|
Nông nghiệp muốn bứt phá phải tập trung được đất đai để có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đất đai phải được sử dụng lâu dài để những người nông dân yên tâm đầu tư chiều sâu. |
Tại cuộc tiếp xúc TP Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với hướng mở rộng hạn điền để nông nghiệp sản xuất lớn, tạo ra nông sản chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. Tuy vậy, câu chuyện đất đai nói chung và tích tụ ruộng đất nói riêng đã có nhiều khúc mắc trong nhiều năm nay nhưng trên thực tế việc xử lý vấn đề đến nay vẫn tương đối chậm và chưa hoàn chỉnh.
Khúc mắc từ nhiều nguyên nhân
Điều này bắt nguồn từ những nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, trước đây, chúng ta sợ phát triển giai cấp bóc lột nên tập trung đất đai vào hợp tác xã, nông trường quốc doanh, cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài cuối cùng mới cho phép chia đất cho nông dân trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, một số quỹ đất nằm trong các nông, lâm trường quốc doanh cũ nay chuyển thành các Cty của nhà nước vẫn bị quản lý trái phép và kém hiệu quả dưới các hình thức cho thuê, cho mượn, giao khoán… chậm được cổ phần hóa, chậm được chuyển sang quỹ đất phải thuê của nhà nước theo quy định.
Thứ hai, quan điểm công bằng kiểu cũ vẫn phổ biến. Kết quả dẫn đến tình trạng duy trì trong một thời gian dài luật lệ, chính sách hạn điền, thời gian giao đất, nhằm ngăn chặn tích tụ đất qui mô lớn. Lực lượng sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp là các hộ tiểu nông, sản xuất nhỏ, manh mún ảnh hưởng đến hiệu quả, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp.
“Trong hơn 63.500 từ của Luật Đất đai năm 2013, không có cụm từ “tích tụ ruộng đất” hoặc “mở rộng hạn điền”.”
Thứ ba là do tư duy “lo lắng” về an ninh lương thực. Thực tế, khó khăn trong lịch sử và những biến động kinh tế khó lường trên thế giới củng cố tâm lý muốn giữ vững quỹ đất lúa để có thể đảm bảo lương thực trong mọi tình huống trong tương lai lâu dài, đó là căn cứ để áp dụng các chính sách cản trở việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đa dạng các loại đất nông nghiệp khác. Đây cũng là yếu tố làm cho quá trình sử dụng đất theo cơ chế thị trường chậm lại.
Thứ tư, động lực đổi mới của chúng ta còn trì trệ, năng lực hoạt động yếu kém của một số cơ quan quản lý nhà nước điều này tạo nên các cơ chế, qui định, thủ tục mang tính xin cho, bao biện, đồng thời lẩn tránh trách nhiệm. Trong khi đó, đất đai khác với các loại hàng hóa khác, mọi giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai không chỉ diễn ra giữa người mua và người bán mà phải có sự tham gia của bên thứ 3 là cơ quan quản lý đất đai của Nhà nước các cấp.
Thứ năm, là do thị trường đất đai luôn được gắn với thị trường lao động, trong khi hiện nay thị trường lao động chưa vận hành một cách thuận lợi. Vì vậy, mặc dù người lao động không còn làm ruộng nhưng vẫn phải cố giữ đất đai coi như vật “bảo hiểm” gặp khó khăn còn có chỗ quay về sản xuất. Tình trạng bất định của thị trường lao động khiến thị trường đất đai không vận hành được một cách thuận lợi, không linh động để có thể chuyển đổi, tích tụ vào tay những người cần đến và sử dụng hiệu quả nhất.
Thay đổi từ tư duy
Để đạt mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điều kiện tiên quyết là cần giải quyết bài toán tích tụ đất đai đạt hiệu quả. Trong đó, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý điều hành, trước hết phải bỏ tư duy người lao động ở nông thôn dứt khoát phải có đất. Hiện nay nông nghiệp không phải sinh kế duy nhất của cư dân nông thôn. Do vậy, chỉ nên hỗ trợ cho những người làm nông nghiệp tốt có điều kiện để tích tụ thêm đất phục vụ cho sản xuất trang trại quy mô lớn. Còn với những người có cơ hội chuyển sang sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp hoặc làm thuê ổn định cần được hỗ trợ bằng chính sách thích hợp để ổn định sinh kế mới.
Chính vì thế, việc đầu tiên là phải tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường lao động vận hành. Người lao động dù làm bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có nghiệp đoàn, tổ chức. Nếu lao động vận hành theo đúng cơ chế thị trường như vậy thì thị trường đất đai mới vận hành theo được.
Cùng với đó, việc tích tụ ruộng đất phải gắn liền với vấn đề phát triển nông thôn, có chính sách để thu hút các DN đầu tư vào nông thôn. Quyền sử dụng đất phải được coi là hàng hóa, được chuyển nhượng, thuê mướn, liên doanh theo đúng cơ chế thị trường. Vai trò chứng nhận tạo thủ tục Nhà nước phải đơn giản hóa một cách tối đa, thực hiện theo cơ chế thị trường với chi phí giao dịch thấp nhất, thời gian nhanh nhất, minh bạch và đơn giản…
Hơn nữa, theo Điều 129 Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực ĐBCL; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, vì vậy cần sửa đổi.
Vì vậy, nông nghiệp muốn bứt phá lên được thì phải tập trung được đất đai để có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đất đai phải được sử dụng lâu dài để những người nông dân yên tâm đầu tư chiều sâu. Nói cách khác, phải xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mới có được động lực mới trong CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.
TS ĐẶNG KIM SƠN – Chuyên gia nông nghiệp