Giống lúa, nhiều nhưng không "chất"

27/12/2014

Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp. Có rất nhiều việc phải làm để tạo ra diện mạo mới cho ngành lúa gạo như tổ chức lại sản xuất, dồn điền đổi thửa để tạo vùng chuyên canh lớn, nâng cao trình độ của người lao động, trong đó cơ cấu lại giống lúa cũng là một đòi hỏi bức thiết.

“Bội thực” giống lúa

Tại hội thảo Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn tổ chức ngày 26/12, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành hàng lúa gạo cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường mới nổi, nói cách khác chúng ta không còn giữ vị thế độc tôn. Vì thế, quan điểm của tái cơ cấu ngành là phải thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu, không chạy theo số lượng nữa mà tập trung nâng cao chất lượng. Muốn làm được điều đó phải có những giống lúa chất lượng cao, sản xuất với số lượng lớn.

Cán bộ nghiên cứu, đánh giá về chất lượng giống lúa mới.

Là đất nước có lịch sử sản xuất lúa gạo lâu đời, người dân có kinh nghiệm canh tác và gắn bó với cây lúa, không khó hiểu khi Việt Nam có một hệ thống giống lúa đồ sộ với hàng trăm loại giống khác nhau. Sự phát triển của khoa học công nghệ cho phép chúng ta nhập, lai tạo ra nhiều giống lúa mới được đánh giá có năng suất, chất lượng cao. Theo thống kê sơ bộ của Cục Trồng trọt, hiện có 365 giống lúa trong danh mục được phép sản xuất, trong đó các tỉnh phía Bắc là 189 giống.

Cũng theo đánh giá của Cục Trồng trọt, hiện 15% giống lúa được cung ứng bởi các trung tâm, công ty giống, 25% là sản xuất nông hộ. Số còn lại, khi thu hoạch bà con nông dân tự để dành làm giống, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa gạo. Trên thực tế, nông dân miền Bắc sử dụng giống lúa xác nhận nhiều hơn miền Nam. Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 10% lượng lúa giống ở ĐBSCL được kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường. Đây là nguồn giống do các cơ quan chính thống sản xuất, còn lại là giống trôi nổi do tổ chức, cá nhân tự trao đổi với nhau, không được kiểm nghiệm cả trên ruộng cũng như sau thu hoạch.

Điều đáng nói là, mấy năm gần đây, số lượng giống lúa được các viện nghiên cứu, doanh nghiệp nghiên cứu, chọn tạo ra nhiều nhưng nông dân vẫn chưa được tiếp cận giống lúa mới, ở nhiều nơi, các giống lúa cũ như Khang dân 18, IR 50404 vẫn được bà con sử dụng. Trong số 50 giống mới được Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, lai tạo thời gian qua, chỉ có 7 giống lúa được nhượng quyền tác giả cho các doanh nghiệp sản xuất đại trà, phân phối đến bà con nông dân.

Cơ cấu giống lúa theo vùng

Từ thực tế sản xuất của địa phương, ông Tú Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ, cho rằng, việc tồn tại quá nhiều bộ giống lúa sẽ khiến chúng ta không thể xác định được đâu là giống chủ lực cần tập trung phát triển. Vì vậy, trong đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo sắp tới, cần có định hướng giống cho từng vùng để từ đó xác định được giống chủ lực của mỗi địa phương, các giống quá cũ, tồn tại từ lâu nên kiên quyết loại bỏ ra khỏi cơ cấu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Định cho rằng, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT là thực hiện tái cơ cấu theo vùng, mỗi vùng, mỗi địa phương phải xác định được giống chủ lực. Ví dụ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu; miền Bắc, miền Trung phục vụ thị trường nội địa là chính và có thể sản xuất giống lúa phục vụ xuất khẩu cho những đối tượng hẹp.

Hiện, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã quy hoạch và đang từng bước hình thành 5 dạng hình vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới, gồm: Cánh đồng lớn canh tác giống lúa Jasmine; cánh đồng lớn canh tác giống lúa gạo trắng hạt dài chất lượng cao (OM 4900, OM 5451, OM 4218, OM 7347…); cánh đồng lớn canh tác giống lúa đặc sản (nhóm giống ST, Nàng thơm Chợ Đào, Một bụi đỏ, Tài Nguyên, VD 20, Nàng Hoa 9…); cánh đồng lớn canh tác giống nếp và giống lúa hạt tròn và cánh đồng lớn canh tác giống lúa chất lượng trung bình và giống lúa chất lượng thấp (IR 50404, OM 576…). Tuy mới đang ở giai đoạn đầu tiên nhưng đây là hướng đi quan trọng nhằm chuyên nghiệp hóa cách sản xuất theo phương châm xây dựng cánh đồng 1 giống, liền vùng, cùng trà.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã đặt hàng các viện, trường, trung tâm, các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất 5-7 giống lúa thơm ngắn ngày, giá 600-800 USD/tấn. Lý do, hầu hết lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt mức trên dưới 400 USD/tấn. Ngay cả gạo phẩm cấp thấp, chúng ta cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với gạo Pakistan, Ấn Độ, Myanmar,...

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác