Đừng để doanh nghiệp tự bơi

09/12/2016

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy người dân và doanh nghiệp (DN) là đối tượng phục vụ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo toàn hệ thống chính trị triển khai quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho DN. Thực hiện chủ trương này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhiều DN, tập đoàn lớn đã tìm đến nông nghiệp, nhưng để mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân gắn bó chặt chẽ, cùng thắng thì còn nhiều việc phải làm.

Bài 1: Những đổi thay đáng mừng

Khi được hỏi về những rào cản có thể ảnh hưởng đến hoạt động của DN, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, một DN lớn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gia cầm, cho biết, rào cản lớn nhất là chính bản thân mỗi DN, còn các cơ chế, chính sách về vốn, đất đai, thuế,… đều đã rất cởi mở.

Những thay đổi về chính sách

Tại Diễn đàn đối thoại với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và điều chỉnh các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời nghiên cứu xây dựng với các quy hoạch phục vụ tái cơ cấu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là căn cứ quan trọng để DN tham khảo, nghiên cứu cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp nông thôn.

Thực hiện Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp, Bộ đã rà soát lại toàn bộ 39 văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm; đã cắt giảm nhiều rào cản về “giấy phép con” gây cản trở cho quá trình hoạt động của DN. Các quy định quản lý xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành cũng được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng minh bạch và phù hợp với cam kết quốc tế. Riêng thời gian làm thủ tục về kiểm dịch bảo vệ thực vật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã giảm được khoảng 50%.

Về cải cách hành chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chính thức kết nối, vận hành hệ thống một cửa với Cổng thông tin một cửa quốc gia, đảm bảo hoạt động thông suốt; công bố công khai 622 thủ tục hành chính công, đang tiếp tục điều chỉnh theo hướng ngày càng đơn giản, dễ tiếp cận và không phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế. Đến ngày 30/9/2016, 9 dịch vụ công trực tuyến đầu tiên đã được hoàn thành, các thủ tục sẽ được giải quyết trên môi trường mạng, không giải quyết bằng hồ sơ giấy. Dự kiến, đến cuối năm 2016 sẽ có thêm 18 dịch vụ công trực tuyến được đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, để xây dựng cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ đã thành lập và duy trì hoạt động của “Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn”, với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc bộ và 30 doanh nghiệp nòng cốt đầu tư trong nông nghiệp. Nhóm định kỳ tổ chức gặp mặt giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ với DN để giải quyết hoặc tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của DN gửi các ngành chức năng và Chính phủ. Tới nay, hầu hết các kiến nghị đã và đang được giải quyết.

Trong lĩnh vực thuế, phí hay vốn, những ưu đãi dành cho DN nông nghiệp cũng được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Đơn cử như Bộ Tài chính đã chuyển 6 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định tại Nghị định 24/2006/NĐ-CP sang thực hiện theo giá dịch vụ (gồm thủy lợi phí, phí kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi, phí kiểm nghiệm thuốc thú y, phí kiểm định, khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, phí chẩn đoán thú y); bãi bỏ 9 khoản lệ phí. Các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhận được nhiều ưu đãi về thuế thu nhập DN, một số trường hợp được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước…

Về lĩnh vực tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có một số quy định quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa từ 70 – 80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn 28 DN tại 22 tỉnh, thành phố thực hiện 31 dự án tham gia chương trình cho vay thí điểm nhằm phát triển các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Sau 2 năm triển khai (từ năm 2014), các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho 22 DN vay để thực hiện 22 dự án sản xuất với số tiền 7.333,73 tỷ đồng.

Dây chuyền gà đẻ trứng hiện đại của Tập đoàn DABACO.

Những thay đổi căn bản về mặt chính sách đã tạo đà cho nhiều DN phát triển. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ nỗ lực của cả Chính phủ và DN nên đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian gần đây tăng đáng kể, từ 2.397 DN vào năm 2007 lên 3.640 DN năm 2015 và đạt con số 4.080 DN tính đến 9 tháng đầu năm 2016.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số DN của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 55%.

Bên cạnh những DN đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, còn nhiều DN đầu tư chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên (đất đai, nước), chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.

Vai trò của các hợp tác xã, DN tại địa phương trong việc phát triển kinh tế còn hạn chế, tính liên kết trong sản xuất còn thiếu chặt chẽ, chưa có nhiều mô hình sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, dẫn đến các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của khách hàng, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư của các tổ chức tín dụng. Việc cho vay các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình hiệu quả.

Sự liên kết, hợp tác giữa DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp, chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của DN về loại hình đầu tư này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những khó khăn, hạn chế nêu trên  có nguyên nhân lớn từ những rào cản của cơ chế, chính sách và nhiều thủ tục hành chính chưa được cải thiện. Đơn cử như trong kiến nghị của Công ty TNHH Đà Lạt GAP đã chỉ rõ, tốc độ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hiện nay đang bị kìm hãm bởi nguồn vốn, mỗi hecta nhà kính có giá trị đầu tư từ 1,8-4,2 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ cho vay thế chấp bằng đất nông nghiệp còn nhà kính và các trang thiết bị trong nhà kính không có chính sách đưa vào thế chấp, do đó rất hạn chế tiếp cận đồng vốn từ ngân hàng. Chính sách ưu đãi cho DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định rõ DN được miễn giảm thuế nhập khẩu công nghệ, nhưng khi đến cửa hải quan vẫn bị đánh thuế vì chưa có sự thống nhất giữa các bộ ngành. Rõ ràng, sự chồng chéo trong quy định hay sự thiếu thống nhất này đã cản trở đến hoạt động của DN, làm nản chí các nhà đầu tư.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam cho rằng, ngoài vốn, đất đai là vướng mắc nổi cộm cần sớm giải quyết nếu như Nhà nước muốn thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, DN muốn có quỹ đất lớn để đầu tư thường phải tự thương lượng, đền bù với dân, sau đó Nhà nước thu hồi lại đất đã giao cho nông dân và cho DN thuê lại. Như vậy, DN phải mất tới hai lần chi phí. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện về mặt bằng, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là tạo cơ chế hợp lý để DN chủ động thực hiện việc tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất.

Những đổi thay về cơ chế, chính sách thời gian qua chưa đủ lớn để lôi kéo DN đến với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, điều này đòi hỏi cần có nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác