Hiến kế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên

24/07/2015

Tại “Hội thảo liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức chiều 24/7, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Trần Quốc Cường, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, hoan nghênh kết quả của các phiên hội thảo chuyên đề, tập trung làm rõ những vấn đề về kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt là sự cần thiết, vai trò và giải pháp thực hiện liên kết vùng trong phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực vùng Tây Nguyên; trên cơ sở tham khảo thực tiễn tổ chức liên kết ở các vùng khác trên toàn quốc. Những vấn đề liên quan đến liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên trong giai đoạn trước mắt cùng như dài hạn cần làm rõ là: Thể chế kinh tế vùng và cơ chế liên kết vùng ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; giải pháp hình thành các liên kết và nâng cao hiệu quả liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên; vai trò và sự tham gia của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc hình thành và phát triển các liên kết kinh tế.

Các đồng chí lãnh đạo các ban ngành điều hành hội thảo.

Báo cáo kết quả 3 phiên hội thảo chuyên đề, ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, các ý kiến tham luận của các phiên hội thảo chuyên đề đã làm rõ vai trò của Đảng bộ và chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên trong liên kết phát triển kinh tế vùng, để có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ hỗ trợ từ Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Vùng Tây Nguyên đã hình thành được những ngành hàng nông nghiệp quy mô lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su..., đóng góp rất quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu, cũng như vị thế Việt Nam trên thế giới. Du lịch trong vùng cũng đã phát triển mạnh mẽ, với trung tâm là Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và từng bước lan tỏa ra toàn vùng, gắn với đặc sắc về tự nhiên, văn hóa đặc thù Tây Nguyên. Công nghiệp Tây nguyên từng bước phát triển, nhất là chế biến nông, lâm sản, gắn kết với vùng nguyên liệu nông nghiệp hình thành chuỗi giá trị hàng hóa ngày càng phát triển. Sự phát triển hạ tầng nội vùng, kết nối với các vùng khác ngày càng hiện đại, nhất là việc khánh thành đường Hồ Chí Minh kết nối Tây Nguyên với các tỉnh trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong phần thảo luận của phiên toàn thể, các ý kiến đều đồng tình với việc phải tăng cường liên kết vùng trong mối quan hệ tổng thể với nền kinh tế. Cần tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng thể chế kinh tế vùng và liên kết vùng, phát triển trung tâm hạt nhân tại từng vùng kinh tế, đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong liên kết nội vùng và liên vùng. Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh vùng trong liên kết kinh tế.

Giải pháp tổng thể cho vấn đề liên kết phát triển vùng Tây Nguyên gồm liên kết phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết phát triển hạ tầng và liên kết phát triển du lịch; cần hình thành các nhóm đề án liên kết vùng cho các ngành, lĩnh vực; xây dựng chương trình phát triển liên kết vùng; nghiên cứu đề xuất chủ trương, cơ chế chính sách liên kết vùng cho du lịch, phát triển hạ tầng và đặc biệt là các ngành hàng nông nghiệp.

Kết quả hội thảo lần này là cơ sở để Ban Kinh tế Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các ban, bộ ngành tổng hợp, thống nhất báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về định hướng liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác