Cần hơn 1 tỷ USD phục hồi cho 18 tỉnh bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu

08/12/2016

Hội nghị toàn thể ISG năm nay diễn ra với chủ đề “Hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan”.

Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là đối tượng phát thải lớn. Vì vậy cần xây dựng nền nông nghiệp thân thiện môi trường. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại Hội nghị toàn thể Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2016, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị toàn thể Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2016

Hội nghị toàn thể ISG năm nay diễn ra với chủ đề “Hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan”.

Mục tiêu chung của hội nghị nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ cộng đồng quốc tế hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.  

Hạn nghiêm trọng nhất 100 năm qua

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động bất lợi nhất của biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra từ cuối năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2016 tại ĐBSCL, Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho thấy tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng của ngành nông nghiệp và đời sống của nông dân.

Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm ngàn hộ dân, hàng trăm ngàn héc-ta lúa, rau màu, cây ăn quả và hàng nghìn héc-ta nuôi trồng thủy hải sản. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, tổng cộng thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL là 7.900 tỷ đồng.

Nói về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: 2016 là một năm điển hình chúng ta phải đối phó với các dạng hình cực đoan, dị hình của thời tiết - một mức điển hình của tác động biến đổi khí hậu đối với Việt Nam từ trước đến nay.

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2016, trận rét lịch sử 50 năm gây tổn thương lớn đến sản xuất nông nghiệp của 14 tỉnh miền núi phía Bắc.

Tiếp theo đó là đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử. Hạn xảy ra hết sức nghiêm trọng ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên; hạn và mặn xâm nhập lịch sử ở ĐBSCL kéo dài từ cuối năm 2015 cho đến cuối tháng 5/2016 và hết tháng 8/2016 đối với Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Một người nông dân Kiên Giang thẫn thờ nhìn những bông lúa chết khô vì thiếu nước và nhiễm mặn

Chỉ tính riêng ĐBSCL, đã có 11/13 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và thiếu nước nghiêm trọng.

“Có khoảng 1 triệu người thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, 300.000ha lúa đã bị thiệt hại năng suất từ 30-80% và cá biệt có những diện tích bị mất trắng.

Tổn thương này riêng về lúa ở vụ đông xuân đã bị thiệt hại ở ĐBSCL tới 1 triệu tấn lương thực. Còn vùng Nam Trung bộ, như Ninh Thuận, Bình Thuận có những diện tích 3 năm liền không sản xuất được.

Trên 100.000ha cây công nghiệp của Tây Nguyên bị tổn thương do hạn, hàng chục nghìn người thiếu nước uống. Ngoài ra, tất cả các vùng kinh tế - xã hội khác của Việt Nam cũng bị tổn thương trước biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.  

Cần giải pháp tổng thể để thích ứng

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tình hình đã rất nghiêm trọng và sẽ nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không có nhiều giải pháp ứng phó quyết liệt và hiệu quả hơn với sức mạnh tổng hợp từ Chính phủ tới người dân cùng với sự hỗ trợ tích cực và toàn diện hơn của cộng đồng quốc tế.

Trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã phải kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, huy động nguồn lực để thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Tổng nguồn lực huy động cho ứng phó khẩn cấp tới thời điểm này đã đáp ứng 54,4% (26,4 triệu USD) tổng số nhu cầu hỗ trợ 48,5 triệu USD như trong kế hoạch đưa ra hồi tháng 4/2016. Và trong kế hoạch phục hồi từ nay cho đến năm 2020 theo tính toán của 18 tỉnh bị ảnh hưởng và tổng hợp của Bộ NN-PTNT ước tính là 23.537 tỷ đồng (tương đương 1.046 triệu USD).

Nói về tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, ông Christian Berger, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu và các khu vực ven biển đang đứng trước mối đe dọa rất lớn.

Vì vậy, Chính phủ Đức ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ NN-PTNT trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi đã giới thiệu việc sử dụng hệ thống rừng ngập mặn cho việc phòng hộ ven biển. Hệ sinh thái là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ đất từ các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mặc dù đã có những giải pháp sử dụng kết cấu cứng nhưng việc tiếp cận các giải pháp dựa trên hệ sinh thái là rất cần thiết” – ông Christian Berger nhấn mạnh.

Ông Christian Berger nêu quan điểm, với thời tiết cực đoan như hiện nay, cần xem xét liệu sản xuất lúa gạo ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng có còn thích hợp trong tương lai nữa không, hay cần một sự chuyển đổi mang tính hệ thống sang nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển để có thể vừa thích nghi với biến đổi khí hậu vừa mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Đồng thời, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ giảm gánh nặng cho công tác cung cấp nước đúng nơi, đúng chỗ.

TS Christian Henckes, Giám đốc Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển ĐBSCL (ICMP), Phó Giám đốc Quốc gia Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam cho biết: “Hàng năm, chúng ta mất đi nhiều mét đất quý giá của khu vực ĐBSCL do xói lở bờ biển. Chúng ta nhận ra rằng các vấn đề nghiêm trọng này sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta không có một cách tiếp cận tổng thể và dài hạn thay vì một vài dự án ứng phó biến đổi khí hậu nhỏ lẻ để bảo toàn ĐBSCL cho các thế hệ con cháu chúng ta”.

Nhận thức được vấn đề này, phía Đức đã thảo luận với các bộ ngành, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam về một Sáng kiến mang tính tổng thể, dài hạn và quy mô lớn do Chính phủ lãnh đạo, đó là Sáng kiến tăng cường chống chịu khí hậu ĐBSCL, viết tắt là MECRI. Việc triển khai đề xuất này có thể phải cần tới 10-20 tỷ USD để bảo tồn và phát triển bền vững ĐBSCL.

Theo TS Christian Henckes, trong những tháng gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể theo hướng tiếp cận này. Từ khi quyết định triển khai thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL được ban hành, rất nhiều những hội nghị và đối thoại giữa các bộ ngành và UBND 13 tỉnh ĐBSCL đã diễn ra. Rõ ràng là Chính phủ đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và nỗ lực điều phối các giải pháp hỗ trợ ĐBSCL.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng hướng tiếp cận liên kết vùng là hoàn toàn đúng. Đây là chương trình rất lớn nên cần sự đồng lòng thống nhất của cả hệ thống, của cả xã hội từ cố gắng, quyết tâm của Chính phủ cho đến các doanh nghiệp, toàn bộ người dân.

"Ứng phó với biến đổi khí hậu là một vấn đề hệ trọng, rất cần một sự chỉ đạo tổng thể cũng như nhóm giải pháp tổng thể. Những kiến nghị của các chuyên gia hôm nay là hoàn toàn phù hợp và chúng ta sẽ tiếp thu, bàn cùng với các đối tác, trên cơ sở đó hoàn thiện nhóm giải pháp để thực hiện có hiệu quả." - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Theo MARD


Tin khác