“Lờ” cơ chế ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp nông thôn

09/12/2016

Chia sẻ với DĐDN, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN – NT) cho rằng, việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho DN nông lâm thủy sản “nửa mùa” đang là một trong những hạn chế đáng quan ngại.

Theo ông Tuấn, với suất đầu tư cao, lợi nhuận thấp, cộng với rủi ro về yếu tố thời tiết, giá cả thị trường… nông nghiệp cũng không phải là ngành “dễ xơi”, trong khi việc thực hiện quy định cho phép DN được hưởng các ưu đãi về thuế, phí cũng còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN đầu tư vào nông nghiệp.

Nhiều công ty bị áp mức thuế cao đối với sản phẩm nhà kính dùng để sản xuất hoa, thay vì được hưởng thuế suất ưu đãi theo quy định trong luật. Ảnh: Trồng hoa tại làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt

– Ông có thể dẫn chứng cụ thể về những bất cập này?

Ví dụ như, các DN xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn của DN. Việc hoàn trả thuế thu nhập DN cũng không được hoàn trả ngay bằng tiền mặt mà chỉ được khấu trừ dần. Các DN cung cấp nông sản (ví dụ gạo) có thương hiệu, chất lượng trên thị trường nội địa phải nộp thuế VAT 5%, trong khi các DN xuất khẩu gạo không phải chịu thuế hoặc thương lái gạo thông thường không phải nộp thuế này.

Thực tế khảo sát cũng cho thấy, đang có nhiều Cty bị áp mức thuế cao đối với sản phẩm nhà kính dùng để sản xuất hoa, thay vì được hưởng thuế suất ưu đãi theo quy định trong luật. Ví dụ, Cty Rừng hoa Đà Lạt hiện vẫn phải nhập khẩu nhà kính với thuế suất là 25%.

Chính việc các sản phẩm nông nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào nên giá thành phải cộng thêm 10%. Điều này phần nào làm giảm sức cạnh tranh của Cty, ngay cả trong nước chứ chưa nói tới thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN – NTR, DN đầu tư vào nông nghiệp tùy theo lĩnh vực ngành hàng sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của nhà nước… Được hỗ trợ đầu tư về cước phí vận tải, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ áp dụng công nghệ, phát triển thị trường….

– Vậy theo ông, để chính sách đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, chúng ta cần phải lưu ý đến vấn đề gì?

Theo tôi, trong quá trình xây dựng chính sách và cơ chế, phải đảm bảo để không phải là chính sách ban phát, để cho tiền DN mà quan trọng là Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để các DN đầu tư vào nông nghiệp, chủ yếu thông qua những chính sách liên quan đến thuế, nhất là khâu thực hiện.

Điều quan trọng là cần gắn trách nhiệm cá nhân trong việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi lẽ, lâu nay dù chúng ta đã ban hành nhiều chính sách nhưng việc gắn trách nhiệm và chăm sóc nhà đầu tư vẫn chưa thiết thực.

Chăm sóc ở đây không đơn giản chỉ là việc đưa ra chính sách, mời gọi nhà đầu tư về đầu tư tại địa phương mà còn phải sâu sát với họ xem họ vướng mắc ở khâu nào để tháo gỡ. Tóm lại chính quyền địa phương phải là một chính quyền phục vụ DN, vì DN, đồng cam cộng khổ với DN.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng, DN muốn đầu tư an toàn thì họ phải nắm vững thị trường, biết rõ thị trường họ nhắm vào; Thứ hai là phải đầu tư dứt điểm, tập trung ở địa bàn mà họ có thể quản lý được; Thứ ba là để đảm bảo đầu tư ổn định, tránh rủi ro, doanh nghiệp cần phải xây dựng hệ thống sản xuất vững bền về môi trường, đảm bảo vững bền cả về mặt xã hội cũng như lợi ích của người nông dân, của người sử dụng sản phẩm… Có như vậy đầu tư của họ mới ổn định và an toàn.

– Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, vậy theo ông, liệu sắp tới sẽ có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp hay không?

Triển vọng thì có, triển vọng từ các hiệp định thương mại mà ta đã ký kết và đang đàm phán, cũng bắt đầu đi vào thực tế. Thời gian qua chúng ta thấy sự thăm dò đầu tư của các DN ở các nước, sự nóng lòng của các DN trong nước thể hiện rõ. Đây là cơ hội tốt, nhưng lịch sử cũng chứng kiến nhiều cơ hội và làn sóng đầu tư như thế trôi qua.

Các nhà đầu tư cũng mắc sai lầm, nhân dân và chính quyền cũng sai lầm. Một bên thì không tạo môi trường đủ hấp dẫn đủ an toàn để đầu tư vào. Bên khác lựa chọn đầu tư vào nền kinh tế ảo, kinh tế bong bóng hơn là lựa chọn đầu tư vào nông nghiệp – một nền kinh tế thực, tăng trưởng chậm còn khó khăn nhưng nó là cái gốc bền vững cho môi trường và xã hội. Xét về tổng thể hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp đem lại hiệu ứng lan tỏa tốt nhất, tỷ suất đóng góp nội địa cao nhất, hệ số ICOR tốt nhất, nên nếu đầu tư hẳn hoi, thận trọng và hợp lý trong nông nghiệp thì sẽ có lãi.

– Xin cảm ơn ông!

Bà Trần Thanh Hà – Cty TNHH thương mại dịch vụ Great VN

Hiện nay, ngành rau quả đang tồn tại một nghịch lý là ai cũng muốn làm chủ một chuỗi giá trị từ sản xuất đến bán lẻ trong khi bản thân không đủ tiềm lực và chỉ có thế mạnh ở từng khâu. Để giải quyết vấn đề này rất đơn giản, người bán hàng ký kết với người sản xuất nhưng kéo thêm nhà khoa học tham gia tạo thành hình tam giác đồng đẳng. Ở đó, nhà khoa học tư vấn cho người dân về quy trình trồng, cung cấp vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) để có chi phí sản xuất thấp mà chất lượng sản phẩm lại tốt. Đây là một sự hợp tác mà cả 3 bên đều cần nhau nên không quá lo lắng về việc “bẻ kèo”.

Ông Lương Sơn Hải – Giám đốc Cty CP thương mại Lương Sơn

Suốt thời gian dài, DN nhận thấy ngành dăm gỗ đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực nông thôn, miền núi, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng vạn lao động nông nhàn, nâng cao độ che phủ rừng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, thuế suất XK mặt hàng dăm gỗ được điều chỉnh từ 0% lên 2% đã gây khó khăn trực tiếp cho khoảng 130 DN chế biến dăm gỗ.

Tôi ước tính, đến thời điểm áp thuế, bình quân mỗi DN XK dăm gỗ có lượng tồn kho khoảng 10.000-15.000 BDMT (khối lượng dăm gỗ khô). Khi bị áp thuế XK 2%, các DN mất đi khoảng 2-3 USD/một đơn vị sản phẩm, tương đương thiệt hại từ 30.000-45.000 USD. Tính riêng khu vực miền Trung, với tổng lượng tồn kho của các DN tại thời điểm áp thuế có thể lên đến hàng trăm nghìn BDMT thì thiệt hại sẽ lên tới hàng trăm nghìn USD.

Cùng với thời điểm tăng thuế XK, nhu cầu thị trường giảm sút, giảm giá nên DN rơi vào cảnh thiệt đơn thiệt kép. Còn xét về vấn đề an sinh xã hội suy tới cùng chính là gây khó khăn cho các hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng.

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin khác