Khó kiểm nạn nhập khẩu rau quả bẩn: Kiểm tra chất lượng, ngăn chặn rủi ro từ gốc

18/10/2012

Dư luận đang có rất lo lắng về nông sản NK từ TQ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc mất ATTP đối với rau quả nhập khẩu từ TQ như: cải thảo nhiễm phoocmaldehyt; lựu, nho, táo, mận bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Cuối tuần vừa qua, Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp nông thôn (Ipsard) phối hợp với VECO tổ chức hội thảo: “An toàn thực phẩm (ATTP) đối với rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ)”.

TS Dương Ngọc Thí, Viện phó Viện Ipsard nhận định, TQ là thị trường hết sức quan trọng đối với giao thương hàng nông sản của nước ta. Thương mại giữa 2 nước đang tăng nhanh từ khi Việt Nam đã ký những cam kết hội nhập như: cam kết AC-FTA, cam kết WTO, và thỏa thuận riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta có biên giới rất dài, với rất nhiều cửa khẩu chính ngạch và hàng ngàn đường mòn xuyên biên giới, là thách thức cho vấn đề kiểm soát ATTP nông sản NK từ TQ. Bên cạnh những lợi ích, thì giao thương với TQ cũng đang góp phần gây bất ổn của cung-cầu nội địa. NK từ TQ đem lại rủi ro rất cao do chất lượng hàng từ Trung Quốc không đảm bảo, nhu cầu nhập khẩu tăng giảm bất thường, sự không minh bạch và gian lận thương mại (điển hình như vụ thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột, bùng nợ thu gom thủy sản). Thời gian gần đây nổi cộm nhất là mất ATTP đối với gà loại thải, rau quả nhập từ TQ.
TS Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn chiến lược chính sách của Viện Ipsard cho biết, kim ngạch XK nông sản của nước ta sang TQ những năm qua tăng trưởng mạnh tới hơn 20%/năm, đạt 3,4 tỷ USD năm 2010. Trong đó các mặt hàng kim ngạch cao như: cao su đạt 1,15 tỷ USD (tăng 5 lần so với năm 2004), đồ gỗ đạt 406 triệu USD, sắn đạt 512 triệu USD, thủy sản gần 170 triệu USD… Riêng kim ngạch XK rau quả sang Trung Quốc tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm qua, đạt trên 100 triệu USD vào năm 2011. XK tăng mạnh, nhưng NK nông sản từ TQ vào nước ta còn tăng mạnh hơn, trung bình 31,43%/năm kể từ năm 2004 đến nay, đạt 2,7 tỷ USD năm 2011.  Theo ông Thắng, thương mại biên mậu ở Lào Cai và Lạng Sơn đang rất nhiều bất cập. Giao thương mậu biên đóng vai trò quan trọng và ngày càng phát triển, thế nhưng NK tiểu ngạch còn chiếm tỷ trọng lớn, hoạt động tại cửa khẩu chính không sôi động bằng các cửa khẩu phụ, đường mòn. Nhiều cửa khẩu không có HQ và cơ quan kiểm dịch, chỉ có Biên phòng, thiếu cả ban quản lý cửa khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, tổng kim ngạch NK rau quả qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung năm 2011 đạt khoảng 200 triệu USD. Trong đó, qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khoảng 95,5 triệu USD; cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) khoảng 7,7 triệu USD; cửa khẩu Lào Cai khoảng 16,5 triệu USD; cửa khẩu Thanh Thủy ( Hà Giang) là 3,1 triệu USD.  Kim ngạch NK rau quả qua các cửa khẩu biên giới Việt – Lào năm 2011 khoảng 20 triệu USD, qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Campuchia trên 30 triệu USD. Rau quả NK qua biên giới Việt – Trung chủ yếu gồm: táo, lê, lựu, nho, mận đỏ, cam, rau xanh, bí đỏ, khoai tây, quýt... “ Giao thương nông sản qua biên giới đang tồn tại bất cập là, hiện chưa có quy định cụ thể đối với thủ tục kiểm tra, kiểm soát ATTP  NK tại các cửa khẩu biên giới đất liền. Một vấn đề nổi cộm là tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Trung, thương lái NK một lượng lớn mặt hàng rau quả từ TQ, nhưng khi về đến Hà Nội lại được dán nhãn mác Thái, Úc, Mỹ, Canada… Chúng ta cần xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu, điều tra đối chiếu số liệu để nắm được đường đi của mặt hàng đó từ cửa khẩu cho đến điểm phân phối cuối cùng” – ông Hội chia sẻ.  
Ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc Tổng Công ty XK rau quả nông sản bày tỏ: Tổng công ty chúng tôi có trung tâm kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi XK và luôn XK theo con đường chính ngạch. Tại sao trong khi rau quả nước ta muốn XK sang các nước khác lại chịu sự kiểm tra hết sức nghiêm ngặt về vấn đề ATTP, thì rau quả ngoại mặc sức tung hoành trên thị trường nước ta mà không kiểm soát nổi chất lượng?
Theo ông Lê sơn Hà, Phó trưởng phòng Quản lý ATTP và môi trường (Cục bảo vệ thực vật), Thông tư 13 của Bộ NN-PTNT quy định các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại, đồng thời đảm nhiệm thêm chức năng kiểm tra về VSATTP. Song, các này đều chưa có phòng thí nghiệm, máy móc chưa đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu về ATTP. Kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu đối với rau quả chủ yếu vẫn dựa vào cảm quan bằng mắt thường là chính, nên khó tránh khỏi để lọt những nông sản không đảm bảo chất lượng. Ông Đặng Việt Yên, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản phân trần: Thông tư 13 đưa ra yêu cầu các nước muốn XK nông sản sang Việt Nam phải đăng ký trước và phải để cho chúng ta kiểm tra tận gốc vùng trồng ngay tại nước đó. Hiện 13 quốc gia đã chấp nhận quy định này của Việt Nam, thế nhưng riêng với TQ thì chúng ta chưa làm được. Mặc dù Việt Nam đã cử nhiều đoàn đến làm việc với Trung Quốc và yêu cầu họ cung cấp hồ sơ các loại rau quả, thực phẩm xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên đến nay họ chưa cung cấp thông tin đầy đủ theo yêu cầu của chúng ta với lý do hệ thống quản lý của họ khác với của ta, ATTP là do 3 bộ quản lý, họ yêu cầu ta phải liên hệ trực tiếp với từng bộ. Tháng 11 tới đây, Việt Nam sẽ đưa một đoàn sang TQ để kiểm tra vấn đề ATTP đối với các sản phẩm thịt và rau XK sang Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hội kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ cần có quyết định về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền, quy định hoạt động phối hợp chuyên ngành của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng cửa khẩu. Đồng thời cần có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm ngày 17/06/2010 áp dụng đối với hoạt động thương mại biên giới. Cần quy định về cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra ATTP, thủ tục kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu biên giới đất liền. Nhà nước cũng cần đưa ra quy định về hàng hóa là thực phẩm chỉ được NK qua một số cửa khẩu nhất định. Đặc biệt, đối với rau quả nhập khẩu sẽ từ các cửa khẩu biên giới cần phải được quản lý về luồng đi, hệ thống phân phối trong nội địa, tức là quy định phải có điểm đến cụ thể. Chính phủ cũng cần sửa đổi Thông tư số 10/2010/TT-BCT ngày 29/3/2010, nhằm hạn chế mặt hàng rau quả trong Danh mục hàng hóa nhập khẩu dưới hình thức mua, bán, trao đổi cư dân biên giới. Chỉ nên cho phép NK những mặt hàng rau quả cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của cư dân biên giới nếu vùng biên giới không trồng được.
Theo Chu Khôi - VnEconomy

Tin khác