Theo dự kiến, công tác theo dõi và đánh giá Kế hoạch phát triển kinh kế xã hội bao gồm 3 điểm chính: (i) theo dõi và đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, (ii) tiến bộ đạt được trong việc huy động nguồn lực và thực hiện, (iii) đánh giá tác động của chính sách và chương trình đối với giảm nghèo; và tác động về mặt kinh tế - xã hội của các chương trình đối với người nghèo.
Dựa trên các phân tích và đánh giá của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các viện nghiên cứu và các tỉnh sẽ chuẩn bị và giới thiệu rộng rãi các báo cáo chuyên đề và tóm tắt về việc thực hiện kế hoạch 5 năm trong phạm vi ngành hoặc tỉnh. Việc theo dõi các mục tiêu của Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt sẽ phải phù hợp với và hỗ trợ các hoạt động ở các tỉnh hợp tác. Tuy nhiên, việc theo dõi sẽ cần được bổ sung bằng các số liệu khảo sát đầu kỳ cũng như bằng các hoạt động theo dõi trực tiếp hướng tới việc giảm nghèo hay đo lường được tác động của giảm nghèo trong các xã mục tiêu của hợp phần tỉnh.
Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch phối hợp với Chương trình hỗ trợ kinh doanh triển khai hệ thống chỉ số đầu kỳ cho các tỉnh mục tiêu của Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua điều tra bổ sung về hộ gia đình vào năm 2006.
Hệ thống theo dõi đánh giá sẽ được xây dựng trong giai đoạn khởi động của chương trình và sẽ bao gồm việc đánh giá nhu cầu về cán bộ theo dõi đánh giá ở cả hai Hợp phần Trung ương và cấp tỉnh.
Hợp phần trung ương
Hệ thống theo dõi của hợp phần sẽ là một tiểu phần trong hệ thống theo dõi của Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như mô tả trong Văn kiện Chương trình. Các chỉ tiêu theo dõi mang tính định hướng cho hợp phần sẽ được xác định trước giai đoạn khởi động hợp phần.
Một trong các đầu ra của hợp phần Trung ương còn giúp điều phối để hình thành mạng lưới trạm quan sát nông hộ đại diện phục vụ quan sát định tính và báo cáo về canh tác miền núi. Mạng lưới này sẽ được thí điểm triển khai với sự cộng tác của 5 tỉnh của Chương trình. Nếu thành công, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ phát triển hệ thống này trở thành mạng lưới theo dõi chung .
Hợp phần trung ương sẽ chuẩn bị báo cáo khởi động trong vòng 3 tháng và sau đó báo cáo tiến độ theo định kỳ nửa năm cùng với báo cáo hàng năm; dự thảo báo cáo cuối cùng sẽ được lập trong vòng 6 tháng trước khi hoàn tất. Hợp phần sẽ nộp báo cáo tài chính theo quý lên Ban chỉ đạo chương trình.
Hợp phần tỉnh
Ban chỉ đạo chương trình của Tỉnh sẽ chịu trách nhiệm chung nhằm đảm bảo theo dõi được tất cả các hoạt động .
Công tác theo dõi sẽ được gắn vào hệ thống theo dõi chung hiện có của các cấp thôn bản, xã, huyện và tỉnh.
Hiện tại, các cấp hành chính khác nhau thường xuyên thu thập một số lượng lớn các dữ liệu để phục vụ cho công tác theo dõi cho các cơ quan ban ngành. Những dữ liệu này sẽ được xem xét để đưa vào hệ thống theo dõi của Chương trình. Tuy nhiên, hệ thống theo dõi hiện thời chủ yếu tập trung theo dõi số lượng các hoạt động đã hoàn thành mà ít có thông tin về chất lượng và tác động. Trong các hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ cần thiết lập hệ thống theo dõi chất lượng (ví dụ trong trường hợp đào tạo có thể có thêm hình thức kiểm tra học viên, báo cáo đánh giá kết quả của học viên .v.v..) - cấp huyện là đơn vị tổng hợp các kết quả theo dõi. Cán bộ huyện cần thực hiện bổ sung những đánh giá nhỏ và độc lập để hỗ trợ cho hệ thống theo dõi này.
Chương trình sẽ triển khai một hệ thống theo dõi tác động theo định kỳ, chủ yếu là theo dõi tác động của các hoạt động chính. Để hỗ trợ việc theo dõi tác động, cần chọn một nhóm cố định đại diện khoảng 2-3% tổng số hộ gia đình tham gia vào chương trình và sử dụng nhóm này làm nguồn thông tin chính. Các hộ này cũng sẽ là một thành viên trong mạng lưới quan sát nông hộ giúp quan sát định tính và báo cáo về canh tác miền núi. Hàng năm, tiến hành thu thập dữ liệu từ cùng một nhóm hộ này để theo dõi sự phát triển thực sự của tình hình kinh tế xã hội của nhóm; thông qua đó xác định được những tác động do các hoạt động của Chương trình mang lại. Dữ liệu điều tra phải được kết nối chặt chẽ với các chỉ số đã được xác định cho chương trình và bao gồm các thông tin về dân số, sản xuất và thu nhập, tiếp cận các nguồn lực .v.v..
Một số thông tin cần thu thập có thể đã có sẵn trong các điều tra thường xuyên của địa phương và của quốc gia như Điều tra dân số toàn quốc và có thể tham khảo để sử dụng. Sau khi đã được xây dựng và thử nghiệm, cần gắn kết hệ thống theo dõi tác động này vào hệ thống theo dõi thường xuyên của tỉnh.
Có thể cần thu thập và tổng hợp một số dữ liệu bổ sung hiện chưa được thu thập một cách có hệ thống như dữ liệu thôn bản, dữ liệu về các nhóm nông dân sở thích hay các lớp học đầu bờ của nông dân. Tuy nhiên, điều quan trọng là các chỉ số bổ sung này cũng dần phải được đưa vào hệ thống theo dõi chung.
Một nguyên tắc là các nhóm dân thôn bản, Nhóm nông dân sở thích và các lớp học đầu bờ của nông dân phải định kỳ đánh giá hoạt động đào tạo và cấp Huyện phải tổng hợp kết quả của những đánh giá này để sử dụng khi tiếp tục ký hợp đồng mới với đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Nằm trong quy trình lập kế hoạch định kỳ hàng năm, tại từng cấp hành chính thích hợp sẽ tổ chức họp sơ kết và đánh giá các hoạt động. Kết quả đánh giá sẽ hỗ trợ công tác lập kế hoạch cho các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.
Chương trình cũng cần xây dựng một hệ thống riêng về báo cáo và đánh giá các hoạt động của các tiểu giảng viên là nông dân - hàng năm tiến hành thống kê về các tiểu giảng viên nông dân, năng lực cũng như cấp độ hoạt động của họ. Hệ thống này có thể do Ban điều phối của Huyện khởi xướng nhưng tốt nhất sẽ phải do Trạm khuyến nông huyện theo dõi
Các chỉ số
Cho tới nay các chỉ số mới chỉ dừng lại ở mức độ xác định khái niệm mang tính định hướng. Trong giai đoạn tiền khởi động cần chi tiết hơn nữa các chỉ số để phản ánh sự thay đổi về định lượng (nếu có), cũng như khả năng kiểm định độ chính xác của các chỉ số. Kết quả của việc phân tích trong một số trường hợp có thể dẫn đến phải thay đổi chỉ số hoặc bổ sung thêm các hoạt động cụ thể để có thể kiểm định được cả hệ thống theo dõi khi đã được chính thức vận hành.
Khảo sát chung về hiện trạng đầu kỳ sẽ được thực hiện vào năm 2006 và các phát hiện sẽ được tập hợp trước khi bắt đầu chương trình. Các chỉ số chung được dựa trên Kế hoạch 5 năm về phát triển nông nghiệp của Chính phủ Việt Nam.
Chỉ số tổng thể của Hợp phần tỉnh bao gồm những chỉ số thể hiện mức độ hoàn thành mục tiêu phát triển của hợp phần tỉnh, nhấn mạnh đến giảm nghèo và cải thiện mức sống. Chỉ số tổng thể của Hợp phần trung ương là các đầu vào cho công tác hoạch định chính sách.
Chỉ số chung:
- Từ 2002 đến 2012, giảm 50% tỷ lệ nghèo ở các huyện của hợp phần theo chuẩn nghèo mới.
- Từ 2002 đến 2012, giảm 50% số trẻ em dưới 5 tuổi chậm phát triển.
Các chỉ số chính của các tiểu hợp phần trung ương là:
Tiểu hợp phần 1: Xây dựng chính sách và chiến lược
- Mỗi năm, xây dựng và triển khai ít nhất một chính sách hoặc chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển nông thôn hoặc hỗ trợ khuyến nông cho nông dân miền núi đặc biệt là nông dân dân tộc thiểu số và phụ nữ.
Tiểu hợp phần 2: Các mô hình và phương pháp tiếp cận mới ở miền núi
- Xây dựng và áp dụng nhiều phương pháp tiếp cận mới cho sinh kế miền núi ở các tỉnh.
Các chỉ số chính của các tiểu hợp phần tỉnh là:
Tiểu hợp phần 1: Khuyến nông theo nhu cầu, Thông tin và Đào tạo cho nông dân
- Cải thiện an ninh lương thực; đạt mức thu nhập cao hơn và ổn định cho ít nhất 70.000 hộ nghèo miền núi ở các huyện mục tiêu của 5 tỉnh thuộc Chương trình.
Tiểu hợp phần 2: Sản xuất, bảo quản, chế biến và marketing
- Tăng 30% thu nhập của ít nhất 5.000 hộ nghèo miền núi có được từ các sản phẩm nông nghiệp truyền thống và các sản phẩm mới.
Tiểu hợp phần 3: Lập kế hoạch địa phương và xây dựng năng lực
- Hàng năm, thực hiện lập kế hoạch dựa trên nhu cầu và gắn kết vào hệ thống theo dõi và lập kế hoạch chung cho 14 huyện, 151 xã và 920 thôn bản ở các tỉnh thuộc hợp phần
Tiểu hợp phần 4: Hỗ trợ giao đất giao rừng (ở Cao Nguyên Trung bộ)
- Tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, ít nhất 10.000 ha đất lâm nghiệp miền núi đã được giao cho các hộhoặc các xã nông nghiệp đồng thời được quản lý một cách an toàn theo đúng quy định của pháp luật .
Báo cáo
Báo cáo chương trình được thực hiện theo qui định tại Nghị Định 131 và gửi bản báo cáo cho Đại sứ quán.
Hợp phần trung ương, báo cáo khởi động sẽ được chuẩn bị trong vòng ba tháng đầu và sau đó, theo định kỳ nửa năm, lập báo cáo tiến độ cũng như báo cáo hàng năm; dự thảo báo cáo cuối cùng sẽ được lập trong vòng sáu tháng trước khi hoàn tất. Hợp phần sẽ nộp báo cáo tài chính theo quý lên Ban chỉ đạo chương trình.
Yêu cầu tương tự cũng sẽ được áp dụng cho Hợp phần cấp tỉnh.
Báo cáo tổng hợp sáu tháng và báo cáo năm của chương trình sẽ được Ban điều phối Hợp phần Trung ương tổng hợp từ các báo cáo của IPSARD, Vụ KHCN và từ các tỉnh. Các báo cáo này sẽ gồm báo cáo tài chính và báo cáo vắn tắt tình hình triển khai sử dụng hệ thống theo dõi đã hình thành.
Sơ kết
Chương trình sẽ tiến hành đánh giá hai năm một, và nếu cần sẽ có các đánh giá kỹ thuật để chuẩn bị cho các báo cáo đánh giá. Đại sứ quán Đan Mạch sẽ tổ chức các đợt đánh giá, còn các đánh giá kỹ thuật sẽ do Bộ phận thư ký cấp trung ương và các Ban quản lý của các tỉnh phối hợp với Đại sứ quán chuẩn bị và triển khai. Các đợt đánh giá, kể cả về kỹ thuật, thường sẽ được tiến hành kết hợp một số tỉnh.
Vào nửa đầu năm 2010, sẽ tiến hành một đợt đánh giá giữa kỳ toàn diện.