Nhà nước sẽ rót “tiền tươi” vào nhiều dự án PPP nông nghiệp

16/12/2016

Trước đây, hợp tác giữa khu vực công và tư trong nông nghiệp chỉ mang tính tự phát. Trong thời gian ngắn tới, khi khuôn khổ pháp lý đã đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ chia sẻ lợi nhuận, rủi ro cùng với doanh nghiệp thông qua việc đóng góp khoảng 30% vốn vào sáu dự án thí điểm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, TBKTSG đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD).

TBKTSG: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) trong việc thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Bộ NN&PTNT đang tiến hành thực hiện đề án “Tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đề án nhấn mạnh tới nhu cầu thay đổi mô hình quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống là nhà cung cấp chính thành người hỗ trợ các chủ thể khác trong đầu tư, cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công.

Việc triển khai đề án cần lượng vốn đầu tư lớn từ cả khu vực nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp còn thấp và tỷ lệ vốn đầu tư xã hội cho ngành nông nghiệp đang giảm dần từ mức 7% giai đoạn 2005-2010 xuống còn dưới 6% giai đoạn 2011-2015. Thêm vào đó, vốn đầu tư phát triển nông nghiệp vẫn phải dựa phần lớn vào ngân sách nhà nước. Tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp có xu hướng tăng, từ khoảng 30% giai đoạn 2005-2010 lên trên 40% giai đoạn 2011-2015. Theo ước tính, đầu tư công chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu đầu tư do nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp, hơn nữa nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cũng có xu hướng giảm do Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình.

PPP là một trong năm giải pháp chính nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư để giải quyết khó khăn trong ngành nông nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, có nhiều công trình, dịch vụ công sẽ được đầu tư và quản lý hiệu quả hơn nếu giao cho khu vực tư nhân đảm nhiệm.

TBKTSG: Hiện nay, các dự án PPP trong lĩnh vực nông nghiệp đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Cần phải làm rõ các khái niệm về hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư, gồm có ba hình thức: (i) Tương tác công tư (ii) Hợp tác công tư PPC (iii) Đối tác công tư (PPP). Trong đó, PPP là hình thức chặt chẽ nhất, tức là cả doanh nghiệp và nhà nước cùng góp vốn, cùng quản lý quá trình triển khai dự án, cùng chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro. Như vậy, hai bên như một công ty liên doanh nhưng với điều kiện, tư nhân phải đảm bảo quy định mà Nhà nước đặt ra và mục tiêu của dự án là tạo ra các tác động lan tỏa như tạo việc làm, xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ nước sạch cho người dân, bảo vệ môi trường...

Thủy sản là một trong những nhóm ngành hàng cần thu hút PPP.

Trên thực tế, trước khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công- tư, trong nhiều lĩnh vực của nông nghiệp, nông thôn đã xuất hiện các mô hình trong đó khu vực tư nhân tham gia đầu tư với vai trò đối tác của các cơ quan nhà nước để cùng cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công ích. Ví dụ, mô hình PPC đã xuất hiện tại một số ngành hàng nông sản chính như lúa gạo, ca cao. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, mô hình PPP được sử dụng chủ yếu nhằm giúp các doanh nghiệp tư nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu một số loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật... của các cơ quan nghiên cứu nhà nước. Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, mô hình PPP xuất hiện ở nhiều loại hình hàng hóa, dịch vụ công như các công trình thủy điện; công trình thủy lợi; công trình cấp nước sạch nông thôn; đường giao thông nông thôn; công trình vệ sinh môi trường nông thôn...

Tuy nhiên, do các chính sách chung về PPP trước đó chủ yếu tập trung vào các dự án cung cấp hàng hóa công ích phi nông nghiệp nên toàn bộ các mô hình PPP trong nông nghiệp cho đến nay chủ yếu mang tính tự phát, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương hoặc là sáng kiến của một số tổ, nhóm nông dân. Cũng vì thế nên chưa có chính sách chính thức tạo điều kiện để thu hút tư nhân tham gia đầu tư, quản lý dự án cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp cùng các cơ quan nhà nước.

TBKTSG: Sau khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP ra đời thì tình hình thu hút, thực hiện các dự án PPP thay đổi như thế nào, có khả quan hơn hay không?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Nghị định 15 ra đời có một số điểm mới, đặc biệt là bổ sung một số lĩnh vực đầu tư PPP mới như cơ sở hạ tầng nông thôn với quy mô vốn nhỏ hơn, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ chứng nhận chất lượng, dịch vụ phát triển chuỗi giá trị...

Bên cạnh đó, quy trình thực hiện rút gọn, không phải làm nghiên cứu khả thi gây tốn kém. Các hình thức đầu tư theo loại hình PPP được mở rộng, không chỉ có BOT (xây dựng, hoạt động, chuyển giao) nữa mà có thể có các hình thức cho thuê dịch vụ, mua dịch vụ...

Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành ra thông tư hướng dẫn. Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng xong thông tư hướng dẫn về PPP nông nghiệp, đang chờ thẩm định và phê duyệt.

Ngoài ra, bộ cũng đang chủ động giao cho các đơn vị chuẩn bị thí điểm sáu dự án PPP về phát triển chuỗi giá trị, cung cấp nước sạch, xây dựng hồ chứa, cảng cá, phát triển thủy sản bền vững. Trong đó, dự kiến Nhà nước góp 30% kinh phí, 70% còn lại từ các đối tác của dự án. Hiện các dự án đã được hoàn thiện về mặt thủ tục và đã được gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chờ đăng ký.

TBKTSG: Ông đánh giá như thế nào về thuận lợi cũng như khó khăn khi triển khai các dự án PPP trong nông nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Điểm thuận lợi là hình thức đầu tư này được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cấp trung ương tới địa phương, trong bối cảnh ngân sách hạn chế, bộ máy nhà nước không thể ôm đồm được hết các dự án. Bên cạnh đó, đang có xu hướng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào nông nghiệp.

Song, vì đây là hình thức đầu tư mới, các doanh nghiệp phải liên kết với các chủ thể nhỏ là các hộ nông dân, hợp tác xã nên sẽ gặp khó khăn ngay từ khâu thiết kế hợp đồng, tổ chức bộ máy, năng lực của cơ quan quản lý.

Có một số vướng mắc liên quan tới khung pháp lý như mẫu hợp đồng, xử lý tranh chấp, cơ chế đấu thầu, cơ chế giải phóng mặt bằng cho các dự án nhỏ trong nông nghiệp. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp, làm hạ tầng, nhà kho trên đất nông nghiệp, phải có cơ chế giải phóng mặt bằng dễ dàng hơn.

TBKTSG: Nông dân được lợi gì với các dự án PPP, thưa ông?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Ví dụ về dự án hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Nestlé. Nông dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn mà Nestlé đưa ra, bán cho họ sẽ được giá cao hơn so với bán cho doanh nghiệp khác trên thị trường và chi phí thì lại thấp hơn khi sử dụng đầu vào như nước, phân bón, hóa chất ít hơn. Đồng thời, trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP, chắc chắn cần tăng cường sự tham gia của nông dân trong quá trình thiết kế, giám sát kết quả và hưởng lợi từ dự án.

Tuy nhiên, mọi người vẫn băn khoăn về khả năng hưởng lợi thấp của nông dân trong các chuỗi giá trị nông nghiệp, trong toàn chuỗi giá trị thì người nông dân dù chịu rủi ro nhất nhưng lại hưởng lợi ít nhất. Để đảm bảo cả lợi ích của nông dân và doanh nghiệp, cần lưu ý thêm hai điểm. Thứ nhất là thay vì ép chế tài hoặc phải đưa nhau ra tòa khi có tranh chấp trong hợp đồng mua bán nông sản giữa doanh nghiệp và người dân, cần xem xét áp dụng cơ chế trọng tài để xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai hợp đồng một cách nhanh, gọn. Thứ hai là cơ chế chia sẻ giá, theo đó, doanh nghiệp bán sản phẩm với giá tăng bao nhiêu phần trăm thì phải có cơ chế chia sẻ lại một phần giá trị tăng thêm đó cho nông dân. Ở các nước họ đều có khung pháp lý cho những việc này và Việt Nam nên học hỏi.

Bộ NN&PTNT chuẩn bị thí điểm sáu dự án PPP về phát triển chuỗi giá trị, cung cấp nước sạch, xây dựng hồ chứa, cảng cá, phát triển thủy sản bền vững. Trong đó, dự kiến Nhà nước góp 30% kinh phí, 70% còn lại từ các đối tác của dự án.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Tin khác