Kinh doanh thịt heo thời @

16/12/2016

Các doanh nghiệp đang rất nỗ lực để đưa thịt heo sạch đến tay người tiêu dùng thông qua việc sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, để triển khai trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, trong số thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, thịt heo là nguồn thức ăn được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong chăn nuôi, heo cũng là gia súc chủ đạo, chiếm tới 71% tổng sản lượng đàn gia súc.

Giải pháp quản lý thông minh

Tới đây, chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể kiểm tra được nguồn gốc thịt heo. Đây là một đề án tích cực nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng thịt của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chi cục Thú y TP.HCM thực hiện.

Theo đó, các trang trại sẽ gắn hai vòng nhận diện có khắc mã số QR code bằng tia laser vào hai chân sau những con heo nuôi. Các vòng nhận diện chứa đựng các thông tin theo dõi con heo từ khi bắt đầu xuất chuồng đến lò mổ rồi vận chuyển ra chợ. Mỗi công đoạn đều được cơ quan chức năng quản lý xác nhận thông tin lên vòng nhận diện. Và người bán sẽ dán các tem điện tử, được truy xuất thông tin từ vòng nhận diện lên các túi đựng thịt để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc.

Chỉ cần tải ứng dụng TE – FOOD về điện thoại và sau đó, mỗi lần mua thịt người tiêu dùng đưa camera vào soi tem dán trên túi đựng thịt để biết được các thông tin như: trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ, chợ, chủ sạp, số sạp kinh doanh… Ứng dụng TE – FOOD tương thích cả 3 hệ điều hành IOS, Windows, Android và hoàn toàn miễn phí. Cách làm này còn giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm các điểm phân phối thịt an toàn do được tích hợp trên bản đồ số.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, quy trình này sử dụng nhiều công nghệ, như QR code, vòng nhận diện, tem điện tử, điện toán đám mây mà các yếu tố này được điều hành bằng hệ thống công nghệ quản lý giao dịch, nhận dạng, vốn được sử dụng từ lâu tại châu Âu. Toàn bộ thông tin được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu với thời gian lưu trữ từ 5 – 10 năm nên không cần đến giấy tờ, thủ tục như trước kia và không thể giả mạo hay sao chép. Điều đáng nói là chi phí phát sinh cho công nghệ này chỉ 200 đồng/kg thịt.

Hiện đã có 15 doanh nghiệp và gần 1.000 trang trại tham gia chương trình này, trong đó, nhiều đại gia có tên tuổi trong lĩnh vực nuôi heo như: CP, Masan, Vissan, Japfa Comfeed Việt Nam… Cùng với đó là hệ thống phân phối từ chợ đến các hệ thống siêu thị hiện đại với hơn 300 điểm bán hàng, phủ sóng khắp TP.HCM.

Khi có đông đảo doanh nghiệp, điểm bán hàng tham gia, chấp nhận giải pháp quản lý thông minh thì thịt heo không rõ nguồn gốc sẽ dần bị “đánh bật” khỏi thị trường. Vì khi đó người tiêu dùng mua hàng luôn đòi hỏi người bán phải có tem điện tử truy xuất nguồn gốc, nếu làm ăn theo cách cũ người bán sẽ bị đào thải”, ông Hòa nhận định.

Để thịt heo được áp dụng công nghệ có hiệu quả, từ quý III/2016, Vissan đã đi tiên phong, áp dụng toàn bộ quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và cam kết cung cấp 100% thịt heo sạch. Với hệ thống phân phối lớn gồm gần 500 điểm bán hàng, nguồn cung 70 tấn/ngày, cách làm này đã tác động tích cực đến thị trường và tạo tiền đề cho ngành chăn nuôi đi vào nề nếp, thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển thực sự.

Những bất cập chờ tháo gỡ

Công ty An Hạ, một doanh nghiệp tư nhân ở Củ Chi (TP.HCM) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM chứng nhận quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2015. Tuy nhiên, khi sản phẩm được vào các chợ để bán đã bị tiểu thương gây nhiều sức ép vì cho rằng sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng. Điều này buộc An Hạ phải thuê các cửa hàng nằm trên các con đường lớn gần chợ để bán khiến giá thành thịt bị đội lên.

Rõ ràng, sự tham gia của Vissan trong việc cung cấp toàn bộ thịt heo VietGAP và việc đưa công nghệ giám sát thịt heo của chính quyền TP.HCM vào cuộc sống đã tạo ra những tác động tích cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng thịt theo hướng truy xuất nguồn gốc.

Nhưng để đảm bảo 100% là thịt heo sạch, mà chỉ dùng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc thì sự thật vẫn phụ thuộc vào… cái tâm của người bán. Toàn bộ quy trình vận chuyển thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn còn quá nhiều khe hở.

Thứ nhất, không kiểm soát được con heo cho ăn gì, có bỏ các chất cấm vào thức ăn chăn nuôi hay không, vì không phải trang trại nào cũng nuôi theo quy trình VietGAP. Ông Nguyễn Ngọc Hòa thừa nhận rằng, nguồn cung heo còn đến từ các tỉnh bên ngoài thành phố, nếu không có sự phối hợp khó giám sát được.

Thứ hai, các chủ thể tham gia theo chu trình của con heo quá rộng, từ khâu chăn nuôi, cho đến giết mổ, vận chuyển, bán hàng, nếu có sự gian dối không thể biết được. Chưa kể mỗi con heo được phân thành 200 mảnh, nếu có sự trà trộn thịt bẩn có đính kèm tem điện tử thì người tiêu dùng cũng không phân biệt được.

Ngay cả Vissan có sự giám sát rất chặt chẽ trong quy trình nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng do có sự kết hợp với các trang trại ngoài hệ thống, đôi khi lô hàng về đến nhà máy giết mổ mới phát hiện được heo có sử dụng chất cấm, buộc phải tiêu hủy.

Hiện nay việc truy xuất nguồn gốc chỉ mới dừng đến xác định trang trại nuôi, còn nếu giám sát đến từng con heo để biết miếng thịt đạt chuẩn ra sao thì chi phí sẽ tăng lên 30%. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết,  trong giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện quản lý theo chu trình khép kín ngay từ khi con heo mới được sinh ra cho đến khi thịt heo được đưa tới tay người tiêu dùng.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp


Tin khác