Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn

16/10/2014

Ngày 15/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp năm 2014. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNN&PTNT) tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: hiện nay, doanh nghiệp nông nghiệp chiếm khoảng 7,1% GDP giá trị ngành nông lâm thủy sản. Trong 9 tháng năm 2014, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3%, cao hơn so với mức 2,4% cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 22,7 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, các doanh nghiệp nông nghiệp đóng góp vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hiện, các doanh nghiệp nông nghiệp đang đứng trước những thách thức khó khăn khi một loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết như: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, hiệp định thương mại tự do với EU, Nga, Hàn Quốc…

Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp năm 2014 

Phát biểu tại Hội nghị, bà Bùi Thị Quy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (tỉnh Hậu Giang) cho biết: Khó khăn của các nhà máy đường hiện nay là khâu tiêu thụ, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và bảo vệ vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp đã hứa cùng bà con nông dân. Khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi, tiếp tục cho vay nhưng các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vì không còn tài sản thế chấp. Nếu gặp rủi ro, doanh nghiệp sẽ mất tất cả gồm: vốn của bản thân và vốn vay từ ngân hàng. Vì vậy, bà kiến nghị cho phép doanh nghiệp mía đường được vay vốn 85% giá trị hàng hóa sản xuất, vay bổ sung vốn trung hạn để thay thế bổ sung thiết bị. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo hỗ trợ giống, tài chính, cho phép các nhà máy đường tạo vườn giống cấp cho bà con nông dân; đồng thời hỗ trợ không tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập; miễn giảm lãi phạt, lãi chậm trả cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đại diện của Chủ nhiệm Hợp tác xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội cũng cho biết: Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ nông dân chăn nuôi thua lỗ, muốn tái đàn nhưng không đủ tài sản thế chấp. Người chăn nuôi phải tự bươn chải, đi thuê đất,…Đồng thời, chưa được sự hướng dẫn của các sở, ban, ngành về vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi; người chăn nuôi còn phải chịu nhiều khoản chi phí trong khi không tự quyết định được giá cả,… Bởi vậy, ông cũng kiến nghị cần tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp cận được các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, đồng thời Bộ NN và PTNT cần có chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cụ thể để các hộ chăn nuôi nắm được định hướng phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hằng - Phó chủ tịch Hiệp hội ngành ong Việt Nam cho biết: trong 9 tháng đầu năm 2014, ngành ong đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó xuất khẩu đạt trên 40.000 tấn mật ong, đạt trên 100 triệu USD, góp phần đưa nước ta đứng top 3 trên thị trường quốc tế về xuất khẩu mật ong và top 2 thị trường xuất khẩu mật ong vào Mỹ. Ngành đã tạo thu nhập cho trên 35.000 nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, người nuôi ong vẫn phải trả nhiều khoản tiền cho việc nuôi 1 đàn ong, việc tiến hành kiểm dịch còn nhiều lần,…Bởi vậy, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần ban hành những văn bản pháp quy để người nuôi ong trên cả nước có thể yên tâm phát triển ngành.

Tại Hội nghị, đại diện của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã cũng đã nêu lên những khó khăn về kết nối nông sản ra thị trường thế giới; kiểm soát dịch bệnh nuôi tôm; đẩy lùi hoạt động buôn lậu các mặt hàng nông lâm thủy sản,….

Trước những kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong thời gian tới, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển là điều quan trọng. Nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp cho các doanh nghiệp, cần tăng cường thúc đẩy công tác bảo hiểm nông nghiệp; giải quyết bài toán thị trường cho người nông dân thông qua việc nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm; có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích nông dân sản xuất cho doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường tham mưu các chính sách về vấn đề giúp nông dân trang bị thiết bị cơ khí, đảm bảo áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Mặt khác, về nghiên cứu khoa học công nghệ, thời gian tới, các Viện nghiên cứu cần có những sản phẩm gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt cần có những giống tốt, kỹ thuật tốt cung cấp cho nông dân. Ngoài ra, để tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi, ngành sẽ cần thay đổi về con giống, thức ăn chăn nuôi ở những địa bàn chăn nuôi chưa hiệu quả, đồng thời nhân rộng những mô hình hiệu quả trên diện rộng./.

Theo cpv.org.vn


Tin khác