Lâm nghiệp Lào Cai chuyển dịch cơ cấu, hướng tới phát triển ổn định bền vững.

02/08/2008

Lâm nghiệp Lào Cai đã chuyển từ lâm nghiệp khai thác rừng tự nhiên sang trồng rừng và khai thác rừng trồng, vườn rừng. Tích cực khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Sản phẩm lâm nghiệp đã định hướng sang sản xuất xuất khẩu và tận thu lâm sản ngoài gỗ. Tiềm năng lâm nghiệp Lào Cai rất sáng sủa và sẽ chiếm vị cao trong nền kinh tế trong thời gian tới.

Ngành lâm nghiệp, nhìn lại từ những năm 60 - 70 “ta đi khai phá rừng xanh” là thời kỳ khai thác rừng một cách ồ ạt thể hiện ở việc luôn luôn thực hiện vượt kế hoạch khai thác của các lâm trường Quốc doanh. Hình ảnh của lâm trường khai thác thời đó được coi là hình ảnh của “công nghiệp hoá, hiện đại hoá... !”. Qua vài chục năm, diện tích rừng bị thu hẹp quá nhiều, môi trường xấu đi, thời tiết khắc nghiệt hơn, lũ ống, lũ quét, sạt đất lở núi chết người nhiều hơn... Từ cuối những năm 80 đến nay Chính phủ đã bằng nhiều biện pháp để giảm khai thác rừng tự nhiên, khuyến khích trồng rừng và sử dụng gỗ rừng trồng, thực hiện các chương trình đầu tư cho trồng rừng, bảo vệ, khoanh nuôi rừng...

Năm 2007 - Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên WTO, hàng hoá của Việt Nam sẽ tham gia vào sân chơi chung và chịu sự chi phối theo luật chơi chung của thế giới. Sản phẩm lâm sản Việt Nam - và đặc biệt hàng hoá của các đơn vị lâm nghiệp miền Bắc khi xuất khẩu thường thiếu chứng chỉ rừng FSC (Forest Stewardship Council) nên hoặc không bán được hàng hoặc bị giảm giá và bán với thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy vậy, với sự cố gắng vươn lên, từ một nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu là chủ yếu, Việt Nam đã vươn lên thành một nước xuất khẩu sản phẩm gỗ có tên tuổi trong khu vực; Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng đều: năm 2000 mới đạt 320 triệu USD, đến 2004 đã vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD, và năm 2006 đạt 1,9 tỷ USD.

Ở Lào Cai, khi tái lập tỉnh năm 1991, độ che phủ rừng chỉ là 20% và có đến 8 lâm trường quốc doanh (mỗi huyện có 1 lâm trường) mà chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ khai thác. Sau khi các biện pháp hạn chế khai thác rừng tự nhiên được xiết chặt, kết quả kinh doanh của các lâm trường bị giảm sút mạnh do không được “bóc màu từ thiên nhiên” đã phải giải thể. Đến nay chỉ còn 3 doanh nghiệp lâm nghiệp là Lâm trường Bảo Yên, Lâm trường Văn Bàn và Công ty cổ phần lâm nghiệp Bảo Thắng còn “trụ lại được” với cơ chế thị trường, là những đơn vị thực sự biết chuyển đổi, biết đầu tư trong lĩnh vực này.

Thực hiện nghị quyết 13/NQ-TU khoá 12 của Tỉnh uỷ Lào Cai về phát triển lâm nghiệp, về cơ bản cơ cấu ngành lâm nghiệp đã được chuyển dịch tích cực, đó là: chuyển từ lâm nghiệp khai thác rừng tự nhiên sang trồng rừng và khai thác rừng trồng, vườn rừng. Tích cực khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Sản phẩm lâm nghiệp đã định hướng sang sản xuất xuất khẩu và tận thu lâm sản ngoài gỗ. Công tác xã hội hoá nghề rừng đã có một số thành công đáng phấn khởi, nông dân được giao đất, giao rừng đã chủ động có các biện pháp nâng cao chất lượng rừng và trồng rừng, nhờ vậy mà diện tích che phủ rừng của tỉnh năm 2006 đã đạt 46,8%. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành lâm nghiệp Lào Cai năm 2005 đạt 260 tỷ đồng giữ một vị trí rất khiêm tốn (10,8 %) trong tổng thu GDP toàn tỉnh, trong đó thu từ khai thác 230 tỷ, từ dịch vụ chế biến chỉ có 7 tỷ. Rõ ràng nguồn thu chính của lâm nghiệp Lào Cai vẫn là khai thác, nhưng thay vì trước đây khai thác rừng tự nhiên thì nay là khai thác rừng trồng, rừng tự nhiên được bảo vệ.

Các sản phẩm lâm nghiệp của Lào Cai, chủ yếu vẫn là các sản phẩm chưa qua chế biến hoặc sơ chế gồm: gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, các sản phẩm phụ thu hái từ rừng tự nhiên.... và chỉ có một số ít là các sản phẩm chế biến như giấy đế, đồ mộc cao cấp xuất khẩu nhưng chỉ bán hàng qua trung gian (không xuất khẩu trực tiếp).

Tuy nhiên, tiềm năng lâm nghiệp Lào Cai rất sáng sủa và sẽ chiếm vị cao trong nền kinh tế trong thời gian tới. Tại hội nghị “Nông nghiệp Lào Cai trước thềm hội nhập kinh tế thế giới” được tổ chức cuối tháng 10 năm 2006, các chuyên gia về WTO của Bộ Nông nghiệp PTNT đánh giá: “Lào Cai với 285.163 ha diện tích rừng, 134.304 ha đất trống, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông thôn như các chương tình 134, 135 đã và đang thực hiện có hiệu quả, giúp thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn miền núi. Với vị trí đắc địa - là cửa ngõ giao thông chính (đường bộ, đường sắt, đường sông) của cả một vùng miền Tây rộng lớn của Trung Quốc nối với biển Đông và các quốc gia Đông Nam Á là cơ sở để phát triển được một ngành lâm nghiệp hùng mạnh”... Về phát triển các cây trồng nông nghiệp, có chuyên gia cho rằng “hướng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ khó khăn hơn nhiều do địa hình bị chia cắt, diện tích đất giành cho cây nông nghiệp nhỏ lẻ rất khó tích tụ (khó dồn điền đổi thửa) nên lựa chọn theo hướng đặc sắc, đặc sản và đảm bảo an ninh lương thực, ví dụ như gạo đặc sản, hoa quả và hoa tươi, cây cảnh...”

Để phát triển lâm nghiệp tương xứng với tiềm năng, thế mạnh đó, Lào Cai cũng đã có kế hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, nội dung cơ bản là:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển từ lâm nghiệp khai thác rừng sang lâm nghiệp xã hội, bền vững, hiệu quả. Trọng tâm là bảo vệ khôi phục và phát triển tài nguyên rừng, đảm bảo khả năng phòng hộ môi trường, phòng hộ biên giới..., bảo vệ tính đa dạng sinh học của rừng.

- Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản vừa và nhỏ với thiết bị và công nghệ phù hợp, gắn với vùng nguyên liệu tập trung để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của người dân, từng bước xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư; nâng cao vai trò và hiệu quả to lớn của ngành lâm nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội.

- Một số sản phẩm chính giai đoạn 2006 - 2010 được xác định là: Sản phẩm giấy đế, bình quân 7.800 - 8.000 tấn/năm, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan; Chế biến lâm sản, ước tính 10.000 m3 gỗ xẻ các loại, 6.000 m3 đỗ gỗ dân dụng, thủ công mỹ nghệ: 2.500 m3 (t­ượng gỗ, chiếu hạt Pơ mu, đồ mộc cao cấp...) Ngoài ra hàng năm còn đ­ưa ra thị trư­ờng trên 200 tấn quế khô và trên 1.500 tấn thảo quả, hàng ngàn tấn măng t­ươi và khô làm nguyên liệu cho thực phẩm, dược liệu...

- Nguồn nguyên liệu: Hàng năm, toàn tỉnh khai thác: 4.000 - 5.000 m3 gỗ rừng tự nhiên (trong đó 50% là gỗ v­ườn rừng), 30.000- 40.000 m3 gỗ rừng trồng, 20.000 - 22.000 tấn nguyên liệu giấy; hàng triệu cây tre, vầu phục vụ nhu cầu của thị trư­ờng xây dựng, đồ gia dụng và một phần xuất khẩu gỗ rừng trồng sang thị tr­ường Vân Nam - Trung Quốc.

- Tăng cường công tác dự báo và thông tin thị trường lâm sản, giúp các doanh nghiệp chủ động tìm thị trường, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh...

- Xây dựng chính sách đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động tham gia nghề rừng đảm bảo thu nhập đáp ứng được đời sống của người lao động; tạo động lực thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia nghề lâm nghiệp...

- Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ che phủ của rừng toàn tỉnh đạt 49%; Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân từ 8-10%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 đơn vị canh tác tăng từ 12 triệu đồng/ha/năm lên 15 triệu đồng/ha/năm. Bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan thúc đẩy phát triển du lịch; góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, dân cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, kế hoạch cũng đề ra hệ thống các giải pháp thực hiện từ khâu giống, kỹ thuật, nhân lực, chính sách ưu đãi về vốn, các biện pháp quản lý, tổ chức chỉ đạo thực hiện...

Mặc dù lâm nghiệp Lào Cai đã phát triển theo hướng xã hội hoá nghề rừng và thu được những thành tựu rõ rệt, trong đó các doanh nghiệp lâm nghiệp ở Lào Cai đã và ngày càng đóng vai quan trọng hơn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp - các doanh nghiệp giữ vai trò định hướng sản xuất cho người làm rừng, đồng thời là cầu nối giữa nông dân và thị trường thông qua hoạt động thu mua gỗ và lâm sản, tổ chức sản xuất, chế biến các sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Để thực sự phát huy vai trò đầu tàu của mình, sẵn sàng hội nhập, các doanh nghiệp lâm nghiệp ngoài việc thực hiện đầu tư trồng rừng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tổ chức dịch vụ tốt với người dân thì việc cần thiết và nên làm càng sớm càng tốt là xây dựng thương hiệu và quan tâm đến chứng chỉ rừng FSC nhằm thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp Lào Cai dễ dàng lưu thông trên thị trường thế giới.


(Nguồn: laocai.gov.vn)

Tin khác