4,24 tấn/ha. Dự kiến, nếu Campuchia có thể tăng năng suất lên được 3,53 tấn/ha, tương đương với Lào, thì sản xuất gạo của nước này sẽ đạt ngang tầm với Pakistan, Brazil và Mỹ. Trong khi xuất khẩu gạo của nhiều nước trên thế giới đang đạt khó khăn, Campuchia có rất nhiều cơ hội và triển vọng trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.
Đến năm 2004, Campuchia bắt đầu xuất hiện trở lại trên thị trường gạo thế giới qua việc xuất khẩu 300.000 tấn gạo. Trong năm 2008, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt mức kỷ lục 500.000 tấn gạo. Năm 2009, dự kiến nước này sẽ xuất khẩu 800.000 tấn gạo.
-Liệu sự hợp tác giữa hai nước có làm hạn chế tình trạng nhập lậu gạo từ CPC về VN như trong thời gian qua không?
Từ trước đến nay, gạo Campuchia vào Việt Nam chủ yếu thông qua hình thức nhập lậu, do đặc điểm hai nước nằm cạnh nhau và có chung nhiều biên giới, cửa khẩu. Việc kiểm soát nhập khẩu lậu gạo là một vấn đề khó.
|
Thương mại gạo của Cam Pu Chia. (Nguồn USDA) |
Vừa qua, Việt Nam và Campuchia có những thỏa thuận hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực gạo. Sự kiện này làm dấy lên hy vọng việc nhập lậu gạo sẽ được kiểm soát và hạn chế. Tuy nhiên, tác động và kết quả của các hoạt động này sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo tôi, lượng gạo của Campuchia nhập vào Việt Nam qua con đường chính ngạch sẽ tăng, nhưng tình trạng nhập lậu gạo vẫn khó được hạn chế. Các tiểu thương của Campuchia và cả của Việt Nam sẽ vẫn cố gắng tìm cách mua bán gạo lậu nhằm kiếm lợi nhuận cho riêng mình. Vấn đề này sẽ tiếp tục là bài toán khó và đòi hỏi nhiều biện pháp từ các nhà quản lý của Việt Nam
-Theo VFA, mỗi năm Campuchia sản xuất lúa gạo tương đối nhiều nhưng xuất khẩu chính ngạch không được bao nhiêu, chỉ 3.000-5.000 tấn/năm.
- Một trong những nguyên nhân khiến giá gạo trong nước giảm là do lúa gạo Campuchia chất lượng thấp qua đường tiểu ngạch tràn vào Việt Nam cao hơn nhiều so với dự đoán của VFA. VFA từng dự đoán cả năm sẽ chỉ có khoảng một triệu tấn gạo từ Campuchia vào Việt Nam. Tuy nhiên, mới đến giữa tháng 6, lượng gạo Campuchia vào Việt Nam lên tới con số một triệu tấn và đang có chiều hướng tăng. |
Kiều Nga/ AGROINFO