Bức bối chất lượng rau quả nhập khẩu

15/10/2012

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc mất an toàn thực phẩm (ATTP) đối với rau quả nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc, như: cải thảo nhiễm formaldehyde; lựu, nho, táo, mận bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép... Dư luận băn khoăn: tại sao trong khi rau quả Việt Nam muốn xuất khẩu (XK) sang các nước khác lại chịu sự kiểm tra hết sức nghiêm ngặt về vấn đề ATTP, thì rau quả ngoại lại mặc sức tung hoành trên thị trường nước ta mà không kiểm soát nổi chất lượng.

Rau quả xuất xứ từ Trung Quốc hiện chiếm 50 - 80% lượng rau quả NK vào Việt Nam. Số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho thấy chỉ riêng mặt hàng rau đã có tới 6 nhóm sản phẩm được nhập về trong 8 tháng đầu năm, tiêu tốn hơn 22 triệu USD.
Mặc sức tung hoành…
Theo Ts. Trần Công Thắng - Viện IPSARD, Việt Nam đã ký những cam kết hội nhập tạo nhiều ảnh hưởng tới thương mại nông sản giữa hai nước, như: cam kết AC-FTA, cam kết WTO, và thỏa thuận riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chính vì vậy, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tăng nhanh. Năm 2010, kim ngạch XK nông sản sang Trung Quốc đạt gần 3,4 tỷ USD với mức tăng trưởng hơn 20%/năm, trong đó có nhiều mặt hàng tăng rất mạnh, như: cao su, sắn, các sản phẩm từ sắn, điều, lâm nghiệp, rau quả, gạo. Kim ngạch XK rau quả sang Trung Quốc tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm qua, đạt trên 100 triệu năm 2011.
Các đại biểu tại Hội thảo An toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2012
 
Kim ngạch NK nông sản từ Trung Quốc cũng tăng đột biến. Từ năm 2004 đến nay, mức tăng trưởng kim ngạch NK nông sản trung bình của Việt Nam từ Trung Quốc là 31,43%/năm. Đặc biệt phải kể đến sự tăng nhanh NK đối với một số mặt hàng mới là rau quả, lúa mì và thủy sản, nguyên liệu thức ăn gia súc, nguyên phụ liệu thuốc lá.
Các loại rau quả từ Trung Quốc đưa sang Việt Nam chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, hoạt động tại các cửa khẩu chính không sôi nổi bằng tại các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở.
Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương), cho biết năm 2011, tổng kim ngạch NK rau quả qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung đạt khoảng 200 triệu USD. Trong đó giá trị kim ngạch tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) là 95,5 triệu USD, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) là 7,7 triệu USD; Lào Cai là 16,5 triệu USD; Thanh Thủy (Hà Giang) 3,1 triệu USD. Loại rau quả NK qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung chủ yếu là: táo, lê, lựu, nho, mận đỏ, cam, rau xanh, bí đỏ, khoai tây, quýt...
Có thể nói, việc tăng cường giao thương với Trung Quốc đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, ông Hội cho biết hiện phần lớn lượng rau quả sang Việt Nam theo con đường tiểu ngạch, gần như không chịu sự kiểm soát về chất lượng ATTP.
Một vấn đề nổi cộm hiện nay là tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt - Trung, có những cửa hàng nhập một lượng lớn mặt hàng rau quả chất lượng cao của Trung Quốc, như: táo, nho, nhưng khi về đến Hà Nội lại được dán nhãn mác Thái, Australia, Mỹ, Canada… "Chúng ta cần xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa NK, điều tra đối chiếu số liệu để nắm được đường đi của mặt hàng đó từ cửa khẩu cho đến điểm phân phối cuối cùng", ông Hội đề xuất.
Khâu yếu nhất trong chuỗi kiểm soát vệ sinh ATTP nông sản chính là quản lý. Kiểm dịch nội địa gần như không có hiệu quả, trong khi rau quả ngoại tràn lan, từ các chợ dân sinh đến các siêu thị, cửa hàng.
Ông Lê Sơn Hà - Phó trưởng phòng Quản lý ATTP và môi trường (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết tại bất kỳ cửa khẩu nào cũng có các trạm kiểm dịch thực vật. Theo Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 của Bộ NN&PTNT, các trạm kiểm dịch thực vật này vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại, đồng thời đảm nhiệm thêm chức năng kiểm tra về vệ sinh ATTP. Nhưng các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu đều chưa có phòng thí nghiệm, máy móc chưa đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu về ATTP.
Bỏ ngỏ ngay từ cửa khẩu
Trong khi thế giới phân loại được 1.000 hoạt chất hóa học thuốc trừ sâu thì ở phòng thí nghiệm hiện đại nhất của Việt Nam, hệ thống máy móc chỉ kiểm tra được tối đa 300 loại hoạt chất. Một thiết bị kiểm tra của Canada có thể quét tối đa một lần 500 hoạt chất, thì máy móc hiện đại nhất của Việt Nam chỉ có khả năng quét từ 30 - 50 hoạt chất. Kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu đối với rau quả chủ yếu vẫn dựa vào cảm tính, cảm quan.
Ông Hội cho biết: "Khi có bất cứ nghi ngờ gì về chất lượng sản phẩm rau quả NK phải gửi về phòng thí nghiệm để lấy mẫu xem xét và sau đó 5 - 7 ngày mới có kết quả. Như vậy phản ứng rất chậm chạp, và từ đó tạo ra cho chúng ta một thế bị động".
Theo ông Đặng Việt Yên - Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng thực phẩm nông lâm sản và muối (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản): "Thông tư 13 quy định về quy trình, tần suất kiểm tra, hồ sơ giấy tờ, các nước muốn XK sang Việt Nam phải đăng ký trước. Như vậy, chúng ta sẽ kiểm tra tận gốc ngay tại nước có sản phẩm XK, và 13 quốc gia đã chấp nhận quy định của Việt Nam. Thế nhưng, riêng với Trung Quốc thì chúng ta chưa làm được. Mặc dù Việt Nam đã cử nhiều đoàn đến làm việc với Trung Quốc và yêu cầu họ cung cấp hồ sơ các loại rau quả, thực phẩm xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, họ chưa cung cấp thông tin đầy đủ theo yêu cầu của chúng ta với lý do hệ thống quản lý của họ khác với của ta, ATTP là do 3 Bộ quản lý, họ yêu cầu ta phải liên hệ trực tiếp với từng Bộ. Tháng 11 tới đây, Việt Nam sẽ cử một đoàn sang Trung Quốc để kiểm tra vấn đề ATTP đối với các sản phẩm thịt và rau XK sang Việt Nam".
Về truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng các sản phẩm XK, Trung Quốc mới chỉ cung cấp một đường link trong đó có 3.000 cơ sở tham gia XK các mặt hàng đi các nước trên thế giới, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng ATTP với việt Nam. Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc gửi xuất xứ sản phẩm, vùng đăng ký các mặt hàng xuất sang Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn chưa cung cấp.
Mặc dù Thông tư 13 đã được thực thi, nhưng rõ ràng từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá xa. Các cơ quan chức năng vẫn đổ lỗi cho máy móc, thiết bị cũng như con người chưa thể đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát vệ sinh ATTP rau quả NK. Và "trăm dâu" vẫn đổ lên đầu người tiêu dùng!
Theo Thời báo kinh doanh

Tin khác