Nông nghiệp, nông thôn, nông dân ĐBSCL - nâng tầm để phát triển - Bài 2: Chuyện “tam nông” ở ven đô

28/09/2009

Hiện các vùng ngoại ô TP Cần Thơ xuất hiện nhiều mô hình làm ăn giỏi như: trồng rau sạch, trồng hoa, làm nấm, nuôi bò sữa… Tuy nhiên, nhiều dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư đã làm một bộ phận không nhỏ nông dân mất đất, đời sống khó khăn.

Khởi sắc nông nghiệp đô thị

Trồng rau màu ở vùng ven TP Cần Thơ cho thu nhập 50 triệu đồng mỗi hécta.

“Xôn xao” nhất là sự kiện Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Long Tuyền mỗi ngày đưa rau sạch vào các siêu thị lớn như Metro, Co.opMart, Vinatex. Nhờ “rau sạch”, Chủ nhiệm Triệu Công Đính trở thành đảng viên, anh nói: “Một công đất trồng rau màu trừ chi phí còn lời 1,5 - 2 triệu đồng/vụ (3 tháng), một năm có thể thu lợi hơn 50 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần trồng lúa”.

Thử nghiệm thành công, tháng 7-2005, HTX được thành lập, đến nay đã có 21 xã viên, với diện tích 11,2 ha. Đây cũng là nơi sinh viên Khoa Nông nghiệp – Trường ĐH Cần Thơ đến học tập, nghiên cứu nhiều giống rau, màu để thực hiện các đề tài khoa học.

Là phường ven đô, nằm trên tuyến lộ Vòng cung phía Nam TP, Long Tuyền vẫn có tỷ lệ cơ cấu nông nghiệp 90%, nông dân chiếm hơn 60% dân số. Sự tăng trưởng nông nghiệp mang tính quyết định trong tổng thu nhập của địa bàn. “Chất xám” đã xuất hiện trong mô hình mới: dùng màng phủ nông nghiệp, nhà lưới, mô hình ứng dụng tổng hợp.

Không khí đồng quê khác hẳn thời kỳ trước, nhộn nhịp, sôi động với hàng ngàn lao động tại chỗ trong mùa thu hoạch. Tốc độ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trong khu vực theo hướng mới, hiệu quả, từ 0,6 ha (năm 2004) lên 3,3 ha (năm 2005), 8,4 ha (năm 2006) và lên 50 ha (năm 2007). Đây là một mô hình có sự phối hợp giữa “4 nhà” hình thành tuyến vành đai xanh (Phong Điền, Bình Thủy…) chuyên cung cấp thực phẩm cho TP.

Đất ven đô ngày một nở hoa nhờ sự năng động của nông dân. Phường Long Hòa trước năm 2003 diện tích trồng lúa còn trên 70%, nhờ chuyển dịch thành công đã giảm dưới 50% qua việc xen canh trồng màu, vườn cây ăn trái. HTX bò sữa Long Hòa (phường có 60% dân số là nông dân) khởi đầu từ 5 con, rồi lên 20 con, đến nay đàn bò đã có 192 con, trong đó có 55 con đã vắt được sữa. “Nếu không nuôi bò, chắc chết” - ông Võ Thanh Cần, Chủ nhiệm HTX, người từng trồng 10 công cây ăn trái, nay lấy bò làm nguồn thu nhập chính khẳng định.

Hiện nay 6/15 con bò sữa của ông đến thời kỳ vắt sữa (chu kỳ 8 - 9 tháng) cho 55 - 60 lít/ngày với giá 7.200 đồng/lít (trung bình 15 lít/ngày/con). HTX dịch vụ cho xã viên con giống (chuyển con giống cùng 1 triệu đồng làm chuồng cho hộ mới), liên kết với Nhà máy sữa Vinamilk để tiêu thụ…Vì thế, đã hình thành phong trào nuôi bò sữa ven đô.

Những mô hình đó phù hợp với đặc điểm vùng ven. Sắp tới, tại đây sẽ hình thành những tuyến đê bao khép kín, tiếp tục nhân rộng mô hình trồng màu (Long Hòa 35 ha, Thới An Đông 120 ha…), trồng lúa chất lượng cao, vườn cây đặc sản, thúc đẩy nghề truyền thống hoa, cây cảnh…

Điểm”nóng” ven đô

Người dân vùng ven TP Cần Thơ đang mất dần đất nông nghiệp trước cơn lốc đô thị hóa. Ảnh: PHƯỚC LỢI

“Chuyện “nóng” nhất ở cơ sở chính là những việc liên quan đến đất đai, đền bù cho các hộ dân nằm trong quy hoạch” - ông Trần Văn Nhi, Phó ban Dân vận Quận ủy Bình Thủy cho biết. Trong nhiều năm qua, dáng vóc Cần Thơ đã thay đổi nhiều nhờ đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ bản, công nghiệp, các dự án bệnh viện, khu dân cư, siêu thị… Nhiều diện tích đất nông nghiệp, trong đó có những vùng “bờ xôi, ruộng mật” nằm trong khu quy hoạch, dự án.

Quận Bình Thủy còn 21 quy hoạch, “2/3 diện tích đó là đất nông nghiệp vùng ven, đền bù thấp so với đô thị…” - một cán bộ quản lý đất đai quận cho biết. Phường Long Tuyền có trên 250 ha được phê duyệt cho các trường đại học - cao đẳng. Phường Long Hòa có hơn 1.214 ha đất nông nghiệp nhưng đến nay vẫn còn 6 khu quy hoạch, với diện tích trên 400 ha. Riêng Công ty TNHH Hồng Lam (1/7 dự án, quận đề nghị xóa) có đến hai khu quy hoạch 1/500 rộng hơn 175 ha làm sân golf, đua ngựa, thể thao dưới nước… là vùng đất chuyên canh cam quýt. Các phường Hưng Phú, Phú An, Tân Phú Thạnh…của quận Cái Răng, phía Nam Cần Thơ được vun bồi bởi phù sa sông Hậu, từng là những cánh đồng, vườn cây xanh mút mắt. Một số làng nghề hoa kiểng gần trăm năm ở An Bình, mô hình nông nghiệp tiên tiến Hưng Thạnh… đã mất đi hoặc thu hẹp do đô thị hóa.

Khi Cần Thơ trở thành TP trực thuộc Trung ương (năm 2004) đã kéo theo nhiều dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, công nghiệp khởi động. Riêng khu quy hoạch Nam sông Cần Thơ gần 1.800ha (chủ yếu đất nông nghiệp), tương ứng với trên 5.600 hộ nông dân mất đất, phải chuyển đổi nghề.

“Chính quyền không chỉ “căng mình” với các thủ tục chuyển nhượng, xử lý tranh chấp đất đai ngày càng nhiều mà còn bị sức ép giải quyết việc làm, môi trường, chỗ ở mới”, bà Lê Minh Xuyến, Chủ tịch UBND phường Long Hòa bức xúc nói. Áp lực này làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, thu nhập hụt hẫng, tăng khả năng phân hóa xã hội, vùng miền, tăng tỷ lệ cận nghèo và “nghèo xách nóp” (200.000 đồng/người/tháng).

Sự gắn kết làng xóm, cộng đồng khi xưa, nay lỏng lẻo hơn; lớp trẻ (một bộ phận) tiêm nhiễm, bị “cạm bẫy” thị thành. Nhiều nông dân trung lưu sau mấy năm ôm tiền đền bù giải tỏa, nay trở thành “thị dân nghèo” vì mất đi tư liệu sản xuất truyền thống; trình độ tay nghề, tri thức, kỹ năng tiếp cận, kiến thức giao tiếp, ứng xử nơi thị thành… chưa thể chuyển đổi, nắm bắt kịp nhịp sống đô thị.

Ông Lý Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Thủy nhấn mạnh: “Tại những vùng quy hoạch, dự án, diện tích đất nông nghiệp teo tóp, hệ thống tưới tiêu tự nhiên, sinh thái nông nghiệp bị phá vỡ. Những phần đất còn lại cũng không sản xuất được, người dân không dám đầu tư sản xuất, lớp trẻ bỏ đi tứ xứ kiếm việc làm, ruộng vườn sản xuất ngưng trệ…”.

“Đau” nhất là quy hoạch, dự án “treo”, việc chậm triển khai hoặc “treo” sau nhiều năm trên giấy nay mới xóa bỏ (Cần Thơ đã xóa hàng chục trường hợp, tập trung ở quận Ninh Kiều và hai quận vùng ven Bình Thủy, Cái Răng) liên quan đến hàng ngàn hécta, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân. Việc tìm kiếm lao động tại chỗ ngày càng khó khăn bởi sự “ly hương” tăng vọt đột ngột. Từ năm 2004, khi chuyển lên TP, sản lượng nông nghiệp, năng suất, vật nuôi, cây trồng tại phường “xuống luôn”... bà Xuyến nói.

Chuyện không chỉ của ông chủ nhiệm

Sản xuất nông nghiệp Cần Thơ đã chuyển dần theo hướng chuyên canh chất lượng cao, cung cấp phần lớn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, đã bước vào thế kỷ 21, gia nhập WTO, nhiều nơi nông dân vẫn (chủ yếu) tự sản tự tiêu, thiếu liên kết. “Cây gì, con gì”, “bán cho ai”, “liên kết, chuyển đổi ra sao” vẫn là câu hỏi thường trực của nông dân. “Chỉ cần dành 200 m2/hộ để chuyển sang trồng các loại màu khác thì khả năng cung cấp, đa dạng chủng loại cho thị trường tăng đáng kể nhưng vận động rất khó, ngay trong HTX”.

Chính quyền đã khuyên mỗi hộ nên dành 20% đất màu cho các loại cây có lá khác nhưng do dưa hấu lời quá cao (3.600 – 4.000 đồng/kg tại chân ruộng, gần gấp đôi cùng thời điểm năm ngoái); dân vẫn “hùng hục” lao vào; dưa hấu vẫn chiếm trên 90% đất màu.

Ông Đính đã phải “chào thua” trước yêu cầu cung cấp rau “mỗi ngày mỗi có” từ các bếp ăn của Công ty Cafatex (1.700 suất ăn/ngày), Trường ĐH Cần Thơ (1.300 suất ăn/ngày)… Thương hiệu cho đặc sản vùng ven (dâu Hạ Châu, cam quýt...) chưa đủ sức vươn ra thị trường lớn. Các mô hình tiên tiến chưa có sức lan tỏa cao trong khi nông sản ngoại nhập có chất lượng cao, giá thành hạ cạnh tranh trong mỗi ngôi chợ vùng ven.

Các cấp chính quyền Cần Thơ đã nỗ lực để “xóa đói giảm nghèo”, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ở một xã bên kia sông, ven lộ Vòng cung có hai vợ chồng “nông dân rặt” không đất sản xuất nuôi hai con trai học đại học. Để nuôi con, ngoài Ngân hàng chính sách hỗ trợ, Hội Phụ nữ giúp vay lãi suất thấp, họ phải vay thêm bên ngoài; ngày ngày vợ đi làm thuê, chồng mò cua bắt cá trả lãi tháng.

Ông Tư K., trên 60 tuổi có hơn 7 công vườn cho biết, lợi tức mỗi năm khoảng 30 - 40 triệu đồng. Nếu chia bình quân cho 6 nhân khẩu (4 lao động chính) trong gia đình ông; mỗi người được gần 7 triệu đồng/năm, trên 500.000 đồng/tháng. Số hộ có thu nhập như vậy “chỉ đếm trên đầu ngón tay” trong khu vực, khoảng 400 hộ này. Nhà nước đã miễn trừ hầu hết các lệ phí liên quan đến nông nghiệp, nhưng mỗi tháng, tiết kiệm lắm hộ ông cũng phải chi ra khoảng 3 triệu đồng cho “con cháu học hành, bệnh tật ốm đau, tang gia hiếu hỉ… chiếm phần lớn, nói chi đến tích lũy đầu tư”.

Ông là nông dân sản xuất giỏi cấp TP nhiều năm liền. Những hộ “không giỏi” (đa số) thì sao? Tuy nhiên, mức thu nhập của ông so với người… đi làm việc lại là chuyện nhỏ, lương tạp vụ cho khu công nghiệp bên kia sông đã gần 1 triệu đồng/tháng; vô cơ quan, lương khởi điểm cũng khoảng 900.000 đồng/tháng. Lạm phát tăng, thu nhập xuống khiến khả năng tiếp cận các dịch vụ công (giáo dục, y tế…) trở nên khó khăn. Bệnh tật, học phí… là nỗi ám ảnh của mỗi nông hộ. “Mấy ai lặn lội ruộng đồng/Mấy ai hiểu được nỗi lòng nông dân”, ông Tư K. đọc hai câu thơ mộc mạc.

Ông Đính cho biết, mỗi hộ nông dân trong khu vực trung bình có 5 - 7 công đất, cho thấy quy mô sản xuất tại đây còn nhỏ, phân tán của kinh tế nông hộ. Những nông dân làm ăn hiệu quả, muốn tăng diện tích lại thiếu vốn, trong khi có hộ “càng làm càng lún”. Một nền sản xuất hàng hóa lớn nhất thiết phải được tập trung và tích tụ ruộng đất phù hợp. Tự bản thân nông dân không thể tích tụ ruộng đất. Phải có người đứng ra thuê đất và thuê lại một bộ phận nông dân làm theo công nghệ mới, cho thu nhập thực tế cao hơn ngay trên những mảnh đất đó.

Kinh tế hợp tác là chìa khóa thúc đẩy ứng dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị; phát triển chăn nuôi, ngành nghề phi nông nghiệp (dịch vụ, nghề truyền thống…), “ly nông bất ly hương”. Nếu vùng ven được hỗ trợ trực tiếp, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng (giao thông, liên lạc, bảo quản, chế biến sau thu hoạch…) sẽ giúp tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp; kết nối khu vực nông thôn với thị trường sẽ rộng lớn hơn.


sggp

Tin khác