Giúp nông dân sản xuất theo hướng bền vững

04/03/2011

TP Cần Thơ có 116.992 ha đất nông nghiệp, hệ số sử dụng đất gần 2,5. Hàng năm nông dân thành phố canh tác lúa khoảng 210.000 ha, sản lượng 1,1 – 1,2 triệu tấn/năm. Riêng năm 2010, với 208.897ha lúa, sản lượng đạt lỷ lục 1.231.040 tấn. Trong đó, trên 80% lúa chất lượng cao, đặc biệt là các giống lúa thơm đặc sản như Jasmine 85, VD20.

Trước tốc độ đô thị hóa, hình thành các khu công nghiệp, từ năm 2004 đến nay đất nông nghiệp đã giảm 4.265 ha và dự kiến đến 2020 còn 107.000 ha. Do đó TP Cần Thơ đang hướng tới chương trình xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao (CLC), quy mô lớn, chuyển đổi mục tiêu sản xuất từ số lượng sang chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, an toàn theo hướng GAP, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh.
Chuẩn bị bước đầu, từ những năm qua, Chi cục BVTV đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm định hướng giúp nông dân sản xuất theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, cải thiện thu nhập nông dân. Theo đó, chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được triển khai rộng rãi, tổ chức 1.083 lớp huấn luyện với 33.180 nông dân tham dự, phủ đều khắp 100% xã có trồng lúa với 30- 35% hộ nông dân được tập huấn.
Chương trình “3 giảm 3 tăng” giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, nông dân sản xuất biết áp dụng phương pháp IPM, kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” chiếm 80% và trên 70% nông dân có sử dụng giống xác nhận. Mặt khác, ứng dụng công nghệ tin học – GIS (geographic information system) trong cảnh báo dịch hại trên diện rộng đã góp phần giúp trên 70% nông dân quản lý đồng ruộng tốt hơn, bón phân cân đối, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trung bình 2-3 lần/vụ, tiết kiệm chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV từ 1,5-2 triệu đồng/ha, có thể tiết kiệm từ 220-294 tỉ đồng/năm trên diện tích sản xuất lúa của thành phố.
Hiện nay TP Cần Thơ đang nhắm tới mục tiêu hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống tưới tiêu; đẩy nhanh cơ giới hoá đồng bộ các khâu sản xuất; hiện đại hoá công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng xây dựng “Mô hình cộng đồng quản lý dịch hại lúa trên cánh đồng một loại giống”, đáp ứng nhu cầu cung ứng lúa chất lượng cao, nhất là các giống lúa thơm đặc sản, sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo vùng, theo từng cánh đồng với cùng một loại giống chất lượng cao.
Thực hiện theo qui trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch, tại huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng 8 nhóm nông dân với qui mô 25-30 nông dân/nhóm, trên 30-60 ha/nhóm. Bước đầu hình thành vùng sản xuất và nhóm liên kết sản xuất theo hướng GAP. Hiện thời Chi cục BVTV đã triển khai các mô hình cộng đồng sản xuất lúa theo hướng bền vững tại những vùng trọng điểm như thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thanh, xã Trung An, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, xã Thạnh Hòa, huyện Thốt Nốt, mỗi nhóm 25-35 nông dân, với diện tích 20-60 ha/nhóm. Nông dân tham gia có ghi chép sổ tay nhật ký đồng ruộng, so sánh, đánh giá giữa các hộ trong cùng một nhóm để điều chỉnh kỹ thuật sản xuất, rút ngắn khoảng cách về năng suất giữa các hộ, và dễ dàng trong việc truy nguyên nguồn gốc.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN- PTNT TP Cần Thơ cho rằng: Đã đến lúc sản xuất lúa không còn theo tập quán canh tác truyền thống, trong điều kiện có nhiều giải pháp kỹ thuật yểm trợ và nhiều thành tựu khoa học mới chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, vùng lúa CLC ở TP Cần Thơ sẽ sớm bắt nhịp đáp ứng sản xuất lúa hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Sắp tới, tại huyện Phong Điền sẽ xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý sâu rầy hại lúa" hướng đến sản xuất không hoặc ít sử dụng thuốc trừ sâu, thân thiện với môi trường, tạo cảnh quan sinh thái ruộng đồng, tiếp tục tổ chức lại sản xuất dưới dạng tổ, nhóm kinh tế hợp tác, trang trại, HTX, hỗ trợ nông dân sản xuất tập trung theo ngành hàng, kết nối chế biến và tiêu thụ lúa gạo, sản xuất gắn kết với thị trường.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/73400/Default.aspx


Tin khác