Tôi đã hỏi nhiều người trong số này rằng thường các anh chạy ra Trung ương thì có xin được nhiều tiền không. Họ đều nói rằng "chúng tôi không đi xin tiền mà chỉ xin mở rộng cơ chế, có cơ chế tốt là có tiền
Động lực mới tạo ra từ chính sách
Khi bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường, địa phương cấp tỉnh có khó khăn lại chạy ra Trung ương.
Tôi đã hỏi nhiều người trong số này rằng thường các anh chạy ra Trung ương thì có xin được nhiều tiền không. Họ đều nói rằng "chúng tôi không đi xin tiền mà chỉ xin mở rộng cơ chế, có cơ chế tốt là có tiền". Đây là những tư duy rất thực tế, đổi mới phải đặt vào chính sách và thể chế để tạo động lực mới, từ đó sẽ mang lại ngay hiệu quả kinh tế. Cần phải đặt con người làm trung tâm, kinh phí cần tới đâu hay tới đó, không phải là trung tâm của giải pháp.
Như trên đã phân tích, lúc này cần tới quá trình đổi mới 3 nhóm chính sách chính gồm chính sách đất đai cho nông dân, chính sách tiếp cận tín dụng lớn cho doanh nghiệp và chính sách phát triển công nghệ cao cho doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có sách hướng dẫn tạo lập mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân, trong đó cần tới sự trợ giúp của Hội Nông dân và Phòng Thương mại và Công nghiệp trong quá trình thiết lập hợp tác.
Chúng ta cần tới những doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp công nghệ cao. Quá trình hợp tác sẽ nâng cao nhận thức cho hộ gia đình nông dân, hướng tới những hộ nông dân chuyên nghiệp tự phát triển nông nghiệp sản xuất lớn.
|
Ảnh: DN&HN |
Chính sách đất đai cần được điều chỉnh sao cho xóa bỏ được thời hạn sử dụng đất nông nghiệp và hạn điền cho nông dân. Xóa bỏ được 2 điều này sẽ làm cho giá đất nông nghiệp cao hơn so với khi vướng vào những giới hạn đó. Giá đất nông nghiệp cao hơn có nghĩa là tài sản của nông dân có giá trị cao hơn và tài sản đất đai quốc gia cũng lớn hơn, khả năng vốn hóa đất nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, người nông dân muốn làm nông nghiệp cũng không e ngại bị Nhà nước thu lại đất khi hết thời hạn, tích tụ đất đai cũng dễ dàng hơn, yên tâm đầu tư lớn cho dài hạn. Chắc chắn chính sách này sẽ tạo được động lực lớn cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn.
Trên thực tế, hiện nay ta cũng không quản lý được mức hạn điền khi một người có thể có đất ở nhiều tỉnh khác nhau, không có thể cộng được diện tích sử dụng đất của một người trên phạm vi cả nước (do quản lý đất đai đã phân cấp hoàn toàn cho chính quyền cấp tỉnh). Đặt ra chính sách hạn điền để quản lý nhưng không quản lý được thì chính sách này cũng không có ý nghĩa thực tế gì.
Điều quan trọng hơn là hạn điền đang kìm hãm quá trình tích tụ đất đai quy mô lớn. Chính sách hạn điền bắt nguồn từ nguyên do không muốn cho tầng lớp địa chủ mới xuất hiện, chỉ có đất để phát canh thu tô. Để không hình thành địa chủ mới, chúng ta có nhiều chính sách khác như đánh thuế chẳng hạn, không nhất thiết phải sử dụng tới chính sách hạn điền.
Về chính sách đặt thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, pháp luật đất đai hiện hành đã nới rộng thời hạn tới 50 năm. Điều quan trọng là phải trả lời được câu hỏi khi hết thời hạn thì Nhà nước làm gì? Tất nhiên, câu trả lời trong Luật Đất đai là Nhà nước sẽ kéo dài thời hạn khi nông dân có nguyện vọng, đã sử dụng đất có hiệu quả và không vi phạm pháp luật đất đai.
Trên thực tế, năm 2013 khi hết thời hạn 20 năm sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, Nhà nước vẫn đương nhiên cho tất cả chuyển sang thời hạn 50 năm tiếp theo mà không có xử lý trường hợp nào, kể cả các trường hợp để đất hoang hóa.
Như vậy, đặt ra thời hạn cũng không để quản lý điều gì cả. Chính sách cần thay thế là cho phép đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối được sử dụng vô thời hạn như đất ở. Bên cạnh đó, cần đánh thuế cao đối với đất nông nghiệp không đưa vào sử dụng, để hoang hóa. Có thể số thu được không nhiều, nhưng chính sách thuế còn có mục đích khuyến khích đầu tư phát triển.
Bên cạnh 2 chính sách nói trên, cần thực hiện thật tốt việc rà soát đất đai đang do các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp của Nhà nước đang sử dụng không hiệu quả, trái pháp luật như Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã ban hành.
Các doanh nghiệp này đang nắm giữ một diện tích đất nông nghiệp tới mức 2,6 triệu Ha trên cả nước mà hầu hết là không quản lý được, sử dụng không hiệu quả, nhiều trường hợp sử dụng trái pháp luật, giao khoán đất có biểu hiện phát canh thu tô, trong khi đó nông dân địa phương đang thiếu đất sản xuất, tranh chấp đất đai xẩy ra khá phổ biến.
Đối với doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp hợp tác với nông dân đầu tư vào nông nghiệp sản xuất quy mô lớn. Agribank - một ngân hàng của Nhà nước chưa cổ phần hóa cũng cần thay đổi chính sách tín dụng, mở rộng nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp hợp tác với nông dân thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Vể chính sách phát triển công nghệ cho nông nghiệp, mối liên kết với các viện nghiên cứu khoa học trong nước và mối liên doanh với các doanh nghiệp FDI là giải pháp có hiệu quả thực tế cao.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần dồn kinh phí nhiều hơn cho các đề tài nghiên cứu công nghệ cao cho nông nghiệp, hướng tới các dự án cụ thể đang triển khai ở các địa phương. Chính sách miễn thuế cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cũng cần được áp dụng.
Vài lời kết
Mối hợp tác cùng sản xuất giữa doanh nghiệp nông nghiệp mạnh và cộng đồng nông dân có tính hợp lý cao nhất, trong đó người nông dân có đất và vẫn sản xuất trên đất của mình, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, quy trình sản xuất và bảo đảm đầu ra. Mô hình này luôn tạo lợi ích công bằng cho cả hai bên, người nông dân có thu nhập cao hơn sao với mình tự thân sản xuất.
Mối hợp tác dựa trên quy trình doanh nghiệp thuê đất và thuê công lao động của nông dân cũng có thể mang lại hiệu quả khi hạn chế được các rủi ro do giá thuê đất tăng lên theo thời gian. Mô hình này cũng luôn bảo đảm lợi ích trực tiếp cho nông dân trong suốt quá trình hợp tác.
Trong những bước đi hợp tác đầu tiên giữa doanh nghiệp và nông dân, hãy tập trung vào cơ chế chia sẻ lợi ích, đừng dựa trên cơ chế bắt nông dân chia sẻ rủi ro. Nói như vậy có nghĩa là cơ chế hợp tác trên cơ sở người nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp còn chưa đủ điều kiện khả thi, khi nông dân chưa có điều kiện giám sát toàn bộ quy trình kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ chế chia sẻ cả lợi ích và rủi ro cho thật công bằng giữa 2 bên hợp tác sẽ được áp dụng trong các giai đoạn hợp tác tiếp theo, khi người nông dân chuyên nghiệp hơn.
Trong mọi mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, chính quyền địa phương chỉnh đóng vai trò trợ giúp, tạo môi trường hợp tác thuận lợi, không được can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, nhất là không được đứng về phía nhóm lợi ích của doanh nghiệp.
Nhà nước cần tập trung vào đổi mới chính sách đất đai để tạo động lực mới cho nông dân. Chính sách xóa bỏ thời hạn và hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp sẽ là chủ lực để tạo động lực mới cho pháp triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn cho giai đoạn hiện nay, nhất là bảo đảm điều kiện tốt cho nông dân hợp tác với doanh nghiệp.
Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ
vietnamnet.vn