Chuyển giao công nghệ vùng nông thôn còn hạn chế

05/12/2016

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, vấn đề chuyển giao công nghệ vùng nông thôn, công nghệ sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi… được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Khi góp ý cho Dự thảo luật Chuyển giao công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao.

Để xây dựng thành công những vùng chuyên canh lớn ở nông thôn, cần nghiêm túc xem xét và thực hiện chuyển giao công nghệ một cách bài bản.

Cần ưu tiên chuyển giao công nghệ mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao

Theo đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang), trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý, góp phần thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, về chính sách của nhà nước đối với chuyển giao công nghệ tại Điều 5, đại biểu cho rằng, thực tế thời gian qua thấy một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khó cạnh tranh với một số nước, do năng suất cây trồng thấp, thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hư hỏng, như cây mía, cây ngô, quả dứa làm cho giá thành sản phẩm của chúng ta cao hơn các nước. Thêm nữa, trong mùa khô vừa qua, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Có nơi nước có độ mặn 4-5 phần ngàn làm cho giống lúa truyền thống của Việt Nam không thể trổ bông. Trong khi đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu được giống lúa chịu mặn đến 10 phần ngàn nhưng công tác chuyển giao giống mới còn chậm. Do đó, rất cần thiết phải bổ sung chính sách nghiên cứu chuyển giao công nghệ ở lĩnh vực này.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam, chịu được hạn, mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Và bổ sung chính sách ưu tiên nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho nông dân các mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao, như công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ tưới tự động, trồng rau thủy canh, mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà lưới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy hiệu quả cao của nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ như trồng dưa lưới trong nhà màng bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, tự động có thể tiết kiệm đến 70% nước, 30% phân bón. Chất lượng sản phẩm an toàn, ổn định, lợi nhuận có thể đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Nhưng việc chuyển giao các mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao này còn chậm.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) lại đặc biệt quan tâm đến thị trường khoa học - công nghệ, trong đó có sản phẩm tạo ra từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ở địa phương thường gặp rất nhiều khó khăn và thường loay hoay trong phạm vi của mỗi địa phương. “Đơn cử như các dự án nấm linh chi, kết quả rất tốt, sản phẩm rất tốt, rất hiệu quả, đây là kết quả của chương trình nông thôn miền núi được thực hiện ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm này rất khó khăn hoặc các địa phương  không thể tìm được thị trường tiêu thụ cho nên sản phẩm khoa học công nghệ làm ra gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ”, đại biểu Giang phân tích.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh:

“Chính sách chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thực sự là một trăn trở của Ban soạn thảo và chúng tôi xin được phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tiễn về phổ biến, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, kể cả khảo nghiệm và nhiều hoạt động khác cho phù hợp với tinh thần thực tiễn. Đối tượng chủ yếu hiện nay đa phần là hộ cá thể nhưng sắp tới với nền sản xuất hàng hóa và tái cấu trúc nông nghiệp của mình thì sẽ là doanh nghiệp và các hợp tác xã kiểu mới nhiều hơn. Bộ sẽ nghiên cứu, chỉnh lý, tiếp thu để đáp ứng được yêu cầu này, đặc biệt đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Chuyển giao công nghệ vùng nông thôn còn hạn chế

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ), cho rằng: “Với đặc thù của Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, gắn với 60% dân số, đa phần quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ và theo hộ gia đình thì vấn đề hấp thụ khoa học, công nghệ đang còn gặp nhiều khó khăn, các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao vào khu vực nông thôn còn rất chậm và đây cũng là điểm yếu đã được nhận dạng trong nhiều năm qua nhưng chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, nhiều vùng của đất nước đang đối mặt với tác động xấu của biến đổi khí hậu, lũ lụt, thời tiết cực đoan. Vì vậy, chính sách hỗ trợ và khuyến khích cơ chế tài chính cho các tổ chức, cá nhân chuyển giao khoa học, công nghệ, kể cả các tổ chức, cá nhân tiếp nhận khoa học, công nghệ trong khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực bị tác động của biến đổi khí hậu cần được quy định trong luật này”.

Theo đại biểu Phương, ở Điều 37 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chuyển giao công nghệ vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, tại Khoản 2, có quy định các tổ chức, cá nhân khi phổ biến chuyển giao công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phải báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ địa phương phối hợp với tổ chức khoa học, công nghệ địa phương để khảo nghiệm trước khi chuyển giao và nhân rộng. Quy định này sẽ là rào cản và làm phức tạp hóa tiến trình chuyển giao công nghệ vào khu vực nông thôn vốn đang rất chậm hiện nay. Hơn nữa, cơ quan quản lý khoa học, công nghệ địa phương ở đây là ai, cấp nào và quy trình khảo nghiệm hiện hành hết sức phức tạp, tốn kém cả tiền bạc và thời gian.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định lại điều này theo hướng đơn giản hơn và khuyến khích hơn, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức có công nghệ chuyển giao có thể chuyển giao nhanh đến người sản xuất. Luật cần quy định cụ thể những công nghệ cần phải khảo nghiệm như công nghệ có thể gây nguy cơ tác động môi trường, đa dạng sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm,…”, đại biểu Phương đề nghị.

Về các điều kiện khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Chương IV từ Điều 35-51, đại biểu Lê Quang Trí đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 36 về công nghệ khuyến khích chuyển giao cho vùng nông thôn, đó là công nghệ tưới tiết kiệm nước thực hành sản xuất tốt, công nghệ xử lý nước cấp cho nuôi trồng thủy sản. Và đề nghị bổ sung, trong chương này một điều về nguồn lực để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, trong đó quy định rõ nguồn, các hình thức hỗ trợ, mức độ hỗ trợ đối với các đối tượng khác nhau. Chú ý ưu tiên đối với các vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vì trong chương này chỉ có một quy định về quỹ đổi mới công nghệ quốc gia tại Điều 40. Thực tế còn có quỹ phát triển khoa học, công nghệ đang hoạt động hiệu quả, có thể thúc đẩy chuyển giao công nghệ một cách mạnh mẽ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, hiện việc chuyển giao công nghệ về các vùng nông thôn, người nông dân được hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế. Đề nghị cần rà soát đầy đủ các lĩnh vực kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển, sắp xếp thứ tự ưu tiên các công nghệ cần chuyển giao, các đối tượng thụ hưởng từ công nghệ được chuyển giao, chú ý chuyển giao công nghệ cho các khu vực có khả năng phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ, phát tán nhân rộng được công nghệ như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hơn là chuyển giao công nghệ đối với nông dân sản xuất cá thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị làm rõ hơn các chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ công nghiệp cao và các vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để làm cơ sở xây dựng danh mục cụ thể các loại công nghệ khuyến khích chuyển giao và nên kết hợp điều này với Điều 36 của dự thảo luật để tránh cùng quy định về một chính sách của nhà nước nhưng lại được quy định ở nhiều điều khác nhau của dự thảo luật, vừa khó theo dõi lại có khả năng dẫn đến mâu thuẫn hoặc chồng chéo.

Theo Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác