Nông nghiệp, nông thôn, nông dân ĐBSCL – nâng tầm để phát triển

28/09/2009

Bài 1: Mô hình Chợ Mới
“Nông dân Chợ Mới đang mê lúa như mê người yêu” – lão nông Nguyễn Duy Thiệt (Năm Thiệt), ở ấp Hòa Hạ, xã Kiến An ví von trong bối cảnh giá lúa tăng kịch trần gần 5.000 đồng/kg. Những ngày cuối tháng 4-2008, về cù lao Chợ Mới, An Giang - đi ngang qua nhà nào cũng thấy lúa đông-xuân vàng rực phơi đầy sân, chúng tôi càng thấu hiểu hơn câu nói của một cán bộ Huyện ủy: “Nông dân Chợ Mới sinh tử với nông nghiệp”. Từ lão nông như ông Năm Thiệt đến chủ tịch xã, chủ tịch huyện đều rầm rộ khí thế, quyết tâm “ra quân” xuống giống lúa hè – thu đúng lịch thời vụ để né rầy.

Mê lúa như mê... người yêu

Nông dân Chợ Mới chở lúa đông - xuân vừa thu hoạch về nhà.

“Gác ba lô trở về với đất Chợ Mới là tôi bắt tay vào làm lúa. Mới đó mà ngót nghét đã hơn 30 năm. Giờ bán lúa mới thấy đã tay!” – lão nông Năm Thiệt nói trong sự phấn khích. Vừa bước vào tuổi 60, ông Năm Thiệt nhận được “song hỷ”: giá lúa tăng ngút ngưỡng, lại được nhận bằng khen vì thành tích phòng chống rầy nâu! Trong nhà, ông Năm đã “sưu tầm” gần 11 bằng khen đủ loại, nhưng cái bằng khen chống rầy nâu là thời sự nhất của nông dân Chợ Mới.

Với 9 công ruộng, ông Năm đã dựng được căn nhà chống lũ khang trang, nuôi con vào đại học khỏe re! Hỏi ra, mới biết ông là “cao thủ” trồng lúa đất Chợ Mới: năng suất trồng lúa đạt 21 tấn/3vụ/năm. Hẳn dân trồng lúa ở ĐBSCL cũng thèm được như ông. Đất ruộng của ông Năm là nơi được chọn làm thí điểm áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” rồi “phun thuốc 4 đúng”. Ông bảo, Chợ Mới đất hẹp – người đông, phải nâng niu thửa ruộng để kiếm sống. Hồi chưa có đê bao, lũ về lo chạy không kịp; có đê bao làm lúa trúng “bể tay”. Với những người cao niên như ông Năm, đê bao chống lũ là một công trình “trị thủy” để đời của vùng đất Chợ Mới.

“Tui nhớ rõ đê bao Chợ Mới được dựng lên năm 1997. Bởi năm đó, con gái đầu lòng tui bước vào đại học. Từ đó, nông dân Chợ Mới làm lúa 3 vụ/năm” - ông Năm Thiệt nhớ lại. Làm lúa trúng nhưng ông Năm vẫn còn thấy tức. “Hôm rồi Hai Khoa, chỉ có 2 công lúa đông-xuân, thu hoạch năng suất 2,5 tấn; tính ra gần 9,2 tấn/ha. Lại bán lúa giống đến 5.500 đồng/kg, thiệt là sướng. Đất ông Hai nằm sát nhà mình, thấy cũng tức vì thua năng suất” – ông Năm Thiệt nói mà cười. “Được mùa - trúng giá, nông dân Chợ Mới đua nhau sắm đủ loại hàng điện tử, máy móc. Các cửa hàng cũng được mùa bán hàng” – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, Trần Thị Yến Châu báo tin vui.

“Quân lệnh xuống giống”!

Những ngày cuối tháng 4-2008, nông dân Chợ Mới háo hức xuống giống lúa hè-thu. Đi đâu cũng nghe nhắc nhau: nhớ xuống giống đúng lịch. “Các xã phải chấp hành nghiêm lịch thời vụ xuống giống lúa hè-thu để né rầy nâu” - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, Nguyễn Danh Trung đã “khóa chốt” tại cuộc họp triển khai sản xuất vụ 2. Chưa yên tâm, đi xuống xã Mỹ Hội Đông, ông Trung dặn: “Chủ tịch xã phải sát tình hình sản xuất của dân, mới điều hành kịp thời. Phải biết lợi dụng giá lúa lên cao để tạo thời cơ nâng cao đời sống người dân”.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông, Hồ Văn Minh Trứ cam kết: 98% diện tích làm lúa sẽ xuống giống đúng lịch thời vụ. Ông Trứ cũng “thỉnh thị”: tạm dừng kế hoạch giảm lúa, tăng màu trong bối cảnh giá lúa tăng mạnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, Trần Thị Yến Châu “bật đèn xanh”: không chỉ tận dụng sản xuất lúa hè-thu, mà ngay từ bây giờ phải chủ động chuẩn bị sản xuất vụ 3 (lúa thu-đông), Tỉnh ủy đã chỉ đạo… phải tập trung sản xuất lúa giống cung cấp cho các tỉnh lân cận. Còn Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, Nguyễn Danh Trung phân tích “rặt” ngôn ngữ Nam bộ: lúa lên giá cao, bỏ vụ 3 sẽ thiệt thòi cho dân.

Chợ Mới có đê bao chống lũ nên sản xuất được vụ 3, cần tận dụng sản xuất lúa giống độc quyền cung cấp cho ĐBSCL. Không nên làm một giống quá 15% trên một cánh đồng. Phải đa dạng hóa giống lúa theo khuyến cáo, lỡ rầy nâu tấn công “rượm nụ” giống này còn giống khác trụ được… Các chủ tịch xã phải dựa vào các HTX nông nghiệp mà xuống giống lúa đồng loạt né rầy nâu. Dù chỉ có 19 HTX nông nghiệp, nhưng các HTX nông nghiệp làm dịch vụ bơm tưới ở Chợ Mới đã kiểm soát hơn 5.200ha đất, chiếm gần 1/3 diện tích sản xuất lúa, góp phần rất lớn trong việc thực hiện xuống giống, áp dụng khoa học kỹ thuật ở Chợ Mới.

Có thể nói, dịch rầy nâu là bài học đáng nhớ của nông dân Chợ Mới: cách đây 2 năm, gần 5.000 ha đất không xuống giống vụ 3 vì bệnh rầy nâu, vàng lùn – lùn xoắn lá hoành hành. Giờ đây, từ nông dân đến cán bộ Chợ Mới ý thức, tuân thủ lịch xuống giống lúa là phương cách né rầy hữu hiệu và đảm bảo cho sản xuất lúa vụ 3.

Giải bài toán “đất hẹp - người đông”

Nông dân Chợ Mới - An Giang thu hoạch cây màu.

Lão nông Nguyễn Minh Hùng (Ba Hùng) ở ấp Hòa Trung là tay trồng rau nổi tiếng ở xã Kiến An. Ba Hùng vừa bán 4 công cải, thu được gần 6 triệu đồng, trong đó lời hơn phân nửa. Giá cải gần đây hơi thấp, nên lợi nhuận không bằng năm ngoái. Năm rồi, sản xuất 4 vụ, Ba Hùng đạt doanh thu gần 40 triệu đồng, tính ra trồng màu lời gấp hai lần làm lúa. Đó là thời điểm cả xã chuyển sang trồng màu.

Còn theo tính toán của anh Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến An, trồng lúa một năm có thể đạt doanh thu 60 triệu đồng/ha, trong khi trồng màu đến 90 triệu đồng/ha. Vì vậy, mà nông dân Kiến An chọn cây màu là chủ lực sau cây lúa, với 629ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến An, Nguyễn Văn Minh phân tích: “Kiến An đất hẹp người đông, áp lực giải quyết việc làm rất cao. Chỉ có bao đê triệt để mới giải quyết được việc làm. Toàn xã, có hơn 1.500ha đất nông nghiệp với 6.894 hộ, trong đó 3.715 hộ có đất sản xuất thuần nông, số còn lại không có đất làm các ngành khác. Không có gì khó hiểu, khi nông dân lựa chọn cách làm cực nhọc: trồng màu 4-5 vụ/năm. Như thế mới có việc làm và thu nhập quanh năm.

Kiến An cũng là 1 trong 5 xã của Chợ Mới thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Đây cũng là một hướng đi mới của nông dân Chợ Mới nhằm khuếch trương thương hiệu “rau dưa củ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Hiện tại, mỗi ngày Chợ Mới cung cấp khoảng 10 tấn rau cho ĐBSCL và xuất sang cả Campuchia. Những ngày cuối tháng 4-2008, anh Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã chạy ngược, chạy xuôi để dẫn nhiều đoàn tham quan tận Bình Dương đổ về Kiến An xem mô hình trồng màu…

Không ít cư dân lành nghề nông Chợ Mới đổ xô sang Đồng Tháp và một số huyện khác của An Giang, thậm chí sang Campuchia thuê đất làm nông nghiệp. Chợ Mới có diện tích tự nhiên 35.571ha, với 16 xã, 2 thị trấn, 138 ấp. Trong khi đó, phải “gánh” 75.575 hộ với 359.576 người. Nếu tính trên diện tích đất tự nhiên, bình quân 1 hộ dân chưa có đến 0,5ha đất; diện tích đất sản xuất 22.133 ha, chỉ khoảng 0,3 ha/hộ.

Chuyện bao đê triệt để chống lũ, tạo ra quỹ đất sản xuất trong mùa lũ, giải quyết việc làm cho người dân là một quyết định đúng đắn. Và gần 300km đê bao cũng là các tuyến đường huyết mạch được xây dựng để tạo nên một thành trì ở cù lao Chợ Mới nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Từ đó, diện tích đất nông nghiệp trồng lúa, màu đã nhảy lên 74.689 ha/năm nhờ tăng vòng quay sản xuất liên tục trong năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2007 của Chợ Mới đạt gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có gần 1/3 giá trị (hơn 600 tỷ đồng) có được nhờ đê bao chống lũ, dân sản xuất được vụ 3. Nếu tính hơn 10 năm làm đê bao chống lũ, Chợ Mới đã tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, tăng thêm giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 5.000 tỷ đồng! Một con số ấn tượng của cả vùng ĐBSCL.

Tìm hướng mở cho vùng khép kín

Trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn giỏi, sáng tạo, làm giàu. Đáng chú ý là những mô hình: xây dựng các cụm tuyến dân cư sống chung với lũ, trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái, nuôi tôm sú, nuôi cá tra, cá ba sa… đã nâng dần cuộc sống của đại đa số nông dân lên mức khá giả.

Để có những thành tựu như hôm nay, huyện Chợ Mới đã có những bước đi đúng đắn. Cách đây 2 năm, Huyện ủy Chợ Mới ra Nghị quyết số 07-NQ/HU về đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp – nông thôn giai đoạn 2006-2010.

Theo đó, Huyện ủy Chợ Mới xác định, phát triển nhanh nông nghiệp – nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật. Phát triển nông nghiệp theo hướng “lấy kinh tế lương thực” làm nền tảng và kinh tế vườn, chăn nuôi, thủy sản làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, giảm diện tích lúa, tăng màu, cây ăn trái. Đến năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.653 tỷ đồng, tăng 19,15% so với năm 2006 và tốc độ tăng bình quân 4,5%, trong đó, nông nghiệp chiếm 89%. Cụ thể trong năm 2008, Huyện ủy Chợ Mới xác định: đẩy mạnh chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt 75% diện tích sản xuất lúa; xã hội hóa sản xuất giống để đạt 1.300ha lúa giống; phát triển nhanh vùng rau an toàn gắn với thị trường, ưu tiên chọn HTX để làm điển hình.

Đồng thời, thực hiện tốt giao thông thủy lợi nội đồng, trang bằng mặt ruộng, tạo điều kiện tốt đưa khoa học, công nghệ và cơ giới vào đồng ruộng… Nói là làm, Chợ Mới là một trong những huyện đầu tiên của An Giang áp dụng trang bằng mặt ruộng bằng tia lazer; đưa nhiều trạm bơm tưới sử dụng điện thay thế cho dầu.

Dân Chợ Mới bảo, “típ” lãnh đạo huyện Chợ Mới là mẫu người sát với đồng ruộng – ông Nguyễn Danh Trung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới là một trong số đó. Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của Chợ Mới thống kê là 1,3%, con số đáng nghi ngờ! Vậy mà năm 2005, qua tổng điều tra hộ nghèo theo tiêu chí mới, đáng lý tỷ lệ hộ nghèo phải tăng lên, nhưng “cấp dưới” báo vẫn con số xấp xỉ như cũ!? Cảm nhận số liệu chưa phản ánh đúng thực trạng, Chủ tịch Trung cùng một số lãnh đạo “vi hành” và chấp nhận tỷ lệ hộ nghèo của huyện 12%-15%. Đây là chuyện hiếm có.

Ở thời điểm đó, có người đặt câu hỏi: “Từ 1% tăng lên hơn 10%, ông có bị sốc?”. Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, Nguyễn Danh Trung thẳng thắn trả lời: “Chúng tôi mừng là đằng khác, bởi dám nhìn thẳng và chấp nhận sự thật. Con số đó, giúp chúng tôi hình dung đúng hoàn cảnh, mức sống, khả năng thu nhập của người dân. Đồng thời, nhận ra những điều mình chưa làm được”.


sggp

Tin khác