Doanh nghiệp kiến nghị bỏ quota xuất khẩu gạo: Lúc lỏng lẻo, lúc lại hà khắc quá!

03/11/2015

"Lúc đầu vì lỏng lẻo quá mà không kiểm soát được về sau lại hà khắc quá mà không xuất được hàng, đó chính là hai thái cực của chuyện xuất khẩu gạo Việt Nam" - ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt chia sẻ cùng NNVN.

Ông Trần Xuân Định

Áp lực gia tăng

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay thế nào thưa ông?

Hiện nay việc tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì áp lực cạnh tranh rất lớn đến từ những nước mới nổi.

Ngoài những nước có vị thế về xuất khẩu gạo như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ thay nhau xếp 1, 2, 3 còn có một số quốc gia khác như Pakistan, Mỹ; gần đây có thêm Myanmar, Cambodia.

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, năng suất lúa tăng nhanh dù diện tích trồng có thể giảm đi. Nước ta, diện tích đất lúa từ 4,2 triệu ha giảm xuống còn 3,8 triệu ha; tùy vùng làm 2-3 vụ lúa/năm, do vậy diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam biến động 7,8-7,9 triệu ha.

Xu hướng tiêu dùng cũng đã thay đổi mạnh. Bình quân trước đây một người dùng khoảng 14-15 kg gạo/tháng thì bây giờ chỉ còn 10-12 kg thậm chí nhiều bộ phận cư dân có thu nhập cao chỉ dùng 7-8 kg, do cơ cấu dinh dưỡng đã được bổ sung bằng rau, quả và thịt, sữa.

Dù dân số tăng lên nhưng vì tiêu thụ gạo bình quân đầu người ít đi nên áp lực tiêu thụ là rất lớn. Việt Nam có sản lượng lúa khoảng 45 triệu tấn, trừ đi nhu cầu tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, làm giống, dự trữ… đến 2020 mỗi năm Việt Nam vẫn còn dư 7-8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Áp lực tiêu thụ vào vụ thu hoạch lớn, nhất là ở ĐBSCL với xu hướng bán lúa tươi đã khiến giá thóc tụt xuống. Chính phủ phải can thiệp bằng giải pháp mua tạm trữ với một lượng tiền rất lớn hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trước đây, khi cơ chế xuất khẩu còn thoải mái nên “trăm hoa đua nở”, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia thành ra không chỉ huy được, hiện tượng tranh mua, tranh bán xảy ra.

Lúc mua họ ép giá bà con bán rẻ, lúc bán vì không thể thỏa thuận được với nhau nên mạnh ông nào ông ấy chạy. Bằng mọi cách để tiêu thụ hàng nên phá giá, dìm giá, làm mất vị thế của hạt gạo Việt Nam.

Cuối cùng nông dân là người gánh chịu thiệt thòi nhất bởi các nhà xuất khẩu bán được cao thì mua vào giá cao, còn bán thấp rõ ràng họ sẽ mua vào giá thấp.

Trước bối cảnh đó, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 109 ngày 4/11/2010 quy định một số điều kiện kinh doanh và xuất khẩu gạo.

Mục tiêu của Nghị định là tốt, đưa ngành nghề này trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện để điều hành chung, để làm sao hạt gạo Việt Nam không mất thế, mất giá.

Trong những năm thực hiện Nghị định 109, việc xuất khẩu gạo của ta đi vào trật tự hơn. Vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như việc đàm phán, mở thị trường mới nề nếp và quy củ hơn.

Tuy nhiên thời điểm năm 2010 khi Nghị định ra đời, điều kiện đưa ra cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo mới chỉ là hạ tầng có kho chứa 5.000 tấn trở lên, có nhà máy xay xát 10 tấn/giờ. Với điều kiện này tôi nghĩ phần đa các doanh nghiệp lớn đều đồng tình.

Nhưng về sau này, các doanh nghiệp xuất khẩu lại thắc mắc nhiều về quy định vùng nguyên liệu. Nó bất hợp lý ở chỗ nào? Nó làm khổ cho người nông dân lẫn doanh nghiệp chế biến gạo ra sao?

Năm 2015, Bộ Công thương có Ban hành quyết định 606 ngày 21/1/2015 quy định lộ trình về vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo hình thức liên kết cánh đồng lớn.

Doanh nghiệp ngoài tiêu chí hạ tầng như kho chứa, dây chuyền sản xuất phải thêm cả lộ trình vùng nguyên liệu nữa.

Có thể với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn thì phù hợp nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng vào mặt hàng có giá trị cao thì quy định lại tạo ra rào cản, bất lợi cho họ.

Cụ thể, họ khó mà đáp ứng được yêu cầu bởi thay vì xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo như các doanh nghiệp lớn họ chỉ có những đơn hàng rất bé, do khách hàng truyền thống đặt.

Bù lại lượng hàng nhỏ này có giá trị rất cao như gạo Japonica, gạo hữu cơ. Phân khúc thị trường gạo Japonica trên thế giới hiện chỉ chiếm khoảng 10% nhưng giá bán lại rất cao, có thể đạt hơn 1.000 USD/tấn trong khi gạo thường chỉ trên dưới 400 USD/tấn.

Không đáp ứng theo vùng nguyên liệu trong quy định như vậy có nghĩa sẽ không được quyền xuất khẩu, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời khiến cho nông dân bị thiệt thòi.

Rõ ràng là trong bối cảnh chúng ta đang hướng vào nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất, tập trung làm những mặt hàng có giá trị cao thì quy định đó không phù hợp.

Thêm vào đó với đặc thù của miền Bắc là quy mô ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún. Doanh nghiệp dù có thể đáp ứng về kho chứa hàng, về dây chuyền sản xuất gạo nhưng để có vùng nguyên liệu lớn là chuyện rất khó.

Giống lúa Nhật chất lượng trồng tốt ở trung du, miền núi, giá xuất khẩu rất cao

Chính sách vùng nguyên liệu phi thực tế ở chỗ nào thưa ông?

Ở miền Bắc khó mà tìm ra được những cánh đồng thẳng cánh cò bay như ở miền Nam. Quy mô sản xuất của mỗi hộ gia đình rất nhỏ nhưng bù lại miền Bắc lại có những lợi thế nhất định về khí hậu.

Như lúa Japonica sản xuất ở những tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với khí hậu mát mẻ sẽ đạt chất lượng gạo rất tốt. Tuy nhiên cũng ở các tỉnh miền núi phía Bắc mà quy định lộ trình vùng nguyên liệu gạo theo hình thức cánh đồng lớn là rất khó.

Cho nên theo Quyết định 62 của Chính phủ về liên kết tiêu thụ theo dạng cánh đồng lớn, thông tư hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, thì quy mô của cánh đồng lớn được giao cho các tỉnh chủ động xây dựng và đưa ra các tiêu chí của mình cho phù hợp với thực tế.

Dễ nảy sinh lừa dối

Quy định không sát với thực tế dễ nảy sinh lừa dối như không có vùng nguyên liệu muốn xuất khẩu được phải làm thủ tục để hợp thức hóa. Không có quota xuất khẩu nên phải “chạy” hoặc núp bóng dưới danh nghĩa một doanh nghiệp khác để rồi mất thêm chi phí?

Rõ ràng khi doanh nghiệp có bạn hàng, có hợp đồng xuất khẩu mà không đáp ứng được một số tiêu chí theo quy định thì phải tìm cách hợp pháp hóa các thủ tục.

Cơ chế chính sách cần thông thoáng hơn, điều chỉnh làm sao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ. Có nhiều doanh nghiệp phản ánh lại rằng lúa gạo nông dân làm ra đang dư thừa, tôi bán được lại ra điều kiện phải thế này, thế kia mới được phép bán.

Điều đó hơi ngược đời và có gì đó rất không hợp lý, theo tôi những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có hợp đồng, có ngày tháng giao hàng với số lượng cụ thể thì kiểm tra, giám sát nếu thấy đúng như vậy thì tạo điều kiện cho người ta.

Tình trạng quota xuất khẩu gạo hiện nay có giống với thời quota dệt may không thưa ông?

Rõ ràng có quota là tạo ra cơ chế xin cho. Khi anh không đáp ứng được đủ tiêu chí thế này thế khác thì phải chạy chọt thế nọ thế kia.

Chúng ta không nên nhảy từ thái cực này sang thái cực khác. Lúc đầu vì lỏng lẻo quá mà không kiểm soát được về sau lại hà khắc quá mà không xuất được hàng.

Trong quá trình làm chính sách, người ta tư duy ở phạm vi đó nên đưa ra điều kiện này, điều kiện nọ để quản lý được việc xuất khẩu gạo.

Những cái bất hợp lý thì nên bỏ sớm. Như Nghị định 109 có quy định đơn vị xuất khẩu gạo phải sở hữu cơ sở hạ tầng như kho chứa, dây chuyền sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp phản ứng vì họ có thể đi thuê hoặc liên kết với doanh nghiệp khác.

Rồi quy định chi tiết vùng miền, cảng biển, tỉnh có xuất khẩu gạo là chưa hợp lý vì một doanh nghiệp đóng ở tỉnh A nhưng lại liên kết với tỉnh B để sản xuất là bình thường. Quy định lộ trình vùng nguyên liệu phải điều chỉnh vì chặt quá sẽ khó đáp ứng được. Xin cảm ơn ông!

"Xuất được gạo đi nhiều sẽ giảm áp lực căng thẳng về giá, đó cũng là hỗ trợ nông dân, ở nhiều lĩnh vực nông sản, nông dân luôn kêu “bí” đầu ra.  Vì vậy nói là hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực chất là tìm đầu ra cho nông dân. Giờ ngáng chân doanh nghiệp, hạt gạo bế tắc thì nông dân chết trước chứ ai" - Ông Trần Xuân Định

 

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác