Một số mô hình trẻ hóa cà phê ở Việt nam: thực tiễn và khuyến nghị chính sách

15/08/2015

Báo cáo này được tổng hợp từ 3 báo cáo gồm: (i) Tổng quan về các khía cạnh kỹ thuật trẻ hóa cà phê trên thế giới và Việt nam; (ii) Phân tích kỹ thuật các chiến lược trẻ hóa cà phê hiện nay ở Việt Nam; và (iii) Phân tích tài chính và kinh tế các mô hình trẻ hóa cà phê ở Việt Nam.

Báo cáo thứ nhất tổng quan về vấn đề tái canh cây cà phê ở trên thế giới và Việt Nam (được thực hiện bởi ông Keith Chapman- chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) rà soát một cách rộng rãi các vấn đề liên quan đến trẻ hóa cà phê trên Thế giới và Việt Nam, trên cơ sở phân tích đã đưa ra các phát hiện và những khuyến nghị về các mô hình trẻ hóa có tính khả thi về mặt nông học để làm cơ sở đánh giá sâu hơn trong báo cáo thứ hai và thứ ba.

Báo cáo thứ hai (thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Kĩ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) mô tả chi tiết về kỹ thuật quy trình ghép cải tạo/tái canh được áp dụng trong thực tiễn, các điều kiện tiên quyết cho việc áp dụng trẻ hóa thành công về mặt nông học, đặc điểm của nông dân trồng cà phê, các yếu tố chính dẫn tới thành công/thất bại của từng chiến lược tái canh cà phê.

Báo cáo thứ ba (thực hiên bởi nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn) cung cấp phân tích chi tiết về kinh tế và tài chính (ví dụ: phân tích về chi phí lợi nhuận) của một số mô hình trẻ hóa cà phê tính trên 1 ha và các kết quả ước tính ví dụ như năng suất và thu nhập;ước tính dòng tiền trong toàn bộ chu kỳ trẻ hóa;nhu cầu tín dụng của người nông dân.

Báo cáo tổng hợp này đánh giá các mô hình trẻ hóa cà phê đang được áp dụng ở Việt Nam hiện nay nhằm đưa ra các khuyến nghị đã được xác minh về các mô hình trẻ hóa cà phê khả thi nên được áp dụng. Báo cáo này phân tích và đánh giá tính khả thi và hiệu quả của từng mô hình tái canh cà phê trên các khía cạnh điều kiện nông học, kinh tế, xã hội. Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích chi phí đầu tư, nhu cầu tín dụng và dòng tiền của từng mô hình trẻ hóa cà phê của các hộ trẻ hóa cà phê. Kết quả của các phân tích này được sử dụng để đề xuất khuyến nghị về các mô hình tái canh khả thi về nông học, kinh tế và xã hội.

Các số liệu được sử dụng trong báo cáo bao gồm: (1) Kết quả phỏng vấn sâu các tác nhân trong ngành hàng cà phê ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, Bộ NNPTNT; (2) Khảo sát sử dụng bảng hỏi 240 nông hộ trẻ hóa cà phê ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2014.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chỉ có 2 nước trồng cà phê thực hiện các chương trình trẻ hóa cà phê trên quy mô lớn, bao gồm Indonesia và Uganda. Đối với Indonesia,  lý do chính để thực hiện tái canh cà phê trên diện rộng là do tuyến trùng, trong khi đó ở Uganda là do bệnh héo trên cây cà phê gây ra do nấm Fusarium xylariodes (Syn. Gibberella xylariodes). Các quốc gia sản xuất cà phê lớn khác như Brazil, Colobia, Trung Mỹ, Ấn độ, Trung và Tây Phi, không thực hiện chương trình trẻ hóa cà phê trên diện rộng trong những năm gần đây.

Cả Indonesia, Uganda và các nước khác có vấn đề về tuyến trùng gây hại trên cà phê vối đã phải sử dụng gốc ghép dòng vô tính kháng tuyến trùng để đảm bảo tái canh thành công. Chính phủ Indonesia và Uganda đã hỗ trợ cho việc nghiên cứu, nhân rộng và phổ biến các dòng cà phê kháng bệnh chết héo, nâng cao khả năng kiểm soát các loại sâu bệnh hại.

Ở Việt Nam, kết quả điều tra cho thấy có2chiến lược trẻ hóađược người trồng cà phê áp phổ biến trong thực tế là: (1) ghép cải tạo, và (2) tái canh. Chiến lược thứ nhất gồm có 2 lựa chọn: ghép toàn bộ, và ghép từng phần hay ghép cuốn chiếu. Chiến lược thứ 2 cũng có 2 lựa chọn là tái canh hoàn toàn và tái canh từng phần hoặc tái canh cuốn chiếu với sự kết hợp các biện pháp canh tác bỏ hoang đất 6 tháng hoặc luân canh 1 năm.

Ghép cà phê có khả thi về mặt nông học áp dụng cho cây cà phê có bộ rễ khỏe, sinh trưởng tốt, thường dưới 20 năm tuổi – không bị mối gây hại. Mục đích của việc ghép là để thay thế các giống cũ cho năng suất thấp, hạt nhỏ và bị nhiễm bệnh gỉ sắt.

Tái canh cà phê được áp dụng cho những vườn cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi, hoặc những vườn có năng suất thấp: nhổ bỏ các cây cà phê già và trồng thay thế lại. Những vườn cà phê ở các nông hộ tái canh thành công chủ yếu là cây già cỗi không bị nhiễm bệnh và thường vào cuối thời kỳ khai thác.

Tổng chi phí đầu tư của ghép cà phê thấp hơn so với tái canh. Mô hình ghép hoặc tái canh từng phần có chi phí đầu tư cao hơn so với mô hình ghép hoặc tái canh toàn bộ. Tổng chi phí ghép từng phần và ghép hoàn toàn tương ứng là 116 và 107 triệu đồng trong giai đoạn kiến thiết cơ bản(2-3 năm tùy từng mô hình). Trong khi đó tổng chi phí đầu tư cho các mô hình tái canh 100% (toàn bộ);50% và 30% (từng phần) tương ứng là 210, 235 và 234 triệu đồng cho vườn cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản từ 3-6 năm tùy thuộc vào mô hình.

Người nông dân áp dụng phân bón nhiều hơn từ 15-40% so với khuyến cáo. Điều này cho thấy người nông dân đã sử dụng quá nhiều phân bón. Việc áp dụng tỷ lệ phân bón thích hợp có thể giảm bớt chi phí đầu tư cho trẻ hóa cà phê.

Chi phí trẻ hóa cà phê ở Lâm Đồng cao hơn ở Đắk Lắk. Điều này là do công lao động ở Lâm Đồng cao và số lượng vốn vay ở Lâm Đồng cũng cao hơn Đắk Lắk làm cho lãi suất phảitrả cũng cao hơn.

Mô hình ghép hoặctrẻ hóa từng phần khả thi về tài chính hơn so với mô hình ghép hoặc trẻ hóa toàn bộ mặc dù chi phí đầu tư cao hơn. Mô hình ghép hoặc tái canh toàn bộ có chi phi đầu tư thấp hơn trong khi lợi nhuận cao hơn so với mô hình ghép hoặc trẻ hóa từng phần. Tuy nhiên, mô hình trẻ hóa từng phần khả thihơn donhu cầu vay vốn thấphơn và người nông dân có thể tận dụng được lao động gia đình thay cho lao động thuê ngoài, trong khi họ vẫn còn một phần thu nhập từ diện tíchcà phê còn lại để ổn định cuộc sống trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Đồng thời, tỷ lệ hoàn vốn của các mô hình tái canh từng phần cao hơn so với tái canh toàn bộ.

Tiếp cận tín dụng là rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy việc trẻ hóa các điện tích cà phê già cỗi. Với thu nhập và tiết kiệm hiện nay, người nông dân không đủ nguồn lực thực hiện song song trẻ hóa cà phê và duy trì cuộc sống trong thời gian kiến thiết cơ bản (từ 2-5 năm tùy thuộc vào từng mô hình). Tái canh đòi hỏi lượng vốn vay nhiều hơn so với ghép cải tạo. Tương tự, mô hình ghép hoặc tái canh toàn bộ cũng đòi hỏi lượng vốnvay nhiều hơn so với mô hình ghép hoặc tái canh từng phần.

Thời gian ân hạn của chương trình tín dụng cho ghép cà phê nên kéo dài đến hết thời gian đạt đến điểm hòa vốntừ 52-54 tháng tùy thuộc vào mô hình phéptoàn bộ hoặc từng phần; và từ 82-83 tháng đối với các mô hình tái canh toàn bộ hoặc tái canh từng phần.

Hỗ trợ người nông dân đạt được năng suất tối ưu quan trọng hơn ưu đãi lãi suất. Phân tích độ nhạy cho thấy năng suất và giá cà phê có ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận từ tái canh cà phê, trong khi đó lãi suất không có tácđộng lớnđến lợi nhuận từtrẻ hóa cà phê cho cả vòng đời cây cà phê được trẻ hóa.

Dựa trên bằng chứng từ việc đánh giá các mô hình trẻ hóa cà phê đang được áp dụng trong thực tế hiện nay, nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị như sau:

- Rà soát lại qui hoạchtổng thể cà phê và xem xét lại đề xuất vềdiện tích trẻ hóa cà phê để tính đến khả năng sử dụng gốc ghép nuôi cây mô kháng tuyến trùng đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.

- Ban hành kế hoạch trẻ hóa cà phê vối, trong đó xác định danh mục cácmô hình trẻ hóa phùhợp với các điều kiện nông học, kinh tế, xã hội khác nhau.

- Rà soát và điều chỉnh quy trình ghép, tái canh hiệncó cho phù hợp với các mô hình và điều kiện áp dụng trong thực tiễn.

- Thúc đẩy và hỗ trợ liên kết giữa các tác nhân trong ngành hàng cà phê để kết nốigiữanghiên cứu và phát triển, chuyển giao và phát triển kỹ thuật, khuyến nông và tài chính theo kế hoạch trẻ hóa cà phê được phê duyệt.

- Hỗ trợ nghiên cứu, nhân rộng và phổ biến các dòng cà phê kháng tuyến trùng, quản lý và nâng cao khả năng kháng sâu bệnh hại, hỗ trợ cung cấp khuyến nông cho người nông dân.

- Hỗ trợ tiếp cận tín dụng dài hạn cho người trồng cà phê quy mô nhỏ đểthực hiện trẻ hóa. Ban hành quy trình cho vay để tạo thuận lợi và phù hợpvới ước tính dòng tiềncủa cácchiến lược và mô hình trẻ hóa cà phê. Thời gian ân hạn của một chương trình tín dụng trẻ hóa cà phê nên kéo dài đến thời gian đạt điểm hòa vốn.

Tải báo cáo

Báo cáo Bản tiếng anh


Tin khác