Tổng thiệt hại vì thiên tai trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2016 là 39 nghìn 400 tỷ đồng tương ứng gần 2 tỷ USD, con số thiệt hại này tăng gần 3 lần so với thiệt hại bình quân của những năm trước, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến GDP sụt giảm.
Sáng 29.12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNN cho biết: Năm 2016 là một năm khó khăn, thách thức nhất đối với nông nghiệp trong nhiều năm qua. Đầu năm thì trận rét lớn theo quan trắc đó là trận rét lịch sử trong 50 năm qua, khiến cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc đã thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp.
Tiếp theo đợt hạn lịch sử ở miền Trung, làm cho 23 nghìn ha đất sản xuất không thể gieo trồng, rồi đợt hạn mặn của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có 8 tỉnh phải công bố thiên tai, chúng ta thiệt hại 1 triệu tấn lúa ở vùng này, có 1 triệu người ở vùng này và Nam Trung Bộ thiếu nước sạch, đó là mức độ tàn khốc. Ở chiều ngược lại, nước ta đón 5 đợt mưa lũ kéo dài kép ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. "Tổng thiệt hại về nông nghiệp năm 2016, 39 nghìn 400 tỷ đồng tương ứng gần 2 tỷ USD, con số thiệt hại vì thiên tai này tăng gần 3 lần so với thiệt hại bình quân của những năm trước, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến GDP sụt giảm" - Bộ trưởng Cường cho hay.
Theo Bộ trưởng Cường, năm 2016 cũng là năm ngành nông nghiệp được sự quan tâm chỉ đạo từ TƯ, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ việc chỉ đạo ứng phó thiên tai, thúc đẩy sản xuất phục hồi, khích lệ đầu tư vào nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Cường năm 2016, là năm có nhiều tập đoàn lớn về kinh tế đã nghiên cứu đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Hòa Phát, Trường Hải...
Bên cạnh đó người nông dân cũng có nhiều mô hình sáng tạo trong sản xuất, từ trang trại, doanh nghiệp nhỏ. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18%, nhưng đến 9 tháng cuối năm đã tăng lên 0,65% và hết năm tăng được 1,36%. "Chúng tôi cũng thấy các đồng chí lãnh đạo của các địa phương đã tập trung quyết liệt chỉ đạo cho tái cơ cấu nông nghiệp và thu hút đầu tư, chính vì những cố gắng đó năm 2016, thiệt hại do thiên tại đã giảm thiểu đến mức thấp nhất" - Bộ trưởng Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu rõ, năm 2017, khó khăn cho ngành nông nghiệp vẫn còn rất lớn. Đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại, đặc biệt là ở các quốc gia nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang như EU, Hoa Kỳ; những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho phát triển nông nghiệp của các quốc gia xung quanh Việt Nam cũng khiến cho sản phẩm nông nghiệp của chúng ta gặp khó khăn; vấn đề biến đổi khí hậu, năm 2016 xuất hiện hình thái rất mới của biến đổi khí hậu, với tình hình này thì công tác ứng phó sẽ gặp khó khăn; nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi... Bộ trưởng Cường đề nghị các địa phương quan tâm, lường trước khó khăn để có giải pháp quản lý tích cực, hiệu quả.
Theo Dân Việt