Đừng quá “mở lòng” với doanh nghiệp FDI?

02/12/2016

Nhiều chuyên gia nhận định, DN FDI không thể là động lực phát triển nền kinh tế của VN trong thời gian tới mà thành phần kinh tế tư nhân, DNNVV mới đóng vai trò động lực chính phát triển nền kinh tế.

Các diễn giả thảo luận về vai trò của DN tư nhân trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2010

Theo nhiều chuyên gia, kinh tế các nước, ngay cả khu vực ASEAN, độ mở của họ với DN FDI cũng ở mức vừa phải vì kinh tế thế giới hiện nay diễn biến rất khó lường. Trong khi đó, tình hình chính trị lại phức tạp, chiến tranh giữa các khu vực đã và đang diễn ra, nếu chúng ta “mở lòng” quá lớn để thu hút đầu tư FDI mà không có khả năng tự chủ được thì sẽ dẫn đến lệ thuộc, mà cụ thể nhất là nếu kinh tế thế giới có vấn đề thì xuất khẩu của chúng ta cũng sẽ có vấn đề.

Phân tích sâu hơn cho vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế, VCCI cho rằng, đóng góp FDI thời gian qua cho nền kinh tế VN ngày càng tăng, biểu hiện rõ nhất bởi 2 con số 70 – 30 trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN 9 tháng đầu năm, trong đó, xuất khẩu của FDI chiếm hơn 70% (hơn 3 năm trước tỉ lệ này mới là 50 – 50).

Ông Tuấn cũng cho rằng, nếu kinh tế thế giới khủng hoảng thì vốn FDI sẽ rút ra, như vậy, với tỷ lệ này chúng ta sẽ khó khăn. Vì vậy, đối với những nhà làm chính sách cần phải quan tâm hơn tới khối DNNVV của VN, giúp họ có niềm tin vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, để  làm được điều này rất cần một hệ thống các giải pháp để chuyển dịch tư duy đang ở độ mở quá lớn cho DN FDI co dần lại để nghĩ đến thị trường trong nước nhiều hơn và nghĩ đến sản phẩm có năng lực trong nước nhiều hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khối DN tư nhân trong nước đang rất chờ đợi sự minh bạch trong chính sách của Chính phủ, vào sự ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, lãi suất …

Thực tế, trong những năm qua, DNNVV đã phần nào tin tưởng vào chính sách, nhưng bây giờ họ cần một chính sách hỗ trợ, trong đó có lĩnh vực về thủ tục hành chính.

Một chuyên gia lấy dẫn chứng: Trong việc thành lập DN, DNNVV ngại nhất là xin giấy phép. Để hỗ trợ họ, tại Singapore, họ đã thành lập trung tâm hỗ trợ xúc tiến dịch vụ công miễn phí. DN chỉ cần có tiền và ý tưởng còn thủ tục có Nhà nước lo. Chính sách hỗ trợ này được các nhà đầu tư rất thích và họ đến lập nghiệp tại quốc gia này ngày một nhiều.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin khác