Sóng ngầm ngành nông nghiệp

28/03/2015

Những dự án lớn của nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau đang chảy vào nông nghiệp, nhưng lại đầu tư vào nông nghiệp... nước ngoài thay vì trong nước. TBKTSG đã phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), xung quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

TBKTSG: Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã công bố những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng không phải trong nước mà ở... nước ngoài. Với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Đúng là gần đây có hiện tượng nhiều doanh nghiệp lớn trong nước ra nước ngoài đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến sữa. Điển hình như trường hợp của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đầu tư vào mía đường, cao su tại Lào, Campuchia. Vinamilk đầu tư chế biến sữa tại New Zealand, Ba Lan, Mỹ... đồng thời, công ty này cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy 23 triệu đô la Mỹ tại Campuchia mà Vinamilk nắm giữ 51% vốn. Hay như Nova Group, một công ty chuyên xây dựng các dự án bất động sản lớn tại TPHCM, đang hợp tác với tập đoàn Kerry (Ireland) để phát triển dự án trị giá 50 triệu đô la Mỹ tại Ireland nhằm cung cấp sản phẩm sữa bột công thức dinh dưỡng cho trẻ em trong nước....

Tuy nhiên, hiện tượng này chưa diễn ra phổ biến, chủ yếu mới chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam hoặc không có lợi thế sản xuất hoặc có thị trường tiêu thụ tốt như mía đường, sữa, thịt bò, cao su...

Ví dụ như sữa, rõ ràng Việt Nam không có đủ diện tích, thiếu đồng cỏ cho chăn nuôi bò trong khi nhu cầu thị trường ngày càng lớn, mức tăng trưởng tiêu dùng sữa trong nước khoảng trên 20%/năm trong 10 năm gần đây. Trong khi giá sữa sản xuất trong nước cao, muốn giảm giá thành họ phải đầu tư ở nước ngoài.

TBKTSG: Vậy đây có phải là xu hướng đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?

- Đây là một xu hướng nhưng không phổ biến. Hiện nay đang có sự chuyển dịch ngầm của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trước đây phát triển nóng như chứng khoán, bất động sản, khai thác khoáng sản... sang lĩnh vực nông nghiệp như HAGL, Hòa Phát, Đức Long Gia Lai, Bất động sản Phát Đạt, Chứng khoán Sài Gòn (SSI)... Chưa kể các doanh nghiệp trước đây đã đầu tư trong nông nghiệp và nay mở rộng hoạt động.

Điều này hoàn toàn liên quan đến câu chuyện thị trường, khi cơ hội đầu tư ngắn hạn đã hết thì nguồn vốn buộc phải chảy sang lĩnh vực đầu tư bền vững, dài hơi hơn. Trong khi, nông nghiệp còn rất nhiều khoảng trống để đầu tư. Đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sau thu hoạch.

Về ứng dụng công nghệ cao, có các doanh nghiệp như TH True Milk và HAGL đã sử dụng công nghệ Israel vào sản xuất để đưa ra những sản phẩm chất lượng với năng suất cao hơn, tạo được thương hiệu tại thị trường trong nước. Hay nhiều doanh nghiệp nuôi tôm bằng công nghệ cao cho năng suất lên tới vài trăm tấn/héc ta/năm...

Bên cạnh đó là lĩnh vực chế biến và kinh doanh nông sản. Ở các nước, giá trị dịch vụ đầu vào, chế biến và dịch vụ đầu ra cho sản phẩm (agribusiness) so với sản phẩm thô thường gấp hai lần (như đối với Thái Lan) và hơn ba lần (đối với Israel). Còn với Việt Nam, hai phần này tương đương nhau. Điều này chứng tỏ dư địa đối với chế biến và kinh doanh nông sản còn rất lớn.

TBKTSG: Nhưng tại sao theo thống kê của cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp đang giảm, đặc biệt là từ khối FDI?

- Tổng đầu tư xã hội vào nông nghiệp cách đây hơn 10 năm vào khoảng hơn 10% thì gần đây giảm xuống còn khoảng 5-6%. Đầu tư tư nhân vào nông nghiệp xoay quanh khoảng 4% tổng đầu tư tư nhân, còn FDI trong nông nghiệp giảm từ 2-3% trước đây xuống còn khoảng 1% tổng vốn FDI.

Con số này vẫn thể hiện dư âm của thời tăng trưởng nóng dựa vào vốn đầu tư nước ngoài, chứng khoán, bất động sản, ngành công nghiệp lớn. Sau khi có những cú lên xuống ảo của thị trường tài chính, bất động sản... thì nguồn vốn nay đã cẩn trọng hơn, họ lựa chọn kỹ càng hơn và nông nghiệp là một trong lĩnh vực mà nhiều “ông lớn” đang cân nhắc.

Ví dụ như một số nhà đầu tư bất động sản giờ chuyển sang hướng tới xây dựng chuỗi siêu thị trên toàn quốc. Đương nhiên, họ phải tính tới xây dựng thương hiệu cho siêu thị, mà thực phẩm tươi sống đóng vai trò quan trọng nhất. Đây là động cơ để nhà đầu tư đầu tư vào toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, từ cánh đồng đến bảo quản, chế biến, phân phối. Hay các ngân hàng trước là chỗ dựa của lĩnh vực chứng khoán, bất động sản thì nay cũng chuyển sang hỗ trợ rất mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ từ cú hích chính sách của Nhà nước như Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp; Quyết định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 14 của Chính phủ về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và liên kết với nông dân...

Đây là những tín hiệu để các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp và chắc chắn trong thời gian tới, tổng đầu tư của xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng lên.

TBKTSG: Tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp của dòng vốn FDI so với các ngành khác rất thấp, chỉ chiếm chưa đầy 1%. Liệu chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào nông nghiệp đã đủ mạnh?

- Thực tế trên toàn thế giới, tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp cũng rất thấp. Argentina, nước dẫn đầu về thu hút FDI vào nông nghiệp, thì lượng vốn FDI cho nông nghiệp cũng chỉ chiếm khoảng 6% tổng đầu tư FDI vào nước này.

Điều này là do các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm nông nghiệp chủ yếu để phục vụ luôn thị trường trong nước như ngành thức ăn chăn nuôi. Hoặc, họ đầu tư vào sản xuất và chế biến thô, sau đó chuyển về nước mình hoặc mang sang các nước gần thị trường tiêu thụ để chế biến sâu hơn. Điều này có nhiều lý do, ví dụ như chi phí vận chuyển và hao hụt khi xuất khẩu sản phẩm thô cùng chủng loại đơn giản hơn nhiều so với sản phẩm tinh với nhiều loại mặt hàng khác nhau; việc đóng gói, tạo thương hiệu, nhãn mác cũng đơn giản hơn khi làm gần thị trường tiêu thụ ở nước ngoài vì trên thực tế các sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu cần nguyên liệu từ nhiều nước khác nhau...

Lý do quan trọng hơn là các nước nhập khẩu nông sản cũng muốn tạo việc làm cho người lao động nước họ. Chính vì vậy mà có một thực tế là các doanh nghiệp cá tra trong nước muốn chế biến cá tra thành sản phẩm tinh rồi phân phối tại các siêu thị nước ngoài nhưng không làm được vì các nhà phân phối tại các nước nhập khẩu không sẵn sàng hợp tác.

Bên cạnh đó cũng còn một số rào cản đối với đầu tư FDI vào nông nghiệp như việc tiếp cận nguồn cung ứng nguyên vật liệu, đất đai, thị trường đầu ra... Chính vì vậy, tỷ trọng FDI vào nông nghiệp vẫn thấp.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát: Thức ăn gia súc sẽ là lĩnh vực trọng tâm

Hòa Phát là một tập đoàn đa ngành nhưng lĩnh vực cốt lõi là sản xuất thép. Hiện nay, tổng giá trị thị trường thép xây dựng của Việt Nam chỉ khoảng 3 tỉ đô la Mỹ và Hòa Phát đã chiếm thị phần 20% ngành thép rồi. Nếu Hòa Phát đầu tư phát triển hơn nữa trong ngành này thì cũng chỉ giới hạn trong một mức nào đó thôi chứ không thể tăng trưởng mãi được. Chính vì vậy, Hòa Phát phải tìm một lĩnh vực khác để đem lại giá trị và hiệu quả đầu tư cao hơn.

Thị trường thức ăn gia súc và chăn nuôi có doanh số lớn, khoảng 16-17 tỉ đô la. Đây là lĩnh vực thống lĩnh của các doanh nghiệp FDI và gần như chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có tiềm lực đủ mạnh để giữ vị trí tương đối trên thị trường. Quan điểm của Hòa Phát là với mỗi đất nước thì doanh nghiệp nội địa vẫn là những doanh nghiệp chủ lực sẽ đem lại sự phát triển cho đất nước. Do đó, Hòa Phát xác định lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc sẽ là lĩnh vực trọng tâm của tập đoàn trong vài năm tới.

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên của Liên minh Nông nghiệp: Nhận thức về sản phẩm nông nghiệp đã thay đổi

Gần đây, không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đã bắt đầu “để mắt” tìm cơ hội và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Đây hoàn toàn là do tín hiệu thị trường và họ đang đặt cược thực sự vào nông nghiệp, bằng tâm huyết và bằng số tiền đầu tư rất lớn.

Điều này là do những năm gần đây, nhận thức về nông nghiệp và nông thôn đã bắt đầu thay đổi. Đầu tiên là vai trò của nông nghiệp ngày càng quan trọng trong bối cảnh tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ thiếu lương thực và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Hơn nữa, quan niệm về an ninh lương thực đã thay đổi rất nhiều. Người ta không nhìn an ninh lương thực chỉ là đủ lương thực mà còn là vấn đề tiếp cận được lương thực thực phẩm an toàn, an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ dinh dưỡng...

Bên cạnh đó, trước đây, nông nghiệp bị đè nén, giá cả đầu ra thấp và nhiều khi nông nghiệp phải chịu hy sinh cho công nghiệp hóa. Đặc biệt, trước kia người ta nhìn nhận nông nghiệp là nơi đầu tư không sinh lời tốt như lĩnh vực khác. Những năm trước đây, tăng trưởng nông nghiệp chỉ 3-4% là cao, trong khi công nghiệp từ 7-8%, dịch vụ từ 9-10%. Như vậy, những người có tiền sẽ chỉ muốn đầu tư vào lĩnh vực có lợi nhuận cao hơn chứ không ai muốn đầu tư vào nông nghiệp.

Nhưng khoảng 7-8 năm gần đây, giá cả lương thực thực phẩm đã tăng mạnh. Đó là do cách nhìn và đòi hỏi về sản phẩm nông nghiệp đã thay đổi. Người ta bắt đầu nhìn sản phẩm nông nghiệp với rất nhiều nhân tố từ nghiên cứu triển khai, giống, trồng, sơ chế, chế biến, phân phối ra thị trường... tức là nhìn vào chuỗi giá trị của sản phẩm. Với cái nhìn mới này, giá cả sản phẩm nông nghiệp phản ánh đúng hơn, giá trị gia tăng cao hơn, khả năng kiếm được lợi nhuận tốt hơn. Như vậy, sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gia tăng rất cao và đây cũng đang là mảnh đất mà doanh nghiệp có thể đầu tư và kiếm lời, không thua kém các lĩnh vực khác và mang tính bền vững hơn.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Tin khác