Tác giả: Nhiều tác giả / Chủ biên: Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn
Thời điểm xuất bản: Tháng 5/2008
Nhà xuất bản: NXB Tri thức
Số trang: 464
Giá bìa: 59.000 VND
>> Giới thiệu sách "Đổi mới ở Việt Nam: Nhớ lại và suy ngẫm" đăng trên Tuần Việt Nam
> Giới thiệu sách "Đổi mới ở Việt Nam: Nhớ lại và suy ngẫm" đăng trên Tuần Việt Nam '>>> Giới thiệu sách "Đổi mới ở Việt Nam: Nhở lại và sung ngầm" trên VTV1 "Mỗi ngày một cuốn sách"
Với tinh thần nghiêm túc trọng thị và thừa kế các kết quả tổng kết đã sẵn có, thái độ nhìn thẳng vào sự thật, và nhiệt huyết của những người luôn luôn trăn trở trước vận mệnh của đất nước, các tác giả đã cố gắng đưa ra lời giải đáp những câu hỏi lớn về đổi mới:
Ai, những lực lượng nào ở nước ta là tác giả của đổi mới, trong những điều kiện nào, đã chuẩn bị từ bao giờ, như thế nào, đã bắt đầu công cuộc đổi mới từ thời điểm nào, đã tiến hành và tiến triển ra sao, đã có những thành tựu và những sai sót gì, đang đứng trước những yêu cầu mới và những khả năng mới nào, cần những chính sách và biện pháp gì để thúc đẩy chặng đường sắp tới của đổi mới?
Cuốn sách này đã đặt công cuộc đổi mới trong một phạm vi thời gian và không gian rộng một cách thoả đáng, và đã xác định khá thấu đáo vai trò của các tác nhân.
Về thời gian, các tác giả cuốn sách đã nhìn lại mấy thập kỷ từ chiến tranh đến hoà bình, đặc biệt là mười mấy năm trước Đại hội VI của Đảng năm 1986, trong đó nổi bật là hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng khoá IV năm 1979.
Về không gian, các tác giả cuốn sách đã nhìn lại từ Việt Nam ra thế giới và từ thế giới vào Việt Nam. Trong nước ta, các tác giả đã nhìn tổng hợp toàn cảnh đổi mới, từ đó đi vào một số lĩnh vực trọng yếu, ở tầm quốc gia, tầm địa phương và chú trọng tầm doanh nghiệp.
Về tác nhân, các tác giả đã cố gắng nêu nổi bật vai trò chủ động của nhân dân, của lớp trẻ, vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của nhà nước.
Công cuộc đổi mới là một quá trình, phân tích và tổng kết đổi mới cũng là một quá trình, qua từng bước, ngày càng sâu sắc hơn, sáng rõ hơn. Tập hợp các bài viết ở đây là một cố gắng đóng góp đáng trân trọng vào quá trình đó. Mong rằng cuốn sách này có thể là một lời mời gọi, tạo thêm cảm hứng và tiếp sức cho những cố gắng mới hơn nữa của nhiều người, nhiều tổ chức, trước mắt là trong những năm tháng cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, những năm tháng hoàn thành nhiệm vụ của 5 năm 2006 - 2010, chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng và chặng đường sắp tới của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước ta.
Những trích dẫn đặc sắc/những lời nhận xét đặc biệt về sách:
CON ĐƯỜNG VINH QUANG VÀ KHỔ ẢI
Trích từ bài viết của tác giả Việt Phương
[...]
Về thực tế diễn biến của tình hình đất nước, con đường của dân tộc ta trong 26 năm từ 1960 đến 1986 càng đích thực là con đường vinh quang và khổ ải, rất thấm thía đến tận cùng cuộc sống của từng người, từng gia đình, từng tầng lớp và cả toàn dân, nhiều trăn trở, dằn vặt, nhiều đau đớn, thiệt thòi, nhiều oan uổng, uất ức, nhiều bừng tỉnh giấc ngộ, nhiều niềm vui lớn lao khi thử nghiệm thành công cái mới.
Cách nhìn nhận và đánh giá 11 năm từ 1975 đến 1986 chỉ là thời kỳ đen tối, khủng hoảng nặng nề, lỡ thời cơ và mất thời gian cũng sai lầm như cách nhìn nhận và đánh giá đó chính là thời kỳ chuẩn bị vàng son, bắt đầu thai nghén rồi khai sinh ra đổi mới (cụm từ “đêm trước của đổi mới” mà bị hiểu theo cách này thì trở thành một hình ảnh văn hoa không đúng chỗ). Thực ra, đó là những năm tranh tối tranh sáng, qua đó ánh sáng dần dần có đẩy lùi được bóng đêm, nhưng đến Đại hội VI cũng chưa, cũng không xua tan được bóng đêm.
Cách nhìn nhận và đánh giá rằng Đại hội VI của Đảng đã đề ra được một đường lối đổi mới gần như hoàn chỉnh và đầy đủ là một sự ngộ nhận, tưởng lầm một sự mở đầu tuy vĩ đại nhưng còn nhiều khiếm khuyết là một sự hoàn thành trọn vẹn. Để chứng minh khiếm khuyết, chỉ cần nhắc lại một câu rất quan trọng của Nghị quyết Đại hội VI: “Đại hội lần thứ VI của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do các Đại hội lần thứ IV và lần thứ V của Đảng xác định”. Cứ như câu này thì đã có đổi mới gì đâu? Tuy nhiên, thật may mắn là nghị quyết Đại hội VI đã có những nội dung khác thực sự có chất đổi mới.
Một sai lầm nữa, một thời khá phổ biến, nhất là trong những chuyên gia nước ngoài, là cố đi tìm xem cá nhân người lãnh đạo nào là tác giả của đổi mới. Thật ra, công cuộc đổi mới là tác phẩm của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có đóng góp của nhiều người, mỗi người có đóng góp ở tầm mức của riêng mình.
Các bài nhớ lại và suy ngẫm trong cuốn sách này đã mô tả và phân tích nhiều sáng kiến của nhân dân, nhiều cố gắng của lãnh đạo trong những năm trước đổi mới và trong hơn hai mươi năm của thời đổi mới, cho đến hiện nay. Đó là sự phản ánh qua trí tuệ và tình cảm của một số người trong cuộc, cố gắng dựng lên hình ảnh và cả thần thái của công cuộc chuẩn bị và tiến hành đổi mới, từ nhiều cách tiếp cận, trên nhiều lĩnh vực, theo nhiều chiều cạnh, ở tầm cả nước, tầm địa phương, tầm doanh nghiệp và cả tầm từng gia đình. Toàn bộ cuốn sách này góp phần trả lời một câu hỏi kép: Ở nước Việt Nam, ai đổi mới cái gì thành cái gì? Qua đổi mới, cái gì từng bước bị loại đi, cái gì dần dần ra đời và lớn lên, kết quả thực tế đối với sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân là thế nào?
Ở cấp lãnh đạo cao là Bộ Chính trị Trung ương Đảng, các Uỷ viên Bộ Chính trị đã cùng nhau thảo luận nhiều lần để chuẩn bị cho đổi mới, mỗi Uỷ viên Bộ Chính trị đều có đóng góp của mình bằng ý tưởng và bằng hành động. Các bài trong cuốn sách này đã nhắc đến tên một số người lãnh đạo cấp cao, là Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, Lê Thanh Nghị. Tôi muốn kể một câu chuyện và nhắc thêm tên một người lãnh đạo cấp cao nữa, là Phạm Văn Đồng.
Ở bước hoàn thành chuẩn bị về văn kiện, nhân sự và tổ chức cho Đại hội VI, Bộ Chính trị khoá V định rằng Trường Chinh sẽ đọc báo cáo chính trị và Phạm Văn Đồng sẽ đọc diễn văn khai mạc Đại hội VI. Phạm Văn Đồng đã soạn thảo xong diễn văn ấy, song, sau khi cân nhắc, Phạm Văn Đồng đã đề nghị Nguyễn Văn Linh, chứ không phải Phạm Văn Đồng, sẽ khai mạc Đại hội VI. Được Bộ Chính trị khoá V đồng ý thay đổi sự phân công như vậy, Phạm Văn Đồng đã chuyển cho Nguyễn Văn Linh bài diễn văn đã soạn thảo. Nguyễn Văn Linh đã giữ hầu như toàn bộ bản diễn văn ấy, chỉ thay đổi một số chữ, và đã đọc trong phiên khai mạc Đại hội VI ngày 15 tháng 12 năm 1986.
Đáng trích nguyên văn mấy câu trong diễn văn ngắn gọn ấy, như sau:
“Để làm chuyển biến tình hình, Đại hội lần thứ VI này phải đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước. Đó cũng là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác-Lênin, là xu thế tất yếu của thời đại...”
“Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa... Như vậy là giữ vững bản chất cao quý đáng tự hào của Đảng ta, dân tộc ta, chế độ ta, đồng thời phát huy bản chất ấy phong phú hơn, đẹp đẽ hơn, khai hoa kết quả trong những thành tựu mới, đáp ứng yêu cầu của nhân dân ta, hoà nhịp với những đổi thay của thời đại. Muốn thế, phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hoá biến chất, chống những thói quen lỗi thời, dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta”.
“Chuyển biến toàn bộ sự nghiệp cách mạng theo hướng đổi mới là một quá trình lâu dài. Chúng ta còn phải tiếp tục kiên trì suy nghĩ, tìm tòi, thử nghiệm, từng bước hình thành cái mới một cách tích cực và vững chắc”.
Mấy câu trên đây, cũng như toàn bài diễn văn khai mạc, không nói gì cụ thể về nội dung đổi mới, để dành cho báo cáo chính trị, song có thể nhận định rằng mấy câu ấy thuộc về những câu, những ý sáng nhất, đúng nhất, hay nhất của toàn bộ các văn kiện Đại hội VI. Sau 22 năm thực tế diễn biến của thời đổi mới, nay đọc lại, càng thấy mấy câu ấy thể hiện tầm nhìn xa rộng và tinh tế của Đảng và của dân tộc Việt Nam ta.
[...]
MỤC LỤC
Lời nhà xuất bản
VIỆT PHƯƠNG
Con đường vinh quang và khổ ải
ĐÀO XUÂN SÂM
Những bước đường đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường (1979 – 2007)
Phần một - Bước khai phá đổi mới tạo lập nền kinh tế hàng hóa (1979 - 1990)
* Bước đổi mới với những đột phá có hệ thống
* Quá trình tạo lập nền kinh tế hàng hóa
* Bước ngoặt trong nhiệm kỳ Đại hội VI
Phần hai - Bước phát triển có thăng trầm và cục diện mới (1991-2007)
* Bước phát triển có thăng trầm
* Cục diện đổi mới từ Đại hội IX đến Đại hội X
TRẦN ĐỨC NGUYÊN
Chiến lược 1991-2000: Bước đột phá về quan điểm phát triển
* Những quan điểm đột phá của Chiến lược
* Từ quan điểm đến hành động và kết quả
* Tổ chức tư vấn giúp Thủ tướng trong công cuộc đổi mới
VŨ QUỐC TUẤN
Phát triển doanh nghiệp – Suy nghĩ về một quá trình
* Từ một thành phần đến nhiều thành phần
* Doanh nghiệp tư nhân
* Doanh nghiệp nhà nước
* Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
* Tiếp tục phát triển và hội nhập
PHẠM CHI LAN
Tạo lập mội trường pháp lý cho kinh doanh ở Việt Nam – Những chặng đường đáng nhớ
* Từ những năm khai mở đến Đại hội VI (1986)
* Từ Hiến pháp 1992 đến Luật Doanh nghiệp 1999
* Hướng tới một môi trường kinh doanh bình đẳng
* Vài điều suy ngẫm về cải cách
PGS. TS NGUYỄN VĂN NAM
Hội nhập kinh tế quốc tế
* Mở cửa - Những bước tiến trên thực tế
* Hội nhập vào các tổ chức thương mại quốc tế
* Một vài suy nghĩ về hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta
NGUYỄN THIỆU
Xử lý lạm phát và đổi mới hệ thống ngân hàng
* Bối cảnh lạm phát
* Xử lý lạm phát và đổi mới hệ thống ngân hàng
TSKH. NGUYỄN THỊ HIỀN
Xóa bao cấp qua giá cả - một khâu đột phá trong đổi mới kinh tế
* Bỏ “giá cung cấp” hàng tiêu dùng
* Không thể làm thay thị trường
* Giảm bao cấp giá vật tư "đầu vào"
* Xoá bao cấp vốn cho doanh nghiệp nhà nước
* “Tiền tệ hóa tiền lương” – xoá bỏ chế độ trả lương bằng hiện vật
Mấy lời tự ngẫm
THÁI DUY
Từ “khoán” đến hộ nông dân tự chủ
* Bằng mọi cách giữ “khoán việc”
* Khoán chui
* Một nghị quyết lịch sử
* Đổi mới từ cơ sở
* Thế giới “chui”
* Không còn phải nói dối mãi nữa
* Khoán hộ
NGUYỄN VĂN MIỆN
Đổi mới nhìn từ địa phương Quảng Ninh
* “Tỉnh Đỏ” đi vào cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập
* Phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân
* Đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân trong bộ máy chính quyền
NGUYỄN VI KHẢI
Từ khủng hoảng đến đổi mới
* Thực trạng tình hình kinh tế, xã hội - tình huống có vấn đề trước đổi mới
* Suy nghĩ về cuộc khủng hoảng ở Việt Nam
* Từ những vấn đề phát sinh trong đổi mới cần khắc phục để phát triển nhanh và bền vững
PGS. TS TRẦN HẬU
Đại đoàn kết dân tộc, động lực chủ yếu của công cuộc đổi mới
* Bối cảnh đất nước sau chiến tranh và những vấn đề đặt ra
* Đại đoàn kết dân tộc - quan niệm và truyền thống
* Đổi mới tư duy về đại đoàn kết dân tộc
* Bước đột phá và những phát triển mới về quan điểm
* Suy ngẫm về con đường phát huy động lực đại đoàn kết dân tộc
GS. TS DƯƠNG PHÚ HIỆP
Về một số đặc điểm của quá trình đổi mới ở Việt Nam
* Vài nét về khái niệm đổi mới ở Việt Nam
* Tính tất yếu phải đổi mới ở Việt Nam
* Đổi mới là sự nghiệp của quần chúng nhân dân gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng
* Quá trình đổi mới từng bước, trước hết là đổi mới tư duy
* Đổi mới bên trong và mở cửa, hội nhập
* Đổi mới là quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái cũ
* Đổi mới không thể thành công nếu Đảng không tự đổi mới
* Phát triển là mục tiêu của đổi mới
CÁC TÁC GIẢ