“Bắt bệnh” trái cây ùn tắc tại cửa khẩu

08/06/2015

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc truy tìm nguyên nhân nông sản Việt Nam xuất khẩu sụt giảm đầu năm 2015, trái cây liên tục ùn tắc kéo dài tại cửa khẩu, Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn vừa tổ chức một cuộc điều tra thực địa để tìm ra căn bệnh thực sự của tình trạng “đến hẹn lại lên” rất nóng bỏng này.

Hàng nhiều, “chất” kém, giá cao

Tại cuộc hội thảo đi tìm nguyên nhân xuất khẩu nông sản Việt Nam sụt giảm tổ chức ngày 6-6 tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều đại biểu Quốc hội và các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu trái cây - nông sản, TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng thuộc Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), người dẫn đầu nhóm điều tra khảo sát khẳng định đã “bắt” được căn bệnh của hiện tượng trái cây Việt Nam liên tục ùn tắc khi đưa sang thị trường Trung Quốc. 

Xe chở dưa hấu đưa sang Trung Quốc bị ùn tắc hàng loạt tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn.

“Chúng tôi đã tổ chức khảo sát tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn và sang các cửa khẩu Trung Quốc, đi sâu vào tận Bằng Tường, khu vực Quảng Tây - Trung Quốc để tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao dưa hấu, nhãn, vải, thanh long, sầu riêng, xoài, chuối… của chúng ta cứ năm nào cũng ùn ứ hàng loạt tại cửa khẩu”- TS Nguyễn Trung Kiên mở đầu câu chuyện. Từ năm 2010 đến nay, không năm nào không có ùn tắc.

Theo TS Kiên, bên cạnh những lý do đã biết như phía Trung Quốc luôn áp dụng các quy trình kiểm tra kiểm dịch chặt chẽ theo quy định đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu, các dự án về mở rộng cơ sở hạ tầng - bến bãi tập kết nông sản của Việt Nam hiện vẫn dậm chân tại chỗ… thì những lý do quan trọng hơn, đó là chất lượng, quy trình đóng gói, mẫu mã và giá bán của nhiều mặt hàng nông sản, trái cây Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Điều đó dẫn tới hàng của Việt Nam bán chậm, giá rẻ và các tư thương thoải mái ép cấp - ép giá hàng từ Việt Nam. Trong khi việc mua bán của các doanh nghiệp Việt Nam với tư thương Trung Quốc chủ yếu thông qua thỏa thuận theo kiểu “đi chợ” và phải thông qua mạng lưới “tải xích” (tức “cò” người Trung Quốc hoặc Việt Nam biết tiếng Trung Quốc) chứ không có hợp đồng thương mại.

“Điều đáng lo là chúng ta đang đua nhau đưa dưa lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc nhưng tại Trung Quốc cũng đang trồng rất nhiều dưa hấu”- ông Nguyễn Trung Kiên chia sẻ. Vụ thu hoạch dưa của Trung Quốc chỉ sau của chúng ta khoảng 1 tháng và giá dưa hấu bán tại TP Nam Ninh - cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 240km chỉ có giá 2,6 NDT (tương đương 9.000 đồng/kg, còn rẻ hơn cả dưa hấu Việt Nam bán tại Hà Nội. Nhưng điều quan trọng là dưa Việt Nam thua dưa Trung Quốc về chất lượng lẫn giá cả. “Chúng tôi đã ăn thử dưa tại ruộng và tại chợ của Trung Quốc, dưa ngọt và màu sắc đẹp hơn nhiều” - ông Kiên nói. 

Tương tự, Trung Quốc hiện nay cũng đang trồng rất nhiều vải thiều, quả không ngon bằng Việt Nam nhưng từ tháng 5 đã có trái chín để bán (trước vụ vải của Việt Nam 1 tháng) nên nhiều khi còn tràn ngược sang Việt Nam. Theo ông Kiên, đây là nguyên nhân cốt lõi.

Nỗi lo “cơn bão” nông sản ngoại

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và nhiều chuyên gia có mặt tại buổi hội thảo cho rằng đây thực sự là nỗi quan ngại lớn cho ngành nông nghiệp của chúng ta. Từ cách đây 13 năm đã có cảnh dưa hấu miền Trung, miền Nam bị ùn tắc tại Lạng Sơn và cho đến nay vẫn vậy. 

Dưa hấu xuất khẩu bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn.

Theo Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, nhiều loại trái cây của Việt Nam như vải thiều, thanh long… không còn là lợi thế độc quyền của Việt Nam nữa. “Các chuyên gia của Trung Quốc nói với chúng tôi rằng, bây giờ các anh trồng được cây gì thì chúng tôi cũng có cây đó. Thậm chí Trung Quốc có hẳn cả vùng trái cây ôn đới và nhiệt đới”. Nếu Trung Quốc sản xuất với sản lượng lớn thì sẽ tràn ngược sang thị trường nước ta. 

TS Nguyễn Trung Kiên cũng bổ sung thêm thông tin, hiện nay Trung Quốc đang hỗ trợ và đầu tư rất mạnh cho nông nghiệp ở khu vực tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. “Có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho chúng tôi biết trước đây kinh doanh máy tính, linh kiện điện tử nhưng bây giờ có chút vốn đã chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp”. Tại Bằng Tường - Trung Quốc hiện nay đang khát lao động và có rất nhiều lao động Việt Nam được thuê sang để làm nông nghiệp, phân loại trái cây, đóng gói… với mức lương trả tới 8-10 triệu đồng/tháng. 

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cùng cho rằng, nếu cứ duy trì cách sản xuất và tiêu thụ nông sản như hiện nay, không có sự đầu tư đột phá về khoa học công nghệ, thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa theo hướng cạnh tranh về giá cả và chất lượng thì nông sản của chúng ta sẽ đối mặt với một cơn bão nông sản - trái cây ngoại tràn vào nội địa. Giải pháp để ứng phó được được đề nghị là phải nhanh chóng xây dựng hệ thống chủ động điều tra khảo sát thị trường để chủ động thông tin hướng dẫn cho bà con nông dân và doanh nghiệp, điều tiết lại lịch thời vụ, xây dựng mạng lưới đối tác nhập khẩu uy tín, hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, nâng cao chất lượng và khai thác những thị trường tiềm năng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch.

Theo Sài Gòn giải phóng


Tin khác