Một số doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài vừa bắt tay nhau để cùng thực hiện chuỗi thực phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
|
Một trang trại nuôi gà đẻ trứng của Cty Hùng Nhơn |
Sản phẩm từ chuỗi này sẽ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới XK.
Đầu tháng 12 này, Cty TNHH De Heus (Bình Dương) và Cty TNHH Thương mại Xuất khẩu tổng hợp và Dịch vụ Hùng Nhơn (Bình Phước) đã ký bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác chuỗi thực phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc (gọi tắt là Chương trình). Mục đích của hợp tác là 2 công ty cùng nhau xây dựng và phát triển một chuỗi chăn nuôi khép kín từ giai đoạn con giống đến thành phẩm, thông qua Dự án Thung Lũng Thực Phẩm An Toàn, thực hiện trên địa bàn các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Chương trình còn có sự tham gia, đồng hành của một số công ty khác như Bel Gà (chuyên cung cấp con giống), Fresh Studio Innovations Asia (chuyên tư vấn quản lý thực phẩm sạch)…
Trong Chương trình, De Heus sẽ cùng với các đối tác uy tín cung cấp đầu vào cho chuỗi như gà giống, heo giống, thức ăn… có chất lượng tốt, đảm bảo ATTP. De Heus cũng sẽ làm việc với các bên chuyên tư vấn và kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp để đảm bảo cho chuỗi được kiểm soát từ giai đoạn con giống đến khi là thành phẩm tới tay người tiêu dùng. Hùng Nhơn sẽ tổ chức nuôi, trồng phù hợp với pháp luật Việt Nam và các tiêu chí kiểm soát của chuỗi để đảm bảo đầu ra đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Gabor Fluit, TGĐ Cty De Heus, các bên sẽ cùng áp dụng tiêu chuẩn Global GAP cho toàn bộ Chương trình hợp tác chuỗi thực phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc. Mục đích là đáp ứng được các yêu cầu cao nhất trong sản xuất thực phẩm an toàn và sẵn sàng cho việc XK, nhất là các sản phẩm động vật.
Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán để có thể XK các sản phẩm chăn nuôi sang nhiều thị trường như Nhật Bản, EU… Do đó, làm GlobalGAP cho toàn bộ Chương trình là nhằm chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện cần thiết, để khi mở cửa được thị trường nào là có thể thực hiện XK ngay sang thị trường đó. Chẳng hạn, chúng ta có thể XK ức gà sang Nhật Bản, EU… Đây là cách tốt nhất để giúp cho con gà trắng Việt Nam cạnh tranh được với thịt gà NK.
Hiện tại, hầu hết các bên tham gia đều đã có chứng nhận Global GAP từ nhiều năm qua. Vì thế, chỉ cần xâu chuỗi lại với nhau. Ông Vũ Mạnh Hùng, GĐ Cty Hùng Nhơn, cho biết, do đã có sẵn nền tảng GlobalGAP, nên việc áp dụng tiêu chuẩn này cho toàn bộ Chương trình sẽ không nặng về chi phí. Vì tiêu chuẩn GlobalGAP, khi mới làm, chi phí sẽ khá lớn. Nhưng nếu đã có sẵn nền tảng rồi, thì việc áp dụng tiêu chuẩn này sẽ co nhiều thuận lợi như góp phần làm giảm giá thành… Chẳng hạn, các trại chăn nuôi của Hùng Nhơn với mức độ tự động hóa cao nên giảm được đáng kể chi phí quản lý.
Gabor Fluit cho hay, Chương trình sẽ áp dụng những công nghệ cao và mới nhất. Riêng việc truy xuất nguồn gốc được tiến hành từ con giống, thức ăn, trại chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và phân phối. Truy xuất tất cả sản phẩm từ heo, gà thịt và gà đẻ. Các sản phẩm rau quả cũng được tiến hành truy xuất nguồn gốc. Trong năm 2017, De Heus sẽ tổ chức cho những người tham gia trực tiếp trong Chương trình đi châu Âu để thấy được mô hình truy xuất nguồn gốc là như thế nào.
Cũng theo ông Gabor Fluit, đến nay, đã có một số đối tác sẵn sàng tham gia ở khâu đầu ra của Chương trình. Trong đó, có 2 đối tác đang chuẩn bị bắt tay vào xây dựng nhà máy giết mổ trong năm 2017. Như vậy, Chương trình sẽ tạo thành một chuỗi liên kết khép kín, với sự tham gia của nhà sản xuất giống, nhà sản xuất thức ăn, nhà chăn nuôi, nhà tư vấn và nhà giết mổ, chế biến, phân phối sản phẩm. Dự kiến các loại thực phẩm an toàn của Chương trình sẽ bắt đầu được đưa ra thị trường từ đầu năm 2017.
Với tổng giá trị đầu tư dự kiến là 50 triệu USD (tương đương với 1.200 tỷ đồng), Chương trình đặt ra các mục tiêu dự kiến về sản lượng như sau: 3 triệu con gà thịt và 1 triệu con gà đẻ; 1.600 con heo nái và 15.000 con heo thịt/năm; sản xuất, cung cấp rau củ quả với sản lượng 900 tấn/năm.
Theo Nông nghiệp Việt Nam