Tại Hội thảo “Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với rau quả NK của Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (Ipsard) tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia cho rằng, ATTP đối với rau quả NK của Việt Nam, nhất là rau quả nhập từ Trung Quốc, đang là vấn đề rất khó kiểm soát đối với các cơ quan chức năng Việt Nam.
Theo đó, mới đây, cơ quan chức năng vừa công bố mẫu lựu NK từ Trung Quốc có chứa dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép cao, những chất này gây bệnh về tim, gan, thận, thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh. Ngoài mẫu lựu, danh sách “đen” về trái cây nhập từ Trung Quốc còn có thêm nho và mận.
Đây không phải là lần đầu tiên hoa quả tươi NK bị “thổi còi” về chất lượng vệ sinh ATTP. Trước đó, khoảng tháng 7 – 8, Cục BVTV đã lấy 104 mẫu trái cây, rau củ NK từ Trung Quốc và một số nước khác để phân tích, phát hiện 3 mẫu nho và khoai có dư lượng difenoconazole và chlorpyrifos ethyl vượt 3 - 5 lần tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP của Việt Nam.
|
Khó kiểm soát chất lượng ATTP của rau quả NK
|
Điều đáng lo ngại là các hoạt chất nói trên vượt ngưỡng quy định sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh và một số cơ quan nội tạng. Nếu tích lũy vào cơ thể con người theo thức ăn, đến ngưỡng nào đó sẽ gây ra các chứng bệnh về nội tạng và đau thần kinh bộc phát.
Theo điều tra của Ipsard, thị trường rau quả Việt Nam hiện nay trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với không chỉ người tiêu dùng mà còn của cả các cơ quan chức năng và cơ sở kinh doanh NK, phân phối hàng rau quả tại Việt Nam. Đối với rau quả NK từ Trung Quốc, việc kiểm soát, kiểm dịch thực vật NK là rất khó khăn, trong khi trang thiết bị chưa đầy đủ.
Với 3 phương thức kiểm dịch hiện nay là trên hồ sơ, xem xét ngoại quan và xét nghiệm một số tiêu chí thì việc tiến hành chưa chuyên nghiệp và chỉ bằng mắt thường; thậm chí ngay tại cửa khẩu cũng chưa được trang bị những phương tiện cần thiết. Do đó, nếu có nghi ngờ, phải lấy mẫu và gửi về phòng thí nghiệm tại Hà Nội và phải mất từ 5 – 7 ngày sau mới có kết quả, vì thế việc xác định lô hàng có đảm bảo vệ sinh ATTP hay không là rất chậm trễ và hoàn toàn bị động.
Trong khi đó, đối với người tiêu dùng, để nhận biết được đâu là rau bảo đảm ATTP gần như là không thể, trong khi thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm là rất “mù mờ”. Do đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP, cơ quan Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, các nhà khoa học, cơ quan báo chí và bản thân người tiêu dùng.
Theo ông Dương Ngọc Thí, Phó Viện trưởng Ipsard, một giải pháp hết sức quan trọng là phải tăng cường nguồn lực và năng lực để có thể kiểm soát rau quả nhập khẩu ngay tại biên giới; đồng thời xem xét lại một số chính sách khi khuyến khích cư dân biên giới tham gia nhập khẩu hàng hóa, song phải kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/101786/Kho-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-rau-qua-nhap-khau.aspx