Tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp: Khi khoa học công nghệ thay thế chân tay

24/12/2014

Thực hiện Đề án tái cơ cấu, trong năm 2014 hầu hết các chỉ tiêu chính của ngành nông nghiệp đều có tốc độ tăng trưởng khá so với năm 2013, trong đó GDP toàn ngành đạt 3,31% và giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,58% so với năm 2013.

Năm 2014 toàn ngành nông nghiệp tập trung thực hiện Đề án Tái có cấu (TCC) của chính phủ  với những nội dung ưu tiên: Quy hoạch lại quy mô sản xuất nông nghiệp, tăng tích tụ ruộng đất cho người dân;  thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng và nhu cầu của thị trường; và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; năm đào tạo nghề và khuyến khích người nông dân chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất.

Cần nhiều nỗ lực để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Với việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án TCC, toàn ngành nông nghiệp đã thu được nhiều thành tựu, lấy lại được đà tăng trưởng với mức tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,31% (tăng 0,67% mức tăng của năm 2013). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 829.300 tỷ đồng, tăng 3,58% so với 2013, trong đó, nông nghiệp đạt 618.100 tỷ đồng, tăng 2,63%; lâm nghiệp đạt 23.900 tỷ đồng, tăng 6,6%; thuỷ sản đạt 187.300 tỷ đồng, tăng 6,43%.

Nhân dịp cuối năm PV đã có dịp trao đổi với TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay ngành nông nghiệp đang ráo riết triển khai việc TCC ngành nông nghiệp. Vậy, ông cho biết TCC này diễn ra ở trên các vùng miền có gì khác nhau?

TCC nông nghiệp của chúng ta hiện nay đang diễn ra ở rất nhiều địa phương vì nó xuất phát từ việc phát huy lợi thế từng vùng miền, do đó mỗi một vùng, tùy theo điều kiện môi trường, kinh tế, xã hội và thị trường mà họ lựa chọn cho mình cái ngành hàng nào có lợi thế nhất. Chính vì thế, nó rất là khác biệt. Có vùng thì ven biển là thủy sản, miền núi là lâm sản, ở trung du có thể chăn nuôi hoặc các cây công nghiệp dài ngày, còn ở đồng bằng thì là lúa gạo, cá da trơn. Các ngành hàng là khác nhau, mỗi ngành hàng lại có một hệ thống công nghệ khác nhau và đổi mới về thể chế khác nhau nên tái cơ cấu này diễn ra hết sức đa dạng và tùy theo đặc thù của từng vùng miền.

Vậy lộ trình thực hiện TCC sẽ diễn ra như thế nào trong những năm tới?

Nói về tiến độ nói chung, các quá trình bắt đầu tái cơ cấu đề bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, tuyên truyền vận động để cho mỗi một người ở trong toàn bộ chuỗi giá trị từ người sản xuất, người chế biến đến người kinh doanh, thậm chí ở nhiều nơi đến cả người tiêu dùng thay đổi cái tư duy, cách thức, hành vi, hành đông của mình. Sau đó, chúng ta phải làm một số mô hình điểm để mà từ đó đề xuất ra những giải pháp chính sách và thể chế mới phù hợp với từng địa phương, đưa ra những giải pháp về mặt kỹ thuật, phù hợp với các ngành hàng. Sau khi quá trình làm điểm là quá trình nhân rộng nó ra đồng thời thay đổi hệ thống chính sách ở địa phương và của trung ương để quá trình tái cơ cấu diễn ra trên toàn diện.

Vậy lộ trình TCC đó có xuất hiện những chuỗi giá trị mới không, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, hiện nay các nông sản của nước ta đa số đã sản xuất để tiêu thụ cho thị trường cho dù người sản xuất của ta là người sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, ở đây có thể người ta gọi là chuỗi sản xuất chứ chưa phải là chuỗi giá trị, tức là nó có nối với nhau nhưng nó bị cắt đoạn rất phập phù và không có sự nâng cao giá trị. Khi đã chuyển từ chuỗi sản xuất sang chuỗi giá trị thì đây là bước tiến rất lớn và đây chính là nội dung chính của quá trình tái cơ cấu, đưa khoa học công nghệ vào, cải tiến về tổ chức thể chế và xây dựng lại toàn bộ cái phát huy các tài nguyên về khoa học công nghệ, quản lý, về con người, đưa nó lên một chất lượng mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Dân trí


Tin khác