Xuất khẩu gạo Việt Nam: “Cao không tới, thấp không xong”!

02/12/2016

Đã từng là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng hiện gạo của Việt Nam đang gặp rất nhiều áp lực cạnh tranh, nhất là áp lực về giá. Đối với thị trường cấp thấp, gạo Việt Nam không cạnh tranh được về giá; với thị trường cao cấp, gạo Việt Nam không thể cạnh tranh được về chất lượng và khó mở rộng thị trường. Nguyên nhân vì đâu?

Nông dân vận chuyển lúa bán cho doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) 

Giảm về lượng và giá trị

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 11/2016, sản lượng gạo xuất khẩu ước đạt 353.000 tấn, kim ngạch 156 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn, kim ngạch 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tình hình xuất khẩu gạo vẫn tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn. Bởi, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu. Trung Quốc là thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam với 36% thị phần, nhưng hiện đã hết hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch. 

Trong 10 tháng năm 2016, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 1,51 triệu tấn với giá trị 678,7 triệu USD, giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Gana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 11,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 442.200 tấn với giá trị 217,1 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 33,3% về giá trị. Đáng chú ý là thị trường Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam đã có sự tăng mạnh (53,5%). 

Giống thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác có giá trị giảm mạnh như Philippines (61,6%), Malaysia (51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (29,1%), Hoa Kỳ (28,3%)… 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, thị trường xuất khẩu gạo hiện đang hết sức khó khăn. Thứ trưởng yêu cầu Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối nhanh chóng tổ chức đoàn sang tìm hiểu khó khăn cũng như xúc tiến thương mại tại thị trường Philippines để đẩy nhanh xuất khẩu gạo sang thị trường này. Đồng thời, tiếp tục “mở đường” xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. 

Thương hiệu tạo nên giá trị

Tại một buổi họp gần đây với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho hay Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện được do chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để khử trùng gạo trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc theo nghị định thư này.

Theo ông Năng, xuất khẩu gạo chất lượng cao đang thụt lùi, đặc biệt là tại các thị trường có rào cản kỹ thuật cao. Ví dụ như năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được 70.000 tấn, so với xuất khẩu của Thái Lan sang thị trường này là 400.000 tấn, thì sang năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam qua thị trường này chỉ còn 44.000 tấn, trong khi Thái Lan vượt 400.000 tấn. Đối với thị trường Nhật Bản, từ cuối năm 2013, Việt Nam không xuất khẩu được hạt gạo nào sang thị trường này.

Về thị trường EU, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này liên tục giảm trong những năm gần đây. Nếu như năm 2013 xuất được 24.000 tấn gạo thì năm 2014 còn 20.000 tấn và năm 2015 chỉ còn 18.000 tấn. “Xuất khẩu sang thị trường này sẽ còn giảm nữa”, ông Năng nhận định.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ năm 2018 sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu 100.000 tấn gạo hàng năm sang EU hưởng thuế 0%, gấp 4 lần so với hạn ngạch hiện tại. Nhưng theo ông Năng, nếu gạo Việt Nam không đảm bảo được tiêu chuẩn mà phía EU đưa ra thì cũng khó có thể xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Đối với thị trường châu Phi, Thái Lan có nguồn cung gạo từ phẩm cấp thấp tới cấp cao, hơn nữa chi phí vận chuyển lại rẻ hơn nên gạo Việt Nam cũng kém cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang châu Phi tiềm ẩn rủi ro nên các doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại ở thị trường này.

Thương hiệu tạo nên giá trị, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu thì khó cạnh tranh trên thế giới và không bán được giá cao. Điều này đã được cảnh báo từ nhiều năm trước đây. Nhà nước đã khuyến khích xây dựng thương hiệu nhưng các doanh nghiệp làm ăn ở thị trường chất lượng thấp nên không chịu đầu tư.

Về lối thoát cho giá gạo, nhiều ý kiến cho rằng, cái gốc của vấn đề là từng địa phương, từng hộ gia đình sản xuất phải nâng chất lượng gạo. Nhà nước cần có giải pháp, nghiên cứu ra giống tốt, có quy trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch để giữ cho hạt gạo xuất khẩu cạnh tranh được với giá cao.

Cách làm của Campuchia

Thị trường gạo thế giới từ đầu năm đến nay đang trong xu thế giảm. Tuy nhiên, báo chí Campuchia cho biết tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này vẫn tăng. Tính đến hết tháng 10, Campuchia đã xuất khẩu được 421.000 tấn gạo so với 408.000 tấn hồi cùng kỳ năm trước.

Ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, Campuchia còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu như Pháp, Ba Lan… Thực tế này cho thấy, Campuchia đang trở thành hiện tượng thú vị trên thị trường lúa gạo thế giới mấy năm gần đây.

Bài học kinh nghiệm của Campuchia có lẽ đã được các chuyên gia nông nghiệp và báo chí nhắc đến khá nhiều. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên người Việt chính thức sang tận Campuchia để “mắt thấy tai nghe” những điều họ làm được.

Ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng, “cha đẻ” của giống lúa thơm đặc sản mang thương hiệu “ST”, cho biết: “Được sự đầu tư của chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ngành nông nghiệp Campuchia đã có những bước đi rất bài bản để đạt được kết quả như hôm nay. Đầu tiên, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Campuchia tổ chức bình tuyển và chọn ra giống lúa Phka Roumdoul vào năm 2009. Họ đưa sản phẩm đi dự thi đấu xảo quốc tế 3 năm liền (2012 - 2014) và đều đoạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Sau khi bình tuyển xong, họ tiếp tục thanh lọc và mở rộng diện tích gieo trồng giống này. Hiện, diện tích các giống lúa thơm ở Campuchia chiếm đến 40% tổng diện tích gieo cấy. Ngoài giống lúa thơm ngon “số 1 thế giới”, họ còn tổ chức xây dựng mô hình sản xuất gạo hữu cơ. Có khoảng 100.000 hộ nông dân sản xuất lúa hữu cơ với quy mô lên đến 50.000 ha. Sản phẩm được Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS Oko - Garantie của Đức chứng nhận.

Theo ông Cua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Campuchia rất biết cách khai thác các thị trường cao cấp khi họ in logo gạo ngon nhất thế giới lên thương hiệu của mình. Hiện nay, gạo thơm của Campuchia được rất nhiều nước phát triển trên thế giới đặt mua, đặc biệt là châu Âu. Các doanh nghiệp của Malaysia trước giờ mua nhiều gạo thơm của Việt Nam cũng chuyển dần sang mua gạo của Campuchia.

“Gạo của Campuchia đã xuất khẩu tới những thị trường khó tính nhất thế giới, có giá trị vượt 65% giá bình quân của thị trường: 1.475 USD/tấn so với khoảng 890 USD tấn. Campuchia đã thành công với thương hiệu gạo của mình; trong khi đó việc xây dựng thương hiệu gạo ở Việt Nam vẫn còn trầy trật”, ông Cua nói.

Phải xác định được mục tiêu

Nguyên nhân trầy trật của hạt gạo Việt Nam được cho là chúng ta không xác định được mục tiêu chiến lược là gì, an ninh lương thực hay xuất khẩu và xuất khẩu thì bán cho ai? Còn Campuchia, nước này thành công vì mục tiêu sản xuất rất rõ ràng là nhắm đến các thị trường cao cấp. Đáng chú ý, mục tiêu đó phù hợp với xu thế và nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới. Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) dự báo trong giai đoạn 2015 - 2023, thương mại gạo toàn cầu tăng 1,5%/năm.

Nhu cầu gạo chất lượng cao trên thế giới sẽ tăng với các loại gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo trắng hạt dài, gạo thảo dược… Ngay tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đang diễn ra cũng trùng khớp dự báo của FAO: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay dù xuất khẩu gặp nhiều bất lợi nhưng mặt hàng gạo thơm đã có sự bứt phá ngoạn mục khi vươn lên đứng đầu trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong tháng 4, gạo thơm xuất khẩu chiếm đến 40%, kế đến là nếp 28%, gạo cao cấp chiếm trên 19%, gạo trung bình 9%...

Theo GS.TS.Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, vấn đề của chúng ta là phải xác định rõ ràng mục tiêu sản xuất lúa gạo vì an ninh lương thực hay xuất khẩu. Câu hỏi đó đã được đặt ra cách đây nhiều năm nhưng chưa có câu trả lời, vì vậy đến giờ vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo.

“Chìa khóa thành công của ngành lúa gạo phải là đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Đầu tư cho khoa học nông nghiệp hôm nay là hình ảnh của ngành nông nghiệp ngày mai. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta là kinh phí cho nghiên cứu khoa học rất thấp và chủ yếu chỉ đủ trả lương cho cán bộ. Bên cạnh đó, nhà nước cần thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nông nghiệp, khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp theo hướng xây dựng những cánh đồng lớn để tiếp cận công nghiệp hóa và xa hơn là để tích tụ ruộng đất”, GS Bửu nói.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra, mục tiêu đến năm 2020 là giới thiệu thương hiệu gạo Việt Nam đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu.

Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia.

Đến năm 2030, ngành lúa gạo Việt Nam phấn đấu đạt một nửa lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu "Gạo Việt Nam". 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác