Tái cơ cấu nông nghiệp đang đòi hỏi bức bách hơn

06/01/2017

Đã đến lúc chúng ta cần hành động cho việc nhận thức lại về ngôi vị hàng đầu của quốc gia xuất khẩu gạo hay cường quốc về sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Khu vực nông nghiệp lần đầu tiên sau nhiều năm tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm 2016. Diện tích trồng lúa cả năm ước 7,790 triệu ha, giảm 0,5%, sản lượng 43,604 triệu tấn, giảm 1,611 triệu tấn so năm 2015.

Riêng vựa lúa ĐBSCL giảm 1,38 triệu tấn. Xuất khẩu gạo cả nước sụt giảm, chỉ đạt 4,883 triệu tấn, bằng 74,3% so năm trước, đạt 2,2 tỉ USD, giảm 25,8% về khối lượng và 21,2% về giá trị.  

Chuyển biến tích cực trong khó khăn

Năm 2016 vừa đi qua là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch 5 năm 2016-2020, là năm nông nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn chưa từng có của thiên tai, hạn mặn, yếu kém nội tại và tác động từ bên ngoài của hội nhập, cạnh tranh để phát triển với những chuyển biến biến tích cực đáng ghi nhận.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với “dấu trừ” tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm là - 0,18%. Con số chưa từng xảy ra trong nhiều năm đã vượt qua nhiều vết tích, lấy lại đà tăng trưởng cả năm 1,36% (theo báo cáo của Chính phủ) là sự nỗ lực rất lớn. Diện tích trồng lúa cả nước năm 2016 giảm 0,5%, ước 7,790 triệu ha, sản lượng đạt 43,604 triệu tấn, giảm 1,611 triệu tấn so năm 2015 (ĐBSCL giảm 1,38 triệu tấn). Xuất khẩu gạo cả nước sụt giảm, chỉ đạt 4,883 triệu tấn, bằng 74,3% so năm trước, đạt 2,2 tỉ USD, giảm 25,8% về khối lượng và 21,2% về giá trị.

Tái cơ cấu nông nghiệp đang là đòi hỏi bức bách hơn là định ra các chỉ tiêu sản lượng nông sản như lâu nay chúng ta đã làm. Ảnh: LHV  

Năm 2016 cũng chứng kiến xu hướng ngày càng rõ hơn với sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hơn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng. Cả nước có khoảng 337,4 nghìn ha sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, tăng khoảng 76 nghìn ha so với năm 2015.

Thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng khá với sản lượng 6.728,6 nghìn tấn, tăng 2,7%, trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm 53,6%. Ngành chăn nuôi trước sức ép mạnh mẽ của hội nhập, cạnh tranh ngay thị trường nội địa khi mở cửa cho các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài, năm qua đã được tổ chức lại sản xuất, phần lớn theo các mô hình trang trại, tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao nên năng suất và hiệu quả thay đổi rõ rệt, nhất là trong chăn nuôi lợn, gà và bò sữa.

Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 5,06 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2015. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,42% so với năm 2015. Nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu duy trì mức tăng khá đạt 7,5%, cao hơn mức tăng 7% năm 2015 nhờ sự đóng góp chủ yếu của các mặt hàng chủ yếu rau quả (tăng 30,6%), thủy sản (tăng 6,9%).  

Bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo; giảm đầu vào, tăng giá trị

Nông nghiệp Việt Nam năm 2016 đã vượt qua khó khăn tưởng chừng không thể để tiếp đà tăng trưởng năm 2017. Nhưng phải thừa nhận sự phát triển trước những tác động tiêu cực, để lại không ít vết tích từ thiên tai, hạn mặn, rét đậm, rét hại, sự cố môi trường và mặt trái của hội nhập, cạnh tranh. Năng suất lao động xã hội nói chung và trong nông nghiệp của ta còn thấp so nhóm các quốc gia ASEAN4, khả năng cạnh tranh yếu kém làm mất đi lợi thế của nền nông nghiệp nước nhà trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Vì vậy, vấn đề là cần nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành để tiếp tục thực hiện công cuộc chuyển đổi căn bản, toàn diện, thực chất ngành nông nghiệp. Cần sự tiếp cận và giải quyết tổng thể, đa ngành, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Ngành nông nghiệp trong bước chuyển đổi không chỉ đơn thuần là một ngành sản xuất vật chất, mà nó cần được nhìn nhận là một ngành kinh doanh nông nghiệp khi Việt Nam trở thành một trung tâm cung ứng trong mạng lưới nông sản toàn cầu.

Sản phẩm nông nghiệp không chỉ xuất khẩu mà còn là nguồn cung cho 92 triệu dân Việt với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn. Kinh doanh nông nghiệp không thể bỏ qua “đường cung” với việc nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, nhưng cần phải tiếp cận theo “đường cầu”. Thị trường không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hóa mà nhu cầu của thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất nông nghiệp.

Đã đến lúc chúng ta cần hành động cho việc nhận thức lại về ngôi vị hàng đầu của quốc gia xuất khẩu gạo hay cường quốc về sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Xuất khẩu nông sản thô vốn có rất ít giá trị gia tăng trong khi nhiều quốc gia kém lợi thế hơn đang chọn con đường “sáng tạo” hơn là phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng hơn trên nền tảng của thế mạnh từ nông nghiệp.

Nông nghiệp phải chuyển đổi để thích ứng trước nhiều thay đổi nhanh chóng. Tái cơ cấu nông nghiệp đang là đòi hỏi bức bách hơn là định ra các chỉ tiêu sản lượng nông sản như lâu nay chúng ta đã làm. Vai trò của các cơ quan Nhà nước với các vấn đề xuyên suốt vượt ra ngoài khuôn khổ nông nghiệp truyền thống, cần bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân nhiều hơn bằng chính sách và công cụ mà chỉ Nhà nước mới có.

Bước chuyển tích cực của nông nghiệp Việt nam trong năm 2016 là rất đáng ghi nhận, tạo niềm tin cho đà tăng trưởng năm 2017. Nhưng đã đến lúc ngành nông nghiệp nước ta cần vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập dân cư và phát triển bền vững rất cần sự chuyển đổi thực chất. Nhà nước bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo. Doanh nghiệp, nông dân và các tác nhân của các chuỗi giá trị tăng cường liên kết, gắn bó lợi ích, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng động thích ứng trước nhiều thay đổi nhanh chóng.

Lúa gạo - mặt hàng nông nghiệp truyền thống sụt giảm về tổng sản lượng, khối lượng và giá trị xuất khẩu để lại không ít “di chứng” cho bà con nông dân và doanh nghiệp kinh doanh lương thực.

Nhưng cùng với sự gia tăng đột biến 31,2%, đạt 2,4 tỉ USD xuất khẩu rau quả, mức tăng khá của các mặt hàng thủy sản cũng là những chỉ dấu để nhận thức lại về vai trò của cây lúa, thủy sản, trái cây với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, giảm đầu vào, tăng giá trị, phát triển bền vững.

Để người nông dân, cùng doanh nghiệp tự tin trong bước chuyển đổi từ sản xuất ra nhiều nông sản, sang làm ra nhiều giá trị gia tăng từ nông sản và nâng cao thu nhập từ kinh doanh nông nghiệp.

TRẦN HỮU HIỆP (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác