Bệ đỡ lung lay, triệu người bất an

09/10/2015

Việt Nam bứt phá tỷ đô nhờ TPP, nhưng các chuyên gia cũng không quên cảnh báo, khi hàng rào thuế bị phá dỡ, ngành nông nghiệp - bệ đỡ của kinh tế Việt Nam trong khó khăn, sẽ bị chịu tác động nặng nhất.

Nông nghiệp trả giá

Một điều đáng quan tâm là nông nghiệp - ngành đang tạo việc làm và thu nhập cho gần 70% dân số Việt Nam, có khả năng bị đe dọa lớn nhất từ hiệp định TPP - lại rất ít được đề cập đến trong các nghiên cứu trong nước và các cuộc thảo luận. Một cuộc chơi lớn mà ở đó, nông dân Việt Nam sẽ buộc phải tham gia trong khi không nắm rõ luật lệ, không hiểu về đối thủ và mình phải chuẩn bị vũ khí gì để đối phó. Khả năng cạnh tranh thành công của nông sản Việt vì thế là rất thấp - nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng.

Trong cuộc họp báo ngày 6/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, khi TPP có hiệu lực, hầu hết mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế còn 0% và một thời gian ngắn sau đó toàn bộ mặt hàng sẽ còn 0%. Lợi thế cạnh tranh với nông nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhất là với các sản phẩm vốn là thế mạnh như thủy sản và đồ gỗ. Quan trọng hơn cả là với thị trường rộng lớn TPP, Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Gạo dự trữ chờ xuất khẩu

Song, vị Thứ trưởng cũng thừa nhận, đã vào sân chơi chung thì nước nào mạnh sẽ thắng. "Việt Nam sẽ rất khó vào cuộc chơi lớn này nếu cứ duy trì cách quản lý chất lượng sản phẩm kém, nhất là chăn nuôi hộ, quy mô nhỏ lẻ sẽ rất khó cạnh tranh", ông Tuấn nói.

Còn theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), ngành mía đường dự báo sẽ gặp khó do việc tham gia TPP sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa, gỡ bõ các hạn ngạch nhập khẩu. Việt Nam sẽ vấp phải đối thủ cạnh tranh lớn là Australia - nước đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu mía đường, với chi phí sản xuất khoảng 20 USD/tấn trong khi Việt Nam cao gấp 2-3 lần.

Ngành chăn nuôi cũng đối mặt nhiều thách thức. Giá thành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang cao hơn 10% so với các nước trong khu vực. Chưa kể, thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn vào Việt Nam tới đây sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%, lại từ các nước có lợi thế lớn như Úc và Mỹ, thì chăn nuôi của Việt Nam khó có thể cạnh tranh nổi. Bởi, chưa vào TPP, thịt bò Úc và thịt gà công nghiệp Mỹ giá mềm đã bán đầy tại các siêu thị trong nước. 

Hơn nữa, với nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy trình giám sát chặt chẽ, thiếu khả năng chứng minh nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất sạch, nông sản Việt sẽ rất khó xâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... do vấp phải rào cản kỹ thuật (TBT) và các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS).

Ngược lại, chúng ta sẽ rất khó đưa ra các biện pháp này. Ngành sữa, chăn nuôi, trồng trọt (đậu, ngô), trái cây,... sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất từ phía hàng hóa nhập khẩu.

Hay, theo một báo cáo đặc biệt của hãng tin Reuters, TPP cũng là mối lo của người nuôi tôm Việt Nam. TPP sẽ buộc người nuôi phải từ bỏ việc dùng thuốc kháng sinh, tuân thủ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ,... khiến giá thành sản phẩm bị đội lên cao. Trong khi đó, Việt Nam lại phải nhập tôm từ Ấn Độ về chế biến xuất khẩu, trong khi nước này không phải là thành viên TPP. Khi đó, sẽ không đáp ứng được quy tắc xuất xứ và do vậy có thể bị mất ưu đãi về thuế quan khi xuất hàng vào Mỹ.

Ngành bơ sữa cũng sẽ chịu nhiều tác động, bởi số liệu từ Cục Chăn nuôi cho thấy, hiện sữa sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% như cầu của các nhà máy, còn lại 70% nguyên liệu là nhập khẩu.

Dệt may hưởng lợi

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ, đánh giá, việc tham gia TPP theo kịch bản xuất khẩu và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD, hay 28,4% và 10,5%, vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP.

Các doanh nghiệp sản xuất sợi, vải vẫn cần tăng cường đầu tư, tập trung sản xuất để        tận dụng lợi ích từ TPP.

Lợi ích với Việt Nam là rất rõ, bởi rất nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia,... vốn là thị trường lớn nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản,... cũng thuộc khối TPP. Ngoài ra, dòng vốn FDI từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý - ông Thành phân tích.

Có một chương đặc biệt quan trọng trong TPP được nhiều doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng, đó là về thương mại. Có tới 90% dòng thuế sẽ về 0% ngay khi TPP có hiệu lực; số còn lại sẽ về 0% sau một lộ trình dài nhất là 10 năm.

Trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất, dệt may được nhắc tới đầu tiên. Có tới 70% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam sang các thị trường trong TPP. Gia nhập TPP, thị phần kỳ vọng tăng gấp đôi. Riêng thị trường Hoa Kỳ có thể đạt kim ngạch 55 tỷ USD vào năm 2025.

Trong TPP, quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi sẽ được áp dụng với dệt may. Chẳng hạn, dệt may Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang Hoa Kỳ thì sợi buộc phải sản xuất tại Việt Nam, hoặc phải nhập từ các nước TPP.

Do đó, phát triển sản xuất nguyên liệu trong nước đang là sức ép với ngành dệt may, khi mà hiện nay chúng ta đang nhập tới 70% nguyên liệu từ Trung Quốc.

Trong thời gian từ nay đến hết 2016, đầu 2017, khi các nước chính thức ký kết hiệp định TPP và thực hiện vào năm 2018, các doanh nghiệp sản xuất sợi, vải vẫn cần tăng cường đầu tư, tập trung sản xuất để tận dụng lợi ích từ TPP.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, gia nhập TPP có thể kỳ vọng về một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Hiệp định này cũng mang lại quyền tiếp cận tự do cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, tạo cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như thủy sản, đồ gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển,...

Theo Vietnamnet


Tin khác