Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến hộ nông thôn: 22% hộ chăn nuôi bỏ chuồng

16/11/2009

Gần 18% lao động mất việc, lợi nhuận các trang trại chăn nuôi giảm 60-90%, bữa cơm ND giảm 25% cá, thịt so với năm trước... Những con số "cận cảnh" về đời sống hộ dân nông thôn này được công bốë trong một nghiên cứu khoa học mới đây nhất của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD)...

Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng IPSARD, để tiếp tục cung cấp thông tin phục vụ kỳ họp Quốc hội thứ 6 khoá 12 (đang diễn ra), nhóm nghiên cứu của Viện đã phối hợp với Trung tâm Khoa học nông vận (Hội NDVN), Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững và ActionAid VN hoàn thành báo cáo này. 8 tỉnh đại diện các vùng được chọn khảo sát là Lạng Sơn, Bắc Kạn, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Thuận, Đăk Lăk và An Giang.

Chi phí sản xuất tăng vọt, lợi nhuận giảm sâu

Bài viết trên NTNN. Ảnh chụp lại từ www.docbao.com.vn

Kết quả khảo sát của Hội ND các xã ở 8 tỉnh được chọn cho thấy: Không có hiện tượng bỏ hoang hoá diện tích trồng cây hàng năm. Tuy nhiên, về bài toán thu chi thì có sự ảnh hưởng rõ rệt của khủng hoảng kinh tế. Chi phí sản xuất tăng, trong khi lợi nhuận của ngành trồng trọt giảm. Chẳng hạn, như tại Nam Định, chi phí sản suất lúa tăng 40%, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 31% so với năm ngoái (chưa tính giá trị ngày công lao động). Do giá lúa không tăng tương ứng với vật tư nông nghiệp, nên lợi nhuận sản xuất lúa giảm từ 8-31% tuỳ từng địa phương. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với cây ngô.

Khủng hoảng kinh tế thời gian qua cũng phủ bóng lên ngành nuôi trồng thuỷ sản, tỉnh An Giang có diện tích "treo ao" là 18%, cao hơn 3% so với năm 2008. Nguyên nhân chính là giá thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá bán cá lại thấp và khó tiêu thụ. Giá đầu ra hiện tại của cá tra, cá basa khoảng 14.000-15.000 đồng/kg, trong khi giá thành khoảng 15.000-16.000 đồng/kg. Vì vậy, người nuôi giỏi cũng chỉ hoà vốn, phần lớn là lỗ. Các tỉnh khác cũng tương tự.

Trang trại mất lãi, hộ chăn nuôi nhỏ lỗ

Giá đầu vào tăng, đầu ra giảm khiến các hộ chăn nuôi giảm lãi rất lớn. Khảo sát cho thấy các trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc có kinh nghiệm ở huyện Nam Sách, Hải Dương giảm lãi tới 60%; còn các trang trại ở Nam Định giảm tới 81% lãi so với cuối năm 2008. Còn chăn nuôi lợn nạc, lợn lai của tỉnh này chỉ lời khoảng 100.000 đồng/con (mức giảm gần 90% so với cuối năm trước).

Phần lớn các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ lỗ 100.000-200.000 đồng/con. So với năm 2008, trong năm 2009, có ít nhất 22% số hộ nuôi lợn nhỏ lẻ bỏ không chuồng nuôi, chưa kể các hộ ngừng nuôi vì dịch lợn tai xanh trước đó. Các trang trại, gia trại có số đầu lợn từ 50 con trở lên chỉ lãi ở mức 100.000-300.000 đồng/con, nhưng số đầu lợn của các trang trại, gia trại nhìn chung giảm từ 30-50% so với trước.

Khủng hoảng kinh tế đã làm cho các nông sản chủ lực của các địa phương trở nên khó bán hơn và bị ép giá nhiều hơn (ngoại trừ cao su, cà phê, tiêu). Trong đó, loại nông sản khó bán nhất là lúa (48% xã thừa nhận), tiếp theo là lợn, thuỷ sản, ngô... Trong đó An Giang là tỉnh gặp khó khăn tiêu thụ lúa nhiều nhất, với hơn 81% số xã phản ánh khó bán lúa, và gần 62% số xã thừa nhận khó bán thuỷ sản.

Gần 18% lao động mất việc làm

Nghiên cứu này cho thấy, thu nhập của hộ nghèo giảm 22% so với năm 2008, trong khi hộ khá giảm lớn hơn: 33% (phần lớn do mất thu nhập từ chăn nuôi lợn). Có hơn một nửa số xã trong diện khảo sát xác nhận: Số tiền của các gia đình nông thôn chi mua thịt, cá cho bữa ăn giảm. Mức giảm trung bình khoảng 25% giá trị (trước đó mua 1kg thịt hoặc cá/ngày, thì nay chỉ còn khoảng 7,5 lạng). Mức độ giảm cao nhất là ở khu vực nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, như Bắc Kạn giảm 26,4%. Mức giảm ít nhất cho chi tiêu mua thịt, cá là An Giang, với 15%
Theo báo cáo, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới đã làm cho 17,8% lao động di cư hoặc làm việc trong các nhà máy mất việc phải trở về quê. Có tới 71% số xã trong tổng số các xã được khảo sát có lao động mất việc trở về. Mức độ mất việc khác nhau giữa các xã, nhưng ít nhất cũng là 10%. Trong đó, Nam Định là tỉnh có số lao động mất việc nhiều nhất, xảy ra trên 80% số xã và xấp xỉ 21% số lao động di cư trong nước của tỉnh này. Lao động xuất khẩu mất việc, trở về trước hạn cũng xảy ra ở tất cả 8 tỉnh được khảo sát, với tỷ lệ từ 12-32%. Trong đó Bình Thuận và An Giang có số lao động xuất khẩu mất việc làm cao nhất, với tỉ lệ mất việc là 32,9% và 31,6%.

Khảo sát tại xã Xuân Ngọc (huyện Xuân Trường, Nam Định) cho thấy, tổng số lao động di cư là công nhân có 121 người thì có 27 người mất việc trở về quê; lao động tự do có 720 người thì có 74 người mất việc trở về quê; lao động xuất khẩu có 20 người thì có 8 người phải trở về trước hạn. Trong tổng số 164 người mất việc của xã Xuân Ngọc, có 74 người trở lại cày cuốc ruộng vườn (45%), 16 người làm nghề tiểu thủ công nghiệp, đáng chú ý là số còn lại không tìm được việc làm (45%).

Vậy lao động mất việc về quê làm những gì? Nông nghiệp là nguồn cung cấp việc làm chính, giúp họ vơi bớt khó khăn. Trong khoảng 30% lao động tìm được việc làm mới sau khi về quê, phần lớn họ quay trở lại làm nông- lâm- ngư nghiệp (22,5%). Số người làm tiểu thủ công nghiệp chưa tới 10%, còn lại ngồi chơi. Ngoài chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, những người thất nghiệp nhận được rất ít sự hỗ trợ của địa phương. Trong 100 xã có người thất nghiệp về quê, chỉ có khoảng 3 xã hỗ trợ giới thiệu việc làm mới, khoảng 6-7 xã tiến hành đào tạo nghề cho họ. Trên 90% số xã không có giải pháp hỗ trợ những người này.

Lỗ nặng vì nuôi lợn

Anh Nguyễn Quang Hòa ở thôn 6, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên tính toán: Một nguyên nhân khiến hộ chăn nuôi lợn thua lỗ và không còn mặn mà mở rộng sản xuất là chi phí đầu vào tăng quá cao: 1 kg lợn giống siêu nạc giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng, còn giá cám giữ ở mức cao 15.000 - 20.000đồng/kg. Dù chăn nuôi giỏi thế nào cũng khó tránh khỏi lỗ. Một chu kỳ chăn nuôi với tổng đàn 100 con lợn, chúng tôi phải đầu tư từ 80 - 110 triệu tiền giống, 90 - 120 triệu tiền thức ăn, cộng với tiền điện, tiền thuốc... thì thu được 7 - 8 tấn lợn hơi. Với giá bán hiện nay là 25.000 - 26.000 đồng/kg, chưa tính đến những rủi ro như lợn bị dịch bệnh hay bị tư thương ép giá, mỗi lứa chúng tôi đã lỗ khoảng 5 -10 triệu đồng".

Đức Thành (báo Yên Bái)

NTNH (Hoàng Sơn)


Tin khác