XK nông, lâm, thủy sản sụt giảm: Nhiều bất cập cần tháo gỡ ngay

31/03/2015

Trước thực trạng xuất khẩu nông lâm thủy sản trong quý I/2015 chỉ đạt hơn 6,1 tỷ USD (giảm hơn 13% so với cùng kỳ), ngày 30.3, Bộ NNPTNT đã tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ, ngành, và hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu.

Nhiều mặt hàng chủ lực đều giảm

Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cho biết, xuất khẩu gạo 3 tháng qua ước đạt 1,01 triệu tấn và 440 triệu USD, giảm 28,1% về khối lượng và giảm 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Hiện nay, các hợp đồng đã ký chủ yếu ở Malaysia, Philippines và Indonesia…

Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, rà soát lại thì sản lượng gạo của nước ta năm nay có thể sẽ giảm 100.000 tấn vụ đông xuân do hạn hán ở miền Trung, nên áp lực xuất khẩu sẽ không lớn bằng năm trước. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là ở lượng cầu, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm mạnh. “Bộ sẽ có kiến nghị Chính phủ để thực hiện cả chính sách xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch, trong đó sẽ phối hợp để đàm phán cấp cao với đối tác Trung Quốc. Ngay trong tháng tới, Cục Trồng trọt cần sơ kết thực hiện quyết định cánh đồng mẫu lớn, để chuẩn bị vụ tới. Và ngay trong tháng 4, Cục Trồng trọt phải hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để có biện pháp phát triển ngành lúa gạo dài hạn” - ông Phát nói.

Công nhân đang chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu

tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú 

 

Mặt hàng tiêu xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 38.000 tấn với giá trị 342 triệu USD, giảm 23,1% về khối lượng nhưng tăng 3% về giá trị. Đại diện Hiệp hội Tiêu cho biết, tuy giá trị có tăng nhưng lượng mua giảm và hồ tiêu có một số vấn đề như hàng bị trả lại nhiều, chủ yếu là tiêu khô. Đặc biệt, trong năm 2015, EU bắt đầu xiết về chất lượng hồ tiêu xuất khẩu sẽ là những khó khăn cho ngành tiêu Việt Nam. Với các kiến nghị của Hiệp hội Tiêu, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói: “Hồ tiêu đang có vấn đề, trong đó bệnh chết chậm do biến trùng lan truyền trong đất, nông dân không biết nên phun thuốc trên cây. Chúng tôi đã tìm ra nguyên và có biện pháp xử lý, nhưng cần phải hướng dẫn phổ biến. Tôi đề nghị Hiệp hội kiếm một số doanh nghiệp lớn sẽ kết hợp cùng Bộ làm cầu nối với các địa phương áp dụng các quy trình sản xuất tốt có xác nhận VietGAP để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu”.

Thuỷ sản giảm hơn 20%

Đối với lĩnh vực thuỷ sản -ngành hàng được coi là thành công nhất trong năm 2014 -cũng đang gặp khó khăn. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2015 đạt 1,27 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2014, là mức giảm mạnh nhất trong 5 năm vừa qua. Trong đó, mặt hàng tôm giảm mạnh nhất tới gần 30%, cá tra 18%... Để gỡ khó cho xuất khẩu thuỷ sản, đại diện VASEP kiến nghị cần có chính sách giảm lãi suất ngắn hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu; thực hiện 10 đầu công việc để hạ giá thành sản xuất…

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát giải đáp ngay: “Về vấn đề tỷ giá và lãi suất, Bộ sẽ ghi nhận và làm việc với Ngân hàng Nhà nước. Riêng vấn đề bất cập trong giá cước vận chuyển và các quy định về container, trong ngày mai, VASEP cần báo cáo tôi cụ thể bằng văn bản để ngày kia tôi sẽ trao đổi cụ thể trong buổi họp của Chính phủ với Bộ GTVT. Về 10 nội dung đầu việc để hạ giá thành sản xuất, đề nghị VASP có văn bản liệt kê cụ thể để Bộ giao cho các đơn vị chức năng triển khai...”.

Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam - Chánh Văn phòng Trần Thị Thuý Hoa cho biết, 3 tháng đầu năm xuất khẩu cao su đạt 196.000 tấn, giá trị đạt 279 triệu USD, tăng 31,9% về khối lượng nhưng giảm 6,6% về giá trị. Tình hình thị trường cao su gặp rất nhiều khó khăn và có thể kéo dài trong nhiều năm nữa, hiện nay số lượng tồn kho cao su quá lớn. “Về thuế và đất trồng cao su, trước đây xây dựng vào thời điểm giá cao su đỉnh nhưng nay làm ăn khó khăn nên cần có chính sách áp thuế lại. Đồng thời, cần có chính sách công bằng đối với thuế giá trị gia tăng cho ngành cao su giống như các mặt hàng nông sản khác” - bà Hoa kiến nghị. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Hiệp hội Cao su cũng gửi Bộ NNPTNT các kiến nghị bằng văn bản để bộ kiến nghị lên Chính phủ, trong đó đặc biệt là vấn đề về tiền thuê đất và thuế VAT. “Tính ra, hiện mỗi tấn cao su phải chịu thêm mấy nghìn đồng tiền thuê đất. Hơn nữa, trong lúc vườn cây già cỗi chặt đi trồng lại vẫn phải trả tiền thuê đất” - ông Phát nói. Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị Chính phủ sớm triển khai chính sách khuyến khích phát triển cao su chế biến nội địa. Hiện chúng ta xuất khẩu cao su sơ chế với giá rẻ nhưng lại đi nhập săm, lốp với giá đắt là không hợp lý.

 Liên quan tới ngành hàng rau quả, Bộ trưởng Bộ  NNPTNT cho biết sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp đang tồn đọng dưa chuột chưa xuất khẩu được sang Nga. Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo Cục BVTV đôn đốc tháo gỡ vướng mắc thủ tục xuất nhập khẩu; kiểm tra, phối hợp với Bộ KHCN hình thành trung tâm chiếu xạ ở miền Bắc để xuất khẩu một số mặt hàng rau, quả đi Mỹ và sớm đàm phán để xuất khẩu sang Úc. Đồng thời, Cục BVTV cần tiếp tục gửi hồ sơ đi các nước tạo thuận lợi cho rau quả của Việt Nam vào các thị trường.  

Theo Dân Việt


Tin khác