Tìm giải pháp xuất khẩu nông sản

31/03/2015

Kim ngạch xuất khẩu nông sản trong quý 1 năm 2015 đang giảm mạnh, hầu hết các sản phẩm mũi nhọn như cà phê, tiêu, cao su, gạo, tôm, cá tra… đều gặp khó khăn.

Trước tình hình đó, ngày 29/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp nhằm bàn giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho xuất khẩu…

Xuất khẩu giảm mạnh 

Phát biểu về khó khăn trong xuất khẩu các sản phẩm gỗ trong thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp hội gỗ và lâm sản VN cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của quý 1 năm 2015 đã giảm trên 6% do tình hình kinh tế thế giới biến động. Riêng sản phẩm đồ gỗ ngoài trời vào thị trường EU giảm rất mạnh: Anh giảm 5%, Pháp giảm 27%, Hà Lan giảm 33%.

Nguyên nhân chính do đồng euro mất giá khiến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lao đao. Ngoài ra thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, đang giảm nhập khẩu sản phẩm dăm mảnh. Ở thị trường đồ gỗ mĩ nghệ cho Đài Loan, Hồng Kông cũng bị giảm giá.

Cần mở thêm điểm thông quan 

Để khuyến khích xuất khẩu, theo đại diện công ty Mỹ Anh – Lào Cai, thì hiện nay thị trường TQ vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo, cao su, đường… với khối lượng lớn. Đặc điểm của thương nhân TQ là chỉ thích nhập khẩu tiểu ngạch.  

Tuy nhiên, hiện nay con đường xuất khẩu tiểu ngạch ở Lào Cai đang bị hạn chế vì nước bạn không xuất theo đường cửa khẩu Bát Xát được. Nhu cầu thương mại lớn, đường biên rộng nhưng điểm thông quan thì thiếu dẫn đến hạn chế xuất khẩu. 

Trước tình trạng các thị trường đều giảm nhập khẩu cả về giá và số lượng, ông Quyền cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang phải tự điều chỉnh tiết kiệm chi phí và liên kết với nhau, tuy nhiên Chính phủ cũng cần có chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp như xây dựng chính sách hỗ trợ cơ sở chế biến nhỏ, hình thành những cơ sở sơ chế ở những vùng rừng trồng, tạo khung pháp lý cho gỗ cao su xuất khẩu để giảm chi phí.

Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm nay giảm mạnh nhất trong 5 năm vừa qua (giảm 23%). Trong đó tôm giảm 30%, cá tra giảm 18%, cá ngừ 13-14%... (riêng tôm đang chiếm tỉ trọng trên 40% xuất khẩu thủy sản, XK mặt hàng này giảm kéo theo tổng kim ngạch giảm mạnh).

Nguyên nhân là do thị trường Hoa Kỳ áp hai sắc lệnh chống bán phá giá khiến xuất khẩu giảm mạnh ở cá tra và tôm.

Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm của Indonesia đang vào mùa với sản lượng tốt nên các loại tôm lớn cũng giảm tới 2 USD/tấn, giá thành sản xuất tôm của Thái Lan cũng rẻ hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu của VN bị cạnh tranh về giá và hệ quả là thị trường châu Âu và Nhật Bản cũng giảm trên 10%.

Đối với sản phẩm cà phê, theo đánh giá của các chuyên gia thì năm nay cà phê đang đối mặt với nguy cơ hạn hán và mất mùa nặng, có thể mất tới 20% sản lượng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành là xuất khẩu đang giảm tới 41% so với cùng kì năm ngoái kèm theo giá cả cũng giảm mạnh.

Hiện giá cà phê đang ở thời điểm thấp nhất tính từ cuối năm 2014, giảm từ 42 triệu đồng xuống 38 triệu đồng/tấn. Thậm chí, giá trong nước còn đang cao hơn giá xuất khẩu nhưng nhờ giá trong nước cao cộng thêm yếu tố lãi suất giảm nên người nông dân có điều kiện để tạm trữ.

Nông dân gửi cà phê cho doanh nghiệp và doanh nghiệp ứng tiền, chờ đến khi lãi trên 40% thì bán. Hiện đã tạm trữ trên dưới 400 ngàn tấn, chỉ có điều xu hướng thị trường cà phê vẫn đang tiếp tục xuống.

Kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm khác như hồ tiêu, gạo và cao su cũng đồng loạt giảm mạnh. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, TGĐ Vinafood 1 cho biết, tính đến ngày 26/3 lượng gạo đăng kí xuất khẩu đạt 2 triệu tấn nhưng mới xuất 750 ngàn. 

Năm nay, xuất khẩu gạo giảm 30% cả lượng và giá so với năm ngoái. Và theo xu thế này thì xuất khẩu gạo sẽ còn giảm. Bởi Thái Lan vừa xuất 2 triệu tấn vào châu Phi mà chúng ta không thể cạnh tranh do Thái Lan có gạo trữ và cước vận chuyển sang châu Phi rẻ hơn.

Tuy nhiên, bà Tâm cho biết, nhu cầu sử dụng gạo của Trung Quốc vẫn lớn. “Thị trường gạo năm nào cũng tiêu thụ hết vào cuối năm nên không cần quá lo lắng”, bà Tâm tỏ ra lạc quan.

Áp lực chi phí vận tải và áp lực thuế tài nguyên

Đề xuất với Bộ trưởng Cao Đức Phát về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, VASEP cho rằng, Chính phủ cần có nhóm giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và có phương án giảm giá thành đầu vào cho ngành nuôi tôm.

Đặc biệt, theo VASEP, trong bối cảnh khó khăn hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang phải oằn mình gánh cước phí vận tải cao tới mức vô lý. Giá cước, phụ phí vận chuyển cho một container hàng tại thời điểm tháng 8/2014 đang là 2.300 USD nhưng tới nay đã lên tới 3.900 USD.

Cùng ý kiến này, Hiệp hội Rau quả cho biết, chi phí vận chuyển cho một container rau quả chiếm tỉ trọng lớn trong cấu thành giá bởi hầu hết các sản phẩm rau quả có giá trị không lớn. Các doanh nghiệp đề nghị Bộ trưởng có ý kiến với Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh.

Quan tâm đến thuế tài nguyên đất đang được các địa phương điều chỉnh tăng mạnh trong khi giá cao su thế giới đang xuống thấp, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN đề nghị Bộ trưởng có ý kiến với Chính phủ để cân đối lại mức thuế tài nguyên vì theo biểu thuế mới thì mỗi tấn cao su sẽ bị đội giá thành lên tới vài triệu đồng.

Cùng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tình hình xuất khẩu giảm do kinh tế thế giới suy yếu. Đặc biệt thị trường châu Âu tỉ giá đồng euro giảm mạnh so với đồng USD cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm nông sản của ta kém sức cạnh tranh. Để khắc phục, Bộ trưởng đề nghị Hiệp hội các ngành hàng: Tiêu, gỗ, cao su, gạo, thủy sản, cà phê… cần chủ động liên hệ với các nước cùng xuất khẩu nông sản để bàn về cơ chế liên kết, hợp tác ổn định giá cả.

“Với vai trò thành viên Chính phủ, tôi sẵn sàng khăn gói lên đường cùng các vị để đàm phán với doanh nghiệp các nước. Trước mắt sẽ cùng đến Indonesia và Brazil để cùng tháo gỡ cho cà phê và cao su”.

Về kiến nghị giảm giá vận tải, giảm thuế đất hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong lúc khó khăn, Bộ trưởng hứa sẽ báo cáo Thủ tướng ngay trong phiên họp Chính phủ ngày 31/3.

Xây dựng trung tâm kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế 

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Hồ tiêu về việc xây dựng trung tâm kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế vì hiện nay các trung tâm của Việt Nam chỉ xét nghiệm được xấp xỉ 200 chỉ tiêu trong khi thế giới đang áp dụng tới trên 500 chỉ tiêu. 

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trong tháng 4/2015 phải báo cáo phương án xây dựng trung tâm kiểm nghiệm đạt chuẩn.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác