Nông nghiệp VN thiện chiến nhưng hậu cần kém, trinh sát tệ

21/05/2015

Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết “xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn nhất từ trước đến nay”.

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tuổi Trẻ và TS ĐẶNG KIM SƠN - viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn - dưới đây lý giải vì sao nông nghiệp VN đang kiệt sức.

Nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng, đang rất cần một hệ thống phân phối chuyên nghiệp thay vì vừa bán vừa kêu gọi “tình thương mến thương”

 

* Thưa ông, những tháng đầu năm 2015, trong khi kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm nay thì nông nghiệp lại sa sút, gặp rất nhiều khó khăn. Phải chăng nông nghiệp VN đã đến hồi kêu cứu?

- Nông nghiệp những tháng đầu năm nay đã bị giáng cùng một lúc hai đòn đau, đó là tình hình thời tiết bất thuận (hạn hán nghiêm trọng ở Tây nguyên, Nam Trung bộ) và thị trường suy giảm rất mạnh (trong đó có những thị trường giảm nghiêm trọng như lúa gạo, dưa hấu… vào Trung Quốc). Có nhiều trường hợp người nông dân vừa mất mùa vừa mất giá, chứ không chỉ là được mùa rớt giá như các năm khác. 

Câu hỏi của bạn là phải chăng nông nghiệp đang kêu cứu? Tôi xin nhắc lại là nền nông nghiệp của chúng ta đã trải qua một giai đoạn phát triển thần kỳ, đó là trong điều kiện ít được bảo hộ, ít được đầu tư nhất nhưng nông nghiệp luôn luôn tăng trưởng, liên tục suất siêu, làm trụ đỡ cho nền kinh tế.

Nhưng thành công đó chủ yếu là nhờ phát huy nội lực, trong hoàn cảnh ngày càng bị cạnh tranh gay gắt và đất đai sản xuất ngày càng bị thu hẹp, lao động chuyển dịch ra các ngành khác, vốn đầu tư cũng ít đi…, thì nền nông nghiệp đang kiệt sức dần và phải kêu cứu.

Tôi đã nói từ cách đây mấy năm là nông dân VN như người chiến sĩ đang chiến đấu kiên cường đã lâu mà chậm được tiếp viện, đạn dược gần hết, phải dùng tới lưỡi lê rồi.

Khi bệnh dịch lan tràn trên tôm, trên hồ tiêu, cả ngành chăn nuôi và thủy sản đều lao đao, thì lúc đó cần lắm một gói giải cứu nhưng không có, vậy nên hàng loạt nông dân phá sản. Doanh nghiệp nông nghiệp cũng cùng trong cảnh gian nan. 

* Câu chuyện thời sự nhất vừa qua là việc dư thừa hàng hóa, người nông dân làm ra mà không bán được hàng, gạo thì ùn ứ ở cửa khẩu và trong nước thì dưa hấu, hành tím phải kêu gọi sự động lòng của xã hội… Nhưng chúng ta không thể cứ mãi kêu gọi xã hội ăn thêm dưa, hành, cá ba sa, cơm gạo…. Vậy làm thế nào để cứu nông nghiệp ? 

- Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm cũ, không thể cứ làm ra thật nhiều, thật rẻ bởi làm như vậy sẽ tự giết mình, vì càng làm ra nhiều thì giá càng bị đẩy xuống thấp. Nông sản bán rẻ thì người tiêu dùng được lợi, chỉ số lạm phát thấp nhưng nông dân thì kiệt quệ. Nghịch lý là thế, vậy bây giờ phải làm sao, phải chăng là chúng ta giảm bớt sản xuất?

Theo tôi, không phải ở chỗ đó mà câu chuyện chính là phải mở rộng cửa thị trường, phải tiến vào các thị trường mới. Chúng tôi nghiên cứu thì thấy rằng thật ra trên thế giới nhiều nơi vẫn thiếu nông sản, vấn đề là chúng ta có đem đến nơi cần để bán được hay không.

Nói tóm lại, vấn đề lớn nhất hiện nay của nông nghiệp VN là mở cánh cửa thị trường. Đây là việc vượt ngoài khuôn khổ ngành nông nghiệp nhưng lại quyết định sự sống còn của nông dân.

Chúng ta cần thực hiện từ nghiên cứu thị trường (nhưng các nghiên cứu này phải đảm bảo chất lượng, tính khoa học và thiết thực cho sản xuất, không phải nghiên cứu kinh viện chỉ để đáp ứng các “đề tài”), thực hiện đàm phán để mở cửa ra thị trường, đến ngăn chặn, bảo vệ các hàng nhập biên mậu trái phép vào nước ta, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra thương hiệu, nhãn hiệu để sản phẩm VN có tiếng trên thế giới.

Chúng ta phải kết nối hàng hóa của mình với các chuỗi giá trị, siêu thị, phân phối ở bên ngoài để đưa hàng của mình ra. 

Về lâu dài, tất nhiên bản thân ngành nông nghiệp phải thay đổi một cách căn bản, chuyển từ sản lượng nhiều sang giá trị cao; không chỉ sản xuất các mặt hàng ta có thể làm được mà chọn các mặt hàng thế giới mong muốn nhất; không phải làm cái dễ nhất mà là làm cái mình có lợi thế cạnh tranh nhất. Đó là câu chuyện dài hạn và phải bắt tay làm ngay từ bây giờ. 

* Một người nông dân khi trồng lúa gần như không thể biết ở Trung Quốc người ta đang gia tăng diện tích sản xuất và dư thừa lương thực, Ấn Độ và Pakistan đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo, người trồng dưa hấu ở Quảng Nam cũng khó mà biết người trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi năm nay sản lượng tăng bao nhiêu… Nhưng cứ mỗi khi có chuyện, người nông dân lại bị đổ lỗi lên đầu là tại ông trồng nhiều nên nó thế…

- Tôi nghĩ không nên đổ lỗi cho người nông dân, ngay cả doanh nhân - người kết nối thị trường. Với sản xuất nhỏ như thế này, với chuyện liên kết lỏng lẻo như thế này, ở một số ngành hàng vẫn chỉ có một số doanh nghiệp nhà nước là có tiếng nói chính thì bản thân anh doanh nghiệp cũng không hoạt động hiệu quả với thị trường chứ đừng nói gì đến nông dân, đừng nói gì đến anh thương nhân nhỏ.

Rõ ràng chúng ta phải thay đổi lại toàn bộ cách tổ chức hệ thống thị trường trong cả nước để nối kết cái sản xuất nhỏ của chúng ta với nền hàng hóa sản xuất lớn và với thị trường toàn cầu hóa thật sự theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. 

* Để làm được những điều như ông nói phải trông đợi vào tái cơ cấu và ngành nông nghiệp đã đi đầu trong việc chuẩn bị và sớm phê duyệt hàng chục đề án tái cơ cấu, nhưng đến nay có người nhận xét là vẫn “án binh bất động”, chưa mang lại hiệu quả gì nhiều. Ý kiến của ông ?

- Ở Đồng Tháp, một nơi triển khai đề án tái cơ cấu rất tốt, có mấy ông nông dân đến hỏi ông chủ tịch tỉnh là tại sao tái cơ cấu rồi mà tôi vẫn không bán được hàng? Ông chủ tịch tỉnh nói rất hay: Tái cơ cấu nông nghiệp là làm ba việc chính. Một là mở cửa thị trường. Hai là phải áp dụng khoa học công nghệ. Ba là phải thay đổi về tổ chức sản xuất. Nông dân không làm nhỏ lẻ nữa mà liên kết hợp tác xã. Doanh nghiệp không thể làm như thế được mà phải liên kết với hiệp hội. Nông dân và doanh nghiệp phải kết nối với nhau. Cả ba việc trên không thể một sớm một chiều là làm xong và người thực hiện không phải chỉ là cán bộ lãnh đạo mà cần tới toàn dân, toàn xã hội cùng quyết tâm làm.

Trong cơ chế thị trường, muốn giúp nông dân bán được sản phẩm thì doanh nghiệp phải đi đầu và đương đầu. Doanh nghiệp không phải bán qua trung gian quốc tế mà phải bán vào chuỗi siêu thị quốc tế, bán vào chuỗi phân phối quốc tế. Tất cả thay đổi đó, khoa học công nghệ đó và mở cửa thị trường đó không thể diễn ra trong một ngày được nhưng cần tiến hành ngay bằng những việc cụ thể.

Đã gọi là tái cơ cấu là thay đổi về xương cốt, giường cột, thay đổi kết cấu chứ không phải thịt da, hay là chuyện tiếp nước, truyền máu mà có thể làm nhanh được. Chỉ có điều là chúng ta có bắt đầu hay không. 

Một điểm nữa của tái cơ cấu nông nghiệp là phải đi cùng tái cơ cấu kinh tế của cả nước, tái cơ cấu các ngành có liên quan chứ không chỉ có mình ngành nông nghiệp. Chẳng hạn như rất quan trọng là công nghiệp đầu vào, sản xuất phân, giống, thức ăn phải sản xuất ở trong nước chứ trông chờ vào nước ngoài như cách làm vừa qua.

Hay như vấn đề thị trường Nhà nước và các hiệp hội phải đầu tư nghiên cứu thật kỹ thị trường, thực hiện các chính sách mở cửa thị trường cho nông dân. Trước khi bán phải hiểu biết được khách hàng, phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật, phải phân tích được lợi thế cạnh tranh với những quốc gia, khu vực đang sản xuất cùng một hàng hóa như mình…

Những việc như vậy đâu chỉ một ngành nông nghiệp mà làm được? Tôi thấy rằng trong tái cơ cấu thì ngành nông nghiệp đã đi trước, nhưng các ngành khác dường như giậm chân tại chỗ, vậy có thể hy vọng gì được vào kết quả?  

* Làm sao để người nông dân nhận được lời khuyên tốt, ví dụ như trồng dưa hấu thì ở những nơi nào có lợi và chỉ giới hạn chừng ấy diện tích thôi? Hay vừa rồi có chuyện đưa cây mắc ca vào VN, có người gọi nó là “cây chiến lược” và hô hào mở rộng diện tích, nhưng nhiều nhà khoa học lại cảnh báo cẩn thận không thì mang họa… Thông tin nhiễu loạn như vậy người nông dân biết nghe ai bây giờ?

- Làm kinh tế cũng giống như đánh trận, trước khi ra chiến trường phải có trinh sát đi trước để nghiên cứu địa hình, nghiên cứu tình hình quân địch, rồi phân tích tương quan lực lượng… Lẽ ra là một cường quốc nông sản, VN phải có tham tán thương mại nông nghiệp ở tất cả các thị trường lớn để nghiên cứu xem họ buôn bán nông sản như thế nào, ăn uống ra làm sao, thị hiếu, sức mua như thế nào.

Chúng ta đánh một trận lớn với 50% lao động, 75% dân số mà không có rađa, trinh sát, không biết địch biết ta. Người nông dân chỉ có nhìn vào giá và giá đó là của ông thương lái. Còn ông thương lái lại dựa vào giá của ông doanh nghiệp. Còn trồng cây gì, con gì thì nông dân chỉ nhìn sang ông hàng xóm. Thấy ông hàng xóm buôn bán được thì tôi lại bắt chước, làm ào ào rồi khi thất bát lại chặt bỏ đi. Cho nên câu chuyện rất quan trọng như cây mắc ca thì đã có ai nghiên cứu đâu.

Hay chuyện cá ngừ đại dương năm trước đưa sang Nhật bảy con, năm nay đưa sang chín con, tốc độ chậm chạp và quy mô manh mún như vậy thôi. Đã đến lúc phải hình thành các cơ quan nghiên cứu thị trường thật chuyên nghiệp, các hệ thống cung cấp thông tin minh bạch cho nông dân và doanh nhân, các tổ chức tư vấn giúp phát triển và bảo vệ thị trường. Đây là nhóm dịch vụ công mới cần phải ưu tiên đầu tư và huy động mọi thành phần kinh tế cùng tham gia.

* Đó là ông mơ ước thị trường quốc tế nhưng với thị trường trong nước thì cũng đang làm không ổn. Vừa rồi Tổng bí thư tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội, có một bác nội trợ phản ảnh là rất thương bà con trồng hành tím ở Sóc Trăng nhưng không biết giúp bằng cách gì, bởi mua một lạng hành tím ở Hà Nội giá cao hơn gấp mười lần nơi sản xuất… Điều này cho thấy người nông dân vẫn đang bị tước đoạt giá trị lao động ngay trong đất nước của mình?

- Hành tím, dưa hấu, gạo, xoài, nhãn, vải… giá cả vẫn chênh lệch nhau ghê gớm giữa các vùng miền trong nước. Đó là một thực tế rất đáng buồn. Nhưng đây không phải chỉ là chuyện thông tin hay thị trường như tôi phân tích ở trên mà lại là câu chuyện của giao thông vận tải.

Bạn biết đấy, khi người Mỹ muốn khai thác nông nghiệp vùng Califonia thì việc đầu tiên là người ta xây đường sắt, người Nga muốn tiến vào Siberi thì đầu tiên phải có đường sắt. Xưa kia muốn khai thác và bán hàng vào đâu đó thì người ta mở ngay con đường biển, nay là đường cao tốc.

Nhưng tôi hỏi bạn ở VN cả vùng Tây nguyên sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn như vậy thì có đường sắt không, có đường cao tốc không? Ở đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp tốt nhất Đông Nam Á nhưng không có mét đường sắt nào và chỉ có mấy chục kilômet đường cao tốc nối với TP.HCM. Hãy nhìn vào sự quá tải của đường 14 ở Tây nguyên, nhìn vào sự chậm chạp lưu thông trên các con đường miền Tây Nam bộ thì chúng ta sẽ hiểu vì sao giá cả chênh lệch dữ dội như vậy.

Chi phí giao thông đắt đỏ như vậy thì không thể trách cứ doanh nhân. Chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, từ đó tính ngược trở lại cái hao hụt, thì nó làm đội giá thành của nông sản VN cao kinh khủng so với các nước như Thái Lan, Philippines…

Nông nghiệp Việt Nam như một đội quân thiện chiến nhưng hậu cần kém cỏi, trinh sát tồi tệ thì đánh thắng thế nào được, chưa kể là không có máy bay, pháo binh yểm trợ. Tôi cho rằng giao thông, công nghiệp và các ngành khác của chúng ta vẫn chưa đồng hành cùng nông nghiệp.

Theo Tuổi trẻ


Tin khác