Định vị lại chiến lược xuất khẩu nông sản

26/06/2009

Kể từ khi đổi mới, tăng trưởng nông nghiệp và mở rộng xuất khẩu nông sản có một vị trí nền tảng hỗ trợ cho tăng trường của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Nhìn lại những điểm mốc quan trọng nhất trong tiến trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam như bắt đầu sự nghiệp đổi mới 1998, khủng hoảng tài chính Đông Nam Á năm 1997, kinh tế toàn cầu và Việt Nam suy giảm năm 2008, khi các ngành kinh tế suy thoái, lúc đó vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản mới được nhìn nhận như là cứu cánh.

Động lực của tăng trưởng nông nghiệp

Kể từ khi đổi mới đến nay, quy mô thương mại nông-lâm-thủy sản ngày càng được mở rộng cả về thị trường và ngành hàng, nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt vị trí cao trên thị trường thế giới. Thương mại nông-lâm-thủy sản đạt mức tăng trưởng cao và liên tục xuất siêu mặc dù thương mại chung luôn trong tình trạng nhập siêu. Tốc độ tăng trưởng trung bình của kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản giai đoạn 2001-2008 đạt khoảng 25,5%/năm (trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung là khoảng 20,5%/năm), tốc độ tăng trưởng trung bình của kim ngạch nhập khẩu nông-lâm-thủy sản và vật tư đầu vào đạt 22,5%/năm (trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nói chung là khoảng 23,1%/năm).

Xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp giai đoạn 2001-2008 (triệu USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Cán cân thương mại hàng hóa và thương mại nông lâm thủy sản (triệu USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Đóng góp của yếu tố giá và lượng trong tăng trưởng kim ngạch một số mặt hàng năm 2008 (%)

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Năm 2008, nền kinh tế toàn cầu lún sâu vào khủng hoảng, thương mại suy giảm nghiêm trọng, song thương mại nông sản của Việt Nam tăng mạnh so với các giai đoạn trước đó. Mức tăng trưởng kim ngạch chủ yếu do đóng góp của yếu tố tăng giá nông sản trên thị trường quốc tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2008 ước đạt 16.012 triệu USD, tăng 28,4% so với năm 2007 (đạt 12.469 triệu USD). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với năm 2007 như cao su, cà phê, chè, gạo. Bước sang năm 2009, số liệu hải quan hết quý 1 cho thấy trong khi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục làm cho xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động nặng nề, tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1 đạt 13,5 tỷ USD chỉ tăng 2,4%, nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu như dầu thô, dệt may, giày dép...giảm mạnh, chỉ có một vài mặt hàng nông sản như gạo, sắn, chè, hạt tiêu tăng trưởng mạnh, giảm đà suy giảm xuất khẩu chung.

Nhìn vào suốt tiến trình đổi mới và mở cửa, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và thu hẹp thị trường xuất khẩu trong hai năm 2008 và 2009, vai trò của xuất khẩu nông sản càng được đánh giá cao, thực sự xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh đã trở thành động lực thúc đẩy nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, hình thành nhiều vùng chuyên canh hàng hóa.

Tuy nhiên, nhìn trên một xu hướng dài hạn trong một tương quan giữa cung/xuất khẩu nông sản và cầu/nhập khẩu nông sản sẽ cho thấy nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ.

Dịch chuyển cung cầu thương mại nông sản

Một mô hình đơn giản về xuất khẩu của Việt Nam trong tương quan với nhu cầu nhập khẩu của thế giới hoặc 1 bạn hàng lớn theo các trục tung và hoành. Đối với một hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể ở một trong 4 góc phần tư. Những hàng hóa nằm ở góc phần tư thứ II được coi là triển vọng lúc đó cả xuất khẩu của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu đều tăng. Và ngược lại đối với trường hợp góc phần tư thứ IV. Ở góc phần tư thứ I, lúc đó hàng Việt Nam đang bị cạnh tranh, suy giảm mặc dù nhu cầu thị trường vẫn tăng. Ở góc phần tư thứ III, hàng Việt Nam cạnh tranh và thâm nhập mạnh vào thị trường bất chấp suy giảm chung của thị trường.

Khung phân tích về thị trường nông sản

Ví dụ đối với thị trường Hoa Kỳ, giai đoạn 2004-2007 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm của 49 mặt hàng nông sản chủ lực Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt mức 34%/năm, trong khi nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này đạt 14%/năm. Trong khi 9 tháng 2008 so với cùng kỳ 2007, con số tương ứng là 21% và 13%. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm mặc dù tăng trưởng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ không giảm.

Hình 5 và 6 cũng cho thấy xu hướng dịch chuyển về tốc độ tăng trưởng của từng ngành hàng trong hai giai đoạn 2004-07 và 2008, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của đa số các ngành hàng nông sản Việt Nam đang trên đà suy giảm trong khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu các ngành hàng này của thị trường Hòa Kỳ không có nhiều thay đổi. Có một xu hướng dịch chuyển từ góc phần tư thứ II về góc phần tư thứ I.

Tăng trưởng bình quân hàng năm xuất khẩu 49 mặt hàng chủ lực nông sản Việt Nam sang Hoa Kỳ Giai đoạn 2004-2007

Tăng trưởng xuất khẩu 49 mặt hàng chủ lực nông sản Việt Nam sang Hoa Kỳ 9 tháng 2008 so với 9 tháng 2007

Nguồn: AGRODATA, www.agro.gov.vn

Như vậy, suy giảm thị trường do khủng hoảng tài chính không phải là nguyên nhân căn bản dẫn đến suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu. Chính những yếu tố yếu kém căn bản về cơ cấu trong chuỗi giá trị là nguyên nhân căn bản như: giá thành cao, sản phẩm thô, chưa có sản phẩm mũi nhọn có giá trị gia tăng cao, thương hiệu yếu, phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu chế biến một số ngành hàng lớn…Ngoài ra, rất có nhiều khả năng, một số ngành hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã tăng trưởng đến giới hạn ngưỡng, việc tăng kim ngạch trở nên khó khăn hơn.

CẦN ĐỊNH HƯỚNG LẠI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU

Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là suy giảm thị trường quốc tế và hàng rào phi thuế đang có xu hướng tăng, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong phát triển hoạt động thương mại nông lâm thủy hải sản và vật tư nông nghiệp. Đã đến thời điểm sau một giai đoạn tăng trưởng xuất khẩu dựa vào chiều rộng, dựa vào một vài ngành hàng chủ lực cần phải thiết kế một chiến lược phát triển xuất khẩu nông sản bền vững, căn cơ hơn, dựa theo chiều sâu và kích thích những nhân tố mới đột phá. Một số định hướng sau có thể là những gợi ý cho chiến lược xuất khẩu mới

• Xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu cho một số ngành hàng chủ lực nông sản và một số ngành hàng tiềm năng.

• Tăng cường năng lực cho các đơn vị đầu mối phát triển thương mại trong Bộ ngành có mạng lưới theo dõi diễn biến thương mại ở các vùng hàng hóa và thị trường trọng điểm, nâng cao chất lượng tham mưu hỗ trợ cho Bộ ngành và Chính phủ trong điều hành thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu và phát triển thương mại trong dài hạn.

• Điều chỉnh lại chương trình xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường sự tham gia của các Hiệp hội, doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và ngành hàng hàng nhỏ có tiềm năng phát triển cao.

• Đầu tư hoặc đặt hàng cho các đơn vị có đủ năng lực, không nhất thiết là Nhà nước, hoặc các Hiệp hội phát triển các dịch vụ công như nghiên cứu, thông tin thị trường nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các hộ gia đình.

• Cân bằng phát triển thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường trong nước không chỉ theo phong trào, mang tính nhất thời, mà cần một quá trình phát triển bài bản, từ tìm hiểu nhu cầu, gây dựng hệ thống phân phối, làm thương hiệu…


Phạm Quang Diệu - AGROINFO

Tin khác