Trung tâm phát triển nông thôn (RUDEC) là một đơn vị tham gia dự án 68 với nội dung Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí ở các địa phương cho các mặt hàng nông nghiệp đặc sản. Sau một thời gian tham gia dự án, RUDEC đã thu đuợc những kết quả rất đáng kể.
Mô hình nghiên cứu và tư vấn
Từ năm 2002, nhóm cán bộ của RUDEC đã bắt đầu nghiên cứu về chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm gạo Tám Xoan- Hải Hậu (Nam Định), trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm học tập từ Pháp và châu Âu. Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, sau 8 năm, RUDEC đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu năng động, có kinh nghiệm trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lí.
Đến nay, RUDEC đã thực hiện đựơc các dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí cho các sản phẩm đặc sản như: bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), nước mắm Phú Quốc(Kiên Giang), thanh long Bình Thuận, gạo Hải Hậu (Nam Định)…
Công tác nghiên cứu của RUDEC nhằm hướng đến mục tiêu đề xuất những chính sách, thể chế phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng được những yêu cầu và điều kiện quốc tế. Đồng thời qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn chuyên môn cao, năng động nhằm hỗ trợ các địa phuơng xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí.
Những thành tựu bước đầu
|
Các sản phẩm đặc sản được chỉ dẫn địa lí trưng bày trong gian triễn lãm tại hội nghị |
Thay đổi nhận thức của người dân:
Sau một thời gian thực hiện, chương trình Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý ở địa phương cho các sản phẩm đặc sản đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lí. Khảo sát của RUDEC-IPSARD cho thấy 95% người dân ở Đoan Hùng đã nắm được các thông tin cơ bản và vai trò của chỉ dẫn địa lí. Từ đó, hơn 85% người dân Đoan Hùng nộp đơn xin được hỗ trợ làm hồ sơ đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lí. Ở các địa phương khác cũng đã có những chuyển biến tương tự.
Hình thành được khung pháp lý ở địa phương: Xây dựng khung pháp lý là mục tiêu quan trọng mà chương trình đặt ra. Sau khi triển khai, các địa phương đã xây dựng các mô hình hỗ trợ và quản lý cụ thể. Điểm chung là UBND các tỉnh đã có các quy định pháp lý, các khung chương trình hướng dẫn việc thực hiện các chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm.
Việc triển khai các khung thể chế pháp lý được găn liền với hoạt động theo dõi đánh giá quá trình thực hiện trên thực tế. Các mô hình được đảm bảo bằng một khung pháp lý vững chắc nên thực hiện rất có hiệu quả.
Giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được nâng cao: Dự án bước đầu đã góp phần tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩn ở địa phương. Các sản phầm này vốn đã có tiếng tốt về chất lượng, nhờ có chỉ dẫn nên tạo được độ tin cậy cho người tiêu dùng. Do đó giá bán đã được nâng lên. Bưởi Đoan Hùng sau khi có nhãn mác với đầy đủ các thông tin về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đã có giá bán cao gấp 1,5 đến 1,6 lần và được người tiêu dùng chấp nhận. Gạo Hải Hậu đã tăng giá trị trên thị trường lên 2 lần. Những thành quả bước đầu như thế đã giúp người nông dân sản xuất thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Các hiệp hội sản xuất đã được thành lập hoạt động mang lại hiệu quả trong việc phát triển sản xuất, bảo vệ lợi ích của người nông dân. Hệ thống cửa hàng, đại lý bán các sản phẩm đã được phát triển để tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm.
Chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được kiểm soát: Các sản phầm đặc sản có chất lượng cao thường bị các mặt hàng kém chất lượng “mượn tên” nhằm thu lợi nhuận cao. Nhờ có các thông tin chỉ dẫn địa lý mà người tiêu dùng phân biệt được hàng thật và hàng nhái. Chất lượng sản phẩm và uy tín của các mặt hàng này được bảo vệ.
Dự án tuy đã đạt nhiều thành công nhưng vẫn còn gặp phải không ít những khó khăn. Trong những năm tiép theo, RUDEC tiếp tục thực hiện dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí ở địa phương bằng việc xây dựng một chiến lược quảng bá sản phầm đồng bộ và quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí.,
AGRO INFO