Điện Biên đang bị hoang mạc

03/02/2009

Toàn tỉnh Điện Biên hiện chỉ có 7,87% tổng diện tích tự nhiên (75.216,72 ha) là không bị nguy cơ hoang mạc hoá... Cận kề hoang mạc...

Thiếu nước, khô hạn làm cho đất mất khả năng canh tác, lớp mùn nhiều dinh dưỡng suy giảm, đất trở nên rắn chắc, thoái hoá dẫn đến nguy cơ bị hoang mạc hoá. Như vậy, điều kiện khí hậu mà trực tiếp là chế độ mưa trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra thoái hoá đất, là tiền đề dẫn đến nguy cơ hoang mạc hoá.

Tham gia quá trình làm thoái hoá đất còn có một số nhân tố quan trọng khác như địa hình, độ che phủ rừng và cấu trúc thảm thực vật. Địa hình đất dốc không chỉ hạn chế tính thấm nước của đất, khiến cho quá trình tạo dòng chảy mặt nhanh, đất dễ bị sạt lở, tạo điều kiện cho quá trình rửa trôi vào bất kỳ thời gian nào, hạn chế quá trình tích lũy mùn và dưỡng chất.

Ngoài những nguyên nhân khách quan gây thoái hoá đất như trên, còn có nguyên nhân chủ quan là con người. Việc sử dụng đất không hợp lý như: Trồng cây ngắn ngày trên đất dốc, phương thức canh tác chủ yếu là quảng canh, không có biện pháp phục hồi, bồi thường, bảo vệ đất... tất yếu dẫn đến thoái hoá đất.

Ngăn ngừa thế nào?

Việc tìm ra nguyên nhân gây hoang mạc hoá chỉ là bước khởi đầu để phòng chống hoang mạc. Vấn đề quan trọng hơn là phải xác định được các vùng hiện đang đứng trước nguy cơ hoang mạc hoá. Với các chỉ tiêu lựa chọn, bằng phương pháp chồng ghép bản đồ, lập ma trận, đã xác định được ở Điện Biên có 4 vùng: Vùng có nguy cơ hoang mạc mạnh (chiếm 14,8%); vùng có nguy cơ hoang mạc trung bình (47,22%); vùng có nguy cơ hoang mạc hoá yếu (30,11%) và vùng không bị nguy cơ hoang mạc hoá (7,87%).

Để phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ hoang mạc hoá ở Điện Biên, cần tiến hành đồng bộ 2 nhóm giải pháp: Giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.

Giải pháp công trình bao gồm việc đánh giá năng lực của các công trình thuỷ lợi đã có và đề xuất xây dựng các công trình thuỷ lợi mới như: Hồ đập, kênh mương, trạm bơm cho các khu vực trong toàn tỉnh.

Giải pháp phi công trình bao gồm việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư trong việc sử dụng nước, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là xây dựng mô hình canh tác trên đất dốc, bao gồm việc làm ruộng bậc thang, mô hình nông lâm kết hợp, mô hình xen canh cây họ đậu, mô hình phát triển chăn nuôi...

Ngoài ra, cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, ưu đãi cho những người tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng, trao quyền sử dụng đất lâu dài để người dân yên tâm đầu tư trồng rừng...

TS. Lê Trần Chân


Nguồn: hoinongdan.nongthon.com.vn

Tin khác